Thầy giáo trẻ dành trọn niềm đam mê và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người
"Học Văn không khó vì có thầy Hòa"
Chúng tôi gặp thầy Vũ Thanh Hòa sau khi anh vừa kết thúc tiết học buổi chiều với các em học sinh khối 12. Vừa thấy chúng tôi, anh đã nhoẻn cười và nói “Đây là tiết học thứ 9 trong ngày hôm nay của tôi”. Tuy nhiên, khác với vẻ mệt mỏi, áp lực vì công việc, thầy Hòa vẫn toát lên một nguồn năng lượng tích cực, nhờ đó mà các em học sinh luôn cảm thấy vui vẻ, hào hứng trong từng tiết học môn Văn cùng với thầy Hòa.
Thầy Vũ Thanh Hòa (sinh năm 1984, tại Hà Nội) luôn được các thế hệ học sinh yêu quý gọi với cái tên trìu mến “thầy Hòa Văn”. Anh là một trong những giáo viên luyện thi môn Văn nổi tiếng tại Hà Nội.
Thầy Vũ Thanh Hòa (sinh năm 1984, tại Hà Nội) luôn được các thế hệ học sinh yêu quý gọi với cái tên trìu mến “thầy Hòa Văn” |
Với niềm yêu thích nghề giáo từ khi còn nhỏ, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Vũ Thanh Hòa đã lựa chọn học sư phạm để trở thành một thầy giáo dạy Văn. Tốt nghiệp Khóa 47, Khoa Ngữ Văn Sư phạm, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội), thầy Hòa về công tác tại Trường THPT Thăng Long. Sau gần 20 năm nhiệt huyết, tận tụy,… niềm vui lớn nhất của thầy đó chính là niềm tin yêu mà đồng nghiệp, học trò, phụ huynh dành cho mình.
Thầy Hòa luôn tâm niệm: “Môn Văn là một môn học cần truyền cảm hứng, đam mê và yêu thích thì học sinh mới có thể học tốt”. Chính vì vậy, thầy đã tích cực khơi dậy niềm đam mê Văn học cho các em học sinh qua từng bài học và cách dạy của mình.
Thầy tâm sự: “Dạy Văn tưởng dễ nhưng không dễ, để các em yêu thích và hiểu được những kiến thức, giá trị cốt lõi của từng bài học thì vai trò của người giáo viên vô cùng quan trọng. Do đó, tôi đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới trong cách giảng dạy để nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Tôi cũng dành thời gian cho quá trình soạn bài, nghiên cứu sách giáo khoa, sách bài tập, sách nghiên cứu, tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu, tri thức khác nhau để phục vụ việc giảng dạy”.
Ngoài thời gian giảng bài, thầy Hòa còn sẵn sàng lắng nghe tâm sự của học sinh về áp lực học tập và khó khăn trong cuộc sống |
Giọng văn có lửa, kiến thức rộng cùng sự tâm huyết, nhiệt tình của thầy Hòa đã mang đến cho học sinh những bài giảng văn học vô cùng thú vị và bổ ích. Phương pháp giảng bài của thầy Hòa luôn hướng đến việc phát triển tư duy sáng tạo, không áp đặt học theo khuôn mẫu. Những tiết học của thầy luôn có không khí thoải mái với cách nói chuyện dí dỏm, gần gũi. Nhờ đó, học sinh không còn cảm thấy môn Văn nhàm chán hay buồn ngủ nữa. Nhiều bạn học sinh còn vui đùa nói rằng: "Học Văn không khó vì có thầy Hòa".
Chia sẻ cảm xúc của mình khi nhắc về thầy giáo của mình, bạn Cẩm Tú, sinh viên năm thứ Nhất, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: “Khoảng thời gian này năm ngoái, do dịch bệnh bùng phát nên em không thể đến trường học, hơn nữa lại đang là giai đoạn nước rút ôn thi nên em càng hoang mang vì kiến thức Văn học của mình chưa chắc chắn.
