Thiết bị dạy và học dành tặng trẻ khiếm thị
Nguyễn Sỹ Nam, tác giả của công trình “Nghiên cứu, thiết kế qui trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn Toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập”
Bài liên quan
Bảo đảm an toàn thiết bị dạy học trước diễn biến phức tạp của bão số 3
Bài 1: Sự cần thiết phải đổi mới các phương pháp giáo dục
Đây là một trong 5 công trình xuất sắc nhận giải thưởng 100 triệu đồng từ cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019.
Toán học dễ dàng hơn với trẻ khiếm thị
Ý tưởng về thiết kế qui trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn Toán dành cho học sinh khiếm thị đến với Nam từ chính công việc hàng ngày. Anh hiện đang công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nên được tiếp xúc với một số thầy và học sinh không may bị khiếm thị. Anh nhận thấy các thầy rất khó khăn trong việc vẽ khi giảng dạy môn Toán.
“Việc học Toán đối với học sinh bình thường đã rất khó, các em không may bị khiếm thị càng khó hơn. Không chỉ vậy việc không thể nhìn thấy khiến các em luôn tự ti. Vì vậy, mình đã có ý tưởng chế tạo thiết bị dạy và học môn Toán dành cho trẻ em khiếm thị” – Nam chia sẻ.
Vì thế, sau những giờ làm việc tại cơ quan, Nam lại tranh thủ nghiên cứu để biến ý tưởng thành hiện thực. Nếu như những nghiên cứu khác có nhiều người tham gia hỗ trợ lẫn nhau thì đề tài này một mình Nam thực hiện. Anh vừa lo thiết kế, chế tạo kiêm luôn cả việc gặp gỡ chuyên gia và các thầy cô giáo để tìm ra phương án tối ưu. Vì thế, việc nghiên cứu, thiết kế tốn khá nhiều thời gian.
May mắn, Nam nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người bên cạnh đó việc từng học chuyên ngành Cơ khí – Công nghệ chế tạo máy, trường Đại học Bách khoa Hà Nội khiến anh vững vàng hơn trong việc tạo ra sản phẩm. “Với trẻ khiếm thị, các em không nhìn thấy nhưng lại có thể nghe và cảm nhận rất tốt. Mình dựa vào những đặc điểm tâm lý này để có thể chế tạo những thiết bị dạy và học phù hợp nhất” – Nam cho biết.
Nguyễn Sỹ Nam (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng tại cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019. |
Hiện anh đã thực hiện thành công các sản phẩm như: compa, thước kẻ song song và dụng cụ giúp các em học sinh khiếm thị nhận biết các hình: tam giác, tứ giác, chữ nhật… Với những sản phẩm này, các em học sinh khiếm thị có thể dễ dàng vẽ các hình trong môn Toán học.
Cơ duyên với giáo dục
Một trong những điểm nổi bật ở nghiên cứu của Nam là có thể áp dụng sản xuất đại trà để phục vụ việc dạy và học của những người khiếm thị. Những sản phẩm đã sản xuất thành công được Nam gửi đến thầy cô và học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) dùng thử. Phản hồi anh nhận lại là những lời khen vì tính thiết thực, dễ dàng, thuận tiện…
Dù nhận được phản hồi tốt nhưng Nam vẫn chưa hài lòng về sản phẩm. Anh vẫn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để có sản phẩm tốt nhất giúp học sinh khiếm thị thuận tiện trong học tập môn Toán. Bên cạnh đó, giá thành của sản phẩm hiện còn khá cao cũng khiến Nam trăn trở. Vì thế, khi đến với cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục 2019”, anh mong muốn sẽ có các doanh nghiệp, nhà hảo tâm biết đến, đầu tư vào sản xuất đại trà để phục vụ các em học sinh khiếm thị.
“Khi trực tiếp sử dụng sản phẩm, ngoài những lời khen, các thầy cô ở trường Nguyễn Đình Chiểu cũng phản hồi, góp ý rất sâu điểm chưa được để mình hoàn thiện hơn. Đó chính là động lực để mình tiếp tục nghiên cứu, giảm giá thành sản phẩm” – Nam tâm sự.
Nam tốt nghiệp khoa Cơ khí chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đã từng công tác tại một công ty về Dầu khí ở Vũng Tàu. Sau một năm công tác tại đây, bố mẹ muốn anh quay trở về Hà Nội làm việc. Thời điểm đó, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tuyển nhân sự. Nam ứng tuyển và bén duyên với ngành giáo dục từ đó. Hiện anh là nghiên cứu viên ở Viện, phụ trách nội dung chương trình giáo dục môn Công nghệ. Trước khi thực hiện công trình “Nghiên cứu, thiết kế qui trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn Toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập”, anh thực hiện nhiều đề tài về cơ sở lý luận, dự án về giáo dục STEM…
Theo Nam, thiết bị dạy học cho học sinh và giáo viên có vai trò quan trọng, đặc biệt trẻ khuyết tật. Do đặc thù của mỗi dạng khuyết tật mắc phải, học sinh có đặc điểm riêng trong quá trình nhận thức. Trẻ khiếm thị do không nhìn thấy nên cần đồ dùng học tập đặc thù để nhận biết qua xúc giác. Vì vậy, mơ ước của Nam sẽ tạo ra một danh mục thiết bị dạy và học môn Toán dành riêng cho học sinh khiếm thị.
“Các em đã rất thiệt thòi so với những đứa trẻ khác. Vì vậy, mình muốn giúp các em có cơ hội học tập bình đẳng và tự tin hòa nhập với cộng đồng” – Nam chia sẻ.