Thêm nhiều cây xanh, làm hồi sinh những dòng sông Hà Nội
"Hà Nội đáng sống là khi có nhiều không gian dành cho cộng đồng" Thêm mảng xanh, tăng không gian sinh hoạt cộng đồng dân cư Thêm nhiều không gian xanh đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị |
Trong hai ngày 14 và 15/10/2024 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029. Trong khuôn khổ sự kiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh sẽ đối thoại với 400 đại biểu thanh niên ưu tú tham gia đại hội về những vấn đề thiết thực liên quan đến thanh niên. Nhân dịp này, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghi nhận nhiều ý kiến của bạn trẻ gửi gắm tới vị lãnh đạo của TP trước thềm Đại hội.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tiến Mạnh – Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ, cơn bão Yagi vừa qua đã làm hàng ngàn cây xanh trên đường phố Hà Nội bị gãy đổ, khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội vốn đã ít cây xanh, nay càng vắng bóng mát hơn.
"Tôi mong rằng, TP sẽ có quan tâm, chủ trương trồng thêm cây tại nhiều tuyến phố và cả khu vực ngoại thành để không khí của TP thêm trong lành, mát mẻ hơn và đẹp hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần có giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ cây mỗi khi có mưa bão, chẳng hạn lưu tâm vấn đề chằng, chống cột để hạn chế thấp nhất tình trạng cây gãy đổ" - anh Mạnh nói.
Nguyễn Tiến Mạnh – Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội |
Cùng mong muốn thành phố có thêm những khoảng xanh mát mẻ, anh Nguyễn Văn Tú, Bí thư Đoàn xã Yên Thường (Gia Lâm - Hà Nội) lại kỳ vọng vào quy hoạch hai bên sông Hồng.
Hiện nay, không gian xanh đô thị Hà Nội chỉ đạt khoảng 2m2/người. Theo anh Tú, đây là diện tích quá khiêm tốn và còn rất xa so với chính quy chuẩn Việt Nam là 7m2/người. Quá trình đô thị hoá nhanh, việc bê tông hoá và cống hoá đã làm mất dần vai trò của hệ thống sông hồ Hà Nội cả về giá trị văn hoá lịch sử, cảnh quan đô thị lẫn hiệu quả về giải pháp thoát nước của TP. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều tuyến phố của Hà Nội cứ mưa là ngập.
"Hà Nội vừa mới tập trung nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng trở thành trục không gian cảnh quan trung tâm của thành phố. Tôi nghĩ, đây cũng là giải pháp tốt để bầu không khí của TP thêm trong lành. Do vậy, tôi rất mong lãnh đạo thành phố có những quyết sách mạnh mẽ để khôi phục các không gian xanh, tạo thêm không gianh xanh cho Thủ đô bằng cách trồng thêm cây, quy hoạch không gian công cộng 2 bên sông Hồng" - anh Tú nói.
Trong khi đó, Nguyễn Mai An, sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội lại băn khoăn vì tình trạng ô nhiễm tại một số dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch vẫn chưa giải quyết triệt để.
Nguyễn Mai An, sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội |
Theo bạn trẻ này, Hà Nội có nhiều dòng sông có giá trị văn hóa lịch sử như sông Tô Lịch. Nếu khôi phục dòng sông này, không những vai trò của hệ sinh thái ven sông được phục hồi; góp phần đưa yếu tố tự nhiên trở lại với đô thị hiện đại, giảm úng ngập mỗi khi mưa, mà còn khai thác được yếu tố văn hóa, thu hút khách du lịch.
"Để những con sông như sông Tô Lịch không bị “chết” vì ô nhiễm, tôi mong rằng, TP có những giải pháp xây dựng cảnh quan ven sông theo dạng công viên tuyến tính, tăng khả năng tiếp cận với không gian mặt nước và bổ sung các hoạt động vui chơi giải trí cho cộng đồng cư dân, nâng cao tính đa dạng sinh học. Đây cũng là yếu tố hành lang quan trọng góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đô thị bền vững" - cô sinh viên chia sẻ.