Thế giới sống chung với đại dịch Covid-19 như thế nào?
Sẽ xuất bản cuốn sách về việc phát triển công nghệ điều trị Covid-19 Tiêm vắc-xin giúp giảm nguy cơ tử vong do Covid-19 tới 11 lần |
Tỷ lệ tiêm chủng cao và tăng cường xét nghiệm diện rộng
Thế giới đang theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh tại Singapore, một trong số những nước trên thế giới lên kế hoạch sống chung với đại dịch Covid-19, khi coi đây là căn bệnh đặc hữu.
Theo đó, từ giữa tháng 8, Singapore bắt đầu nới lỏng một số quy định trong phòng chống dịch Covid-19 như nối lại hoạt động ăn uống, sự kiện công cộng… Nước này cũng từng bước nới lỏng hạn chế như giảm rào cản với người lao động nhập cư, lập hành lang du lịch với Đức khi du khách đã tiêm đủ liều vắc-xin.
Động thái này nằm trong kế hoạch 4 giai đoạn nhằm hướng tới việc trở thành quốc gia có khả năng chống chọi với dịch Covid-19. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục đẩy nhanh xét nghiệm bắt buộc, cấm tụ tập đông người ở nơi làm việc.
Trong tháng này, khoảng 85% dân số Singapore sẽ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19 (Ảnh: SPH) |
Bên cạnh đó, để giảm sức ép lên các bệnh viện, quốc gia 5,7 triệu dân này cũng sẽ mở rộng chương trình thử nghiệm cho người tiêm đủ liều vắc-xin nhưng vẫn nhiễm Covid-19 được điều trị, hồi phục tại nhà. Cùng với đó, đảo quốc sư tử giảm thời gian cách ly cộng đồng từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.
“Singapore là một trong những quốc gia dẫn đầu về công tác tiêm chủng. Chúng ta cần đẩy mạnh xét nghiệm toàn dân và biến việc xét nghiệm trở thành một phần của cuộc sống”, ông Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến đa bộ chống Covid-19, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Singapore chia sẻ.
Bộ trưởng Y tế Singapore, Ong Ye Kung nhấn mạnh: “Tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới theo ngày ở Singapore là điều bất kể nước nào cũng gặp phải ở một thời điểm nhất định nào đó khi tìm cách sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, Singapore đặt ưu tiên cho việc tránh hệ thống y tế sụp đổ, không để số ca tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao khi mở cửa”.
Bên cạnh đó, ông Ong cũng cho biết giai đoạn tiếp theo trong lộ trình tái mở cửa phụ thuộc rất lớn vào ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Vì vậy, người dân hãy chăm sóc bản thân và những người xung quanh.
Duy trì các biện pháp phòng dịch
Từ ngày 1/9, Thái Lan cũng đã mở cửa để lên kế hoạch sống chung với dịch bệnh. Theo đó, các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, spa, matxa, công viên... đã được mở cửa. Tuy nhiên, các cơ sở này phải tuân thủ những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như đảm bảo thông gió tốt, khoảng cách, khai báo y tế, giới hạn thời gian và công suất phục vụ…
Mở cửa trở lại nhà hàng, quán ăn nhưng các khu vực thường có người qua lại tại Thái Lan phải được lau sạch sau 1 - 2 giờ. Thực khách không được phép ngồi lại quá 1 giờ trong nhà hàng để khách tập trung ăn, bớt nói chuyện…(Ảnh: Reuters) |
Hệ thống phân vùng kiểm soát Covid-19 vẫn giữ nguyên và ủy ban kiểm soát tại các tỉnh sẽ tuyên bố cơ sở nào đủ điều kiện để hoạt động.
Đến ngày 1/10 tới đây, các tỉnh thành trong “vùng đỏ đậm” (nơi áp dụng các biện pháp hạn chế tối đa), chỉ những người đã tiêm phòng đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính mới được phép ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, quán ăn…
Ông Suwannachai Wattanayingcharoenchai, một quan chức tại Bộ Y tế Thái Lan cho biết, động thái trên nhằm cho phép các cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại trong lúc số ca nhiễm mới vẫn còn cao.
Trong thời gian tới, Thái Lan dự kiến cấp “thẻ xanh” cho người đã tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc bình phục sau khi nhiễm Covid-19 không quá 3 tháng. “Thẻ vàng” được cấp cho người chưa tiêm vắc-xin nhưng có xét nghiệm âm tính không quá 7 ngày và những người bình phục sau nhiễm hơn 3 tháng.
Học cách sống chung với dịch bệnh
Tại Châu Âu, cuộc chiến chống dịch bệnh cũng đang chuyển sang chiều hướng lâu dài. Nhiều quốc gia đã đổi từ chấm dứt đại dịch sang học cách sống chung với nó. Chính quyền nhiều nước đang lên kế hoạch tiêm mũi vắc-xin tăng cường, áp dụng quy định đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên, thực hiện giãn cách xã hội hạn chế để kiểm soát virus trước đợt dịch thứ ba trong mùa đông này.
Nhiều quốc gia đã đổi từ chấm dứt đại dịch sang học cách sống chung với nó |
Tại Italy, quốc gia từng là tâm dịch của thế giới đang vận hành hệ thống theo thang màu, sử dụng một bộ thông số kĩ thuật để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở từng khu vực. Nặng nhất là vùng đỏ, kế đến là vàng, xanh và trắng. Mọi khu vực tại Italy hiện đều thuộc vùng trắng.
“Người dân ở đây nhận thức rằng cuộc chiến chống Covid-19 còn tiếp diễn và đó là cuộc chiến lâu dài. Toàn bộ người dân sẽ không mất cảnh giác, sao nhãng vì họ biết rằng mọi chuyện chưa kết thúc, phải mất nhiều thời gian mới trở lại được như trước”, ông Claudio Cancelli, Thị trưởng vùng Nembro, gần tâm dịch trong làn sóng Covid-19 đầu tiên tại Italy chia sẻ.
Các quốc gia như Pháp và Italy cũng ngày càng coi việc tiêm phòng, phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính là những điều kiện tiên quyết để người dân có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các chủ nhà hàng không kiểm tra chứng nhận y tế của khách hàng có nguy cơ bị phạt 9.000 euro (khoảng 10 nghìn USD) và một năm tù giam.
Tại Mỹ, một số thành phố và tiểu bang như California thời gian gần đây cũng công bố các hạn chế tương tự.
Từ kinh nghiệm của các nước có thể thấy, tăng cường tiêm vắc-xin, xét nghiệm diện rộng, dỡ bỏ có lộ trình các biện pháp giãn cách tùy theo tình hình là những bước đi để Việt Nam từng bước sống chung với đại dịch Covid-19. Tại Hà Nội, hai “mũi giáp công” là tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng đang được thực hiện bài bản. Thủ đô đang triển khai rất tích cực, trong đó, chủ trương thần tốc phủ vắc-xin mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi là hoạt động rất quan trọng để dần tạo ra miễn dịch cộng đồng. Việc triển khai xét nghiệm diện rộng cũng thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả những người mắc Covid-19. Nếu không thực hiện xét nghiệm thì phải chấp nhận vẫn còn nguồn lây nhiễm trong cộng đồng và việc giãn cách xã hội toàn thành phố có thể kéo rất dài, từ đó rất khó đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bên cạnh đó, thực hiện phân vùng cũng đang nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, thành phố đã áp dụng các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý, dân cư, sinh hoạt và sản xuất. Với sự sẻ chia, đồng lòng, Hà Nội đang tập trung nỗ lực hoàn thành những mục tiêu đề ra, sớm khống chế dịch bệnh. |