May mắn thay, em đã biết đến thầy Hoà mở lớp dạy online nên đã đăng ký xin theo học thầy. Sau mỗi buổi luyện đề, thầy đều chấm và chữa chi tiết, dạy cách trình bày cũng như những “mẹo” ăn điểm khi làm bài. Sau thời gian cách ly xã hội, cứ tối thứ Ba và sáng Chủ nhật hàng tuần em lại đi từ Long Biên sang Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng) để học thầy. Quả thật, trời không phụ lòng của hai thầy trò, kết quả thi môn Văn trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 của em được 9 điểm. Khi biết điểm, cả thầy cô giáo, gia đình, bạn bè em ai nấy đều vui mừng, phấn khởi và người vui nhất có lẽ chính là thầy Hòa vì đó là quả ngọt thầy tự tay “vun trồng”.
Cẩm Tú - một trong số những học trò xuất sắc của thầy giáo Vũ Thanh Hòa |
Cũng giống Cẩm Tú, Trung Ánh, cựu học sinh Chuyên Ngữ, tân sinh viên Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) cũng từng có thời gian khủng hoảng vì môn Văn. Tuy nhiên, sau thời gian cùng học với thầy Hòa, kiến thức và điểm số môn Văn của cô nàng đã cải thiện rõ rệt.
Trung Ánh chia sẻ: “Trước khi học thầy Hoà, em đã có một thời gian khủng hoảng vì điểm Văn, mặc dù điểm không quá thấp nhưng mãi không “bứt” lên được. Văn không phải là môn học thuộc rồi ghi lại, mà Văn là hiểu, là cảm nhận, là thấm, là biến nó thành tri thức của mình để có thể tự tin nói về nó, bình luận về nó, phân tích về nó, nghị luận về nó. Sau một thời gian cùng học với Thầy, em đã đạt 9 điểm văn trong kỳ thi THPT Quốc gia (điểm tổng kết Văn lớp 12 là 8.6), tổng điểm thi khối D là 28.4. Em thực sự rất vui về thành quả đã đạt được và em cũng xin tặng điểm số này tới thầy Hòa như một lời cảm ơn sâu sắc đến thầy”.
Người bạn đồng hành của học sinh
Với gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Văn, thầy Hòa lưu lại cho mình một “kho tàng” điểm số đồ sộ của các lớp học sinh. Chỉ riêng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 vừa qua, thầy Hòa có 112 học sinh đạt điểm 9+, 2/5 lớp đạt 8.75 và 92% học sinh đạt điểm 8+.
Không chỉ làm tốt công việc giảng dạy chuyên môn ở trên lớp, thầy Hòa còn là một trong số những gương mặt nhà giáo xuất sắc dạy học trong chương trình "Chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia" phát sóng trên kênh VTV7 (Đài truyền hình Việt Nam).
Thầy Vũ Thanh Hòa trong một tiết học nhóm cùng các bạn học sinh |
Những tiết học của thầy Hòa luôn có không khí thoải mái với cách nói chuyện dí dỏm, gần gũi. Cùng với đó, thầy cũng chia sẻ nhiều bí kíp học tập vô cùng hữu ích và thú vị cho các sĩ tử trong thời gian ôn luyện. Với thầy Hòa, để đạt điểm cao môn Văn thì học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản, có kỹ năng làm bài tốt, tư duy logic và vốn kiến thức xã hội rộng để làm tốt phần nghị luận xã hội.
Ngoài thời gian giảng bài, thầy Hòa còn sẵn sàng lắng nghe tâm sự của học sinh về áp lực học tập và khó khăn trong cuộc sống. Thầy có những lời khuyên bổ ích để các bạn học sinh tiến bộ hơn. Vì vậy, học sinh của thầy không chỉ đạt điểm cao mà còn hoàn thiện bản thân, bản lĩnh và sống tích cưc hơn. Điều này khiến học sinh ngày càng yêu quý và nể phục thầy.
Là người luôn năng nổ, nhiệt tình, có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, thầy Vũ Thanh Hòa luôn được nhà trường, đồng nghiệp, phụ huynh và học trò tin tưởng, yêu quý. Cả hai vợ chồng thầy Hòa đều là nhà giáo. Chính vì vậy, cả hai thầy cô cùng hỗ trợ, cảm thông, động viên nhau để hoàn thành tốt vai trò của mình. Với sự đồng hành của người vợ - cũng là người hết lòng tận tụy với nghề giáo, thầy Hòa đã dành trọn niềm đam mê và tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người.