Thiên đường du lịch Châu Á có nguy cơ mất khách vì ô nhiễm không khí
Bầu trời xám xịt ở điểm du lịch nổi tiếng Chiang Mai do ô nhiễm không khí nghiêm trọng (Ảnh của Yohei Muramatsu) |
Đỉnh đồi Doi Suthep nhìn ra thành phố cổ Chiang Mai (Thái Lan) là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, những khung cảnh thiên nhiên hút hồn du khách giờ đã bị thay thế bằng một khung cảnh mờ mịt bởi tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang xảy ra tại Thái Lan.
Mặc dù quy định đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 đã được dỡ bỏ song nhiều người dân địa phương vẫn không thay đổi thói quen này. “Tôi lo lắng về sự lây nhiễm, nhưng ô nhiễm không khí cũng đáng sợ”, một người bán hàng ở Chiang Mai cho biết.
Không chỉ riêng Chiang Mai, chỉ số chỉ số chất lượng không khí ở nhiều nơi tại Thái Lan ở mức khoảng 164, cao hơn trung bình 150. Khi chỉ số vượt mức trung bình, không khí được đánh giá thiếu lành mạnh, dễ gây ra các triệu chứng về hô hấp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm khói bụi mịn ở Thái Lan đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Từ đầu đến giữa tháng 2, tại Chiang Mai và một số khu vực khác ở miền Bắc Thái Lan, chỉ số này có thời điểm còn vượt ngưỡng 200, trở thành một trong những khu vực ô nhiễm hàng đầu trên thế giới.
Chất lượng không khí của Thái Lan thường xuống cấp trong mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 2 và duy trì ở mức thấp cho đến khoảng tháng 4 hàng năm. Nguyên nhân là do nông dân đốt ruộng mía để loại bỏ lá trước khi thu hoạch. Ngoài ra, khí thải ô tô cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng.
Theo Bộ Y tế Thái Lan, từ đầu năm đến nay, hơn 1,3 triệu người ở xứ sở chùa Vàng đã mắc các bệnh do ô nhiễm không khí. Hầu hết các trường hợp ghi nhận mắc các bệnh thông thường như kích ứng da, đau mắt, đau đầu. Một số khác bị chẩn đoán mắc các bệnh về hô hấp khác như: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, hen suyễn, ung thư phổi…
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha kêu gọi mọi người làm việc tại nhà và đeo khẩu trang, đồng thời yêu cầu các cơ quan đưa ra biện pháp ứng phó.
Theo đó, Chính phủ nước này đã triển khai máy bay tạo mây công nghệ cao, đồng thời lắp nhiều máy lọc không khí khổng lồ tại khu vực thành thị. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các biện pháp này là không đủ và quá chậm trễ.
Sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn trên đỉnh Doi Suthep (Ảnh của Yohei Muramatsu) |
Theo kế hoạch ban đầu, các nhà sản xuất ô tô tại Thái Lan vốn phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 của Châu Âu đối với ô tô mới của họ vào năm 2021. Tuy nhiên, mốc thời gian này đã bị lùi lại tới tháng 1/2024, một phần do chất lượng không khí thường được cải thiện vào khoảng tháng 4 khi lượng mưa tăng lên và sự quan tâm của các nhà lập pháp yếu hơn.
Ô nhiễm không khí trầm trọng tại Thái Lan không chỉ gây hại đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, động lực chính của nền kinh tế quốc gia.
Ngành Du lịch Thái Lan thường vẫn hay quảng bá mùa khô là thời điểm tốt nhất trong năm để đến du lịch quốc gia này. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế có thể “hoãn chuyến du lịch đến Thái Lan hoặc tệ hơn là chọn đến một quốc gia khác có không khí trong lành hơn”, ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết.
Tìm kiếm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, Thái Lan đã đưa ra một chiến lược xúc tiến du lịch mới tập trung vào các kỳ nghỉ dài hạn của du khách giàu có và du lịch chữa bệnh.
Du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của Thái Lan được xếp hạng thứ 18 trên toàn cầu và thứ 5 tại Châu Á. Theo Hiệp hội Du lịch Y tế và Sức khỏe Thái Lan, khách du lịch nước ngoài đến thăm Thái Lan vì mục đích y tế sẽ dành từ 5 - 14 ngày ở đây, mang lại nguồn doanh thu đáng kể.
Giới chức Thái Lan tin tưởng, du lịch sẽ là động lực chính giúp kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay.
Tuy nhiên, sự thành công của các chiến dịch này vẫn chưa chắc chắn, vì đối tượng mục tiêu của du lịch Thái Lan - những người có ý thức về sức khỏe chắc chắn sẽ cố gắng tránh các thành phố bị ngạt khói và mờ mịt…