Chuyển đổi số ngành Du lịch: Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững
Thái Lan ra mắt dự án “Du lịch số”
Trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành Du lịch giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 đồng thời góp phần thúc đẩy nền xã hội và kinh tế số, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan (DEPA) đã khởi động dự án “Du lịch số” để tăng cường nhận thức và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng rộng rãi các nền tảng số.
Du khách đến Thái Lan |
Ông Nuttapon Nimmanphatcharin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của DEPA cho biết, cơ quan này nhận thức rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành Du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn đại dịch.
Nội dung chính của dự án “Du lịch số” là phát triển một nền tảng du lịch quốc gia với tên gọi ThailandCONNECX giúp kết nối nhanh chóng các doanh nghiệp du lịch trên khắp đất nước trong việc áp dụng công nghệ và sáng tạo số để cải thiện sức cạnh tranh, tăng hiệu quả, giảm chi phí hoạt động và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
ThailandCONNEX bao gồm 3 phần: Nền tảng du lịch số quốc gia; Mã du lịch số quốc gia và Ngân hàng dữ liệu du lịch số quốc gia. Trong đó, nền tảng du lịch số quốc gia giúp các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, dịch vụ của mình; Truy cập hiệu quả các sản phẩm và dịch của nhưng doanh nghiệp khác ở cả trong nước và quốc tế.
Còn mã du lịch quốc gia cho phép các doanh nghiệp du lịch sử dụng hệ thống liên lạc thông minh và mã tiện ích, được tích hợp công nghệ Blockchain mua bán và kết nối với các doanh nghiệp khác.
Cuối cùng, ngân hàng dữ liệu du lịch số là một trung tâm tập hợp và lưu trữ thông tin về các doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ du lịch của Thái Lan: Các điểm du lịch, cộng đồng dân cư, nơi lưu trú, nhà hàng và quan trọng nhất là phân tích về hành vi người dùng dưới dạng dữ liệu lớn. Ngân hàng này sẽ giúp cả các cơ quan Cính phủ và khối tư nhân thiết lập hiệu quả các chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Nattaseth Wongwattanakan, Giám đốc điều hành công ty công nghệ Travizgo, đối tác tham gia ThailandCONNEX, nền tảng du lịch quốc gia được thiết kế để lưu trữ lượng dữ liệu lớn và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích xu hướng, sở thích, nhu cầu của du khách. Từ đó, nền tảng giúp các doanh nghiệp du lịch thiết kế và cải thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng có thể tận dụng dữ liệu này để đưa ra các chính sách hiệu quả và triển khai các kế hoạch quảng bá, giúp nâng cao chất lượng ngành Du lịch.
DEPA ước tính sẽ có ít nhất 100.000 doanh nghiệp du lịch tham gia hoạt động trên nền tảng ThailandCONNEX với hơn 200.000 sản phẩm và dịch vụ du lịch, giúp tạo thêm hơn 120 tỷ bạt cho nền kinh tế.
Việt Nam không nằm ngoài cuộc
Quay trở lại Việt Nam, du lịch là ngành kinh tế năng động và có tốc độ phát triển nhanh chóng. Việc liên kết chặt chẽ ngành Du lịch Việt với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối số và phát triển du lịch thông minh.
Cánh đồng lúa vàng chạy dọc theo dòng Ngô Đồng ở Tam Cốc (Ảnh: Nguyễn Anh Đạt) |
Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tiến hành xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành. Đây chính là nền tảng hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giúp cho các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn.
Trong đó, thẻ du lịch thông minh, ứng dụng du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trang vàng du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam... được xem là những sản phẩm cốt lõi hỗ trợ thiết thực cho khách du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.
Thích ứng với sự phát triển toàn cầu của ngành Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch cũng đã có những thay đổi rõ rệt. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ mang lại sự tiện lợi cho khách đang được các doanh nghiệp du lịch triển khai mạnh mẽ.
Trong số các giải pháp công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng có thể kể đến một số xu hướng như: Ứng dụng mobile, trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbots, điểm đánh giá của khách hàng (rating và review), thực tế ảo (virtual reality)...
Ảnh minh họa |
Các địa phương trong nước cũng đã đồng loạt triển khai và áp dụng nhiều ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực này nhằm thích ứng với xu thế và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin như: Vận hành ứng dụng phần mềm (App) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; Triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch nhằm tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao; Vận hành cổng thông tin 1022 nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch; Cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; Đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Tại Hà Nội, thành phố đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động tham quan, du lịch trên địa bàn.
Đồng thời, thành phố đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi.