Thu phí ô tô vào trung tâm Sài Gòn có phải là giải pháp khả thi chống ùn tắc?
Kẹt xe ô tô trên đường Điện Biên Phủ, TP HCM |
TP HCM chuẩn bị khởi công 7 dự án giao thông chống ùn tắc Thủ tướng làm Trưởng ban BCĐ chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM |
Nếu Nghị quyết này được thực hiện một cách thuyết phục, không chỉ cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho người dân TP HCM, mà còn là mô hình lý tưởng cho những thành phố năng động khác trên cả nước. Thế nhưng, trước khi đụng đến túi tiền của người tham gia giao thông, thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Nghị quyết mà Hội đồng Nhân dân TP HCM vừa thông qua, được căn cứ vào đề án của Sở Giao thông Vận tải TP HCM có nội dụng do Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải VN nghiên cứu và xây dựng. Với một đô thị đang có hơn 8 triệu xe cá nhân thì chuyện tắc đường rất khó tránh khỏi, nếu không có sự giải quyết chấn chỉnh mạnh mẽ. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM - Trần Quang Lâm cho biết: “Nếu không tính tới bài toán hạn chế xe cá nhân thì năm năm tới tình hình giao thông tại TP HCM sẽ cực kỳ khó khăn. Trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân thì quan điểm hạn chế xe cá nhân là quan trọng. Sau khi đề án được thông qua thì thu phí vào nội đô là một trong những giải pháp phải làm ngay. Thu phí ô tô vào trung tâm là một trong những giải pháp để kiểm soát phương tiện cá nhân và sau khi HĐND TP HCM thông qua nghị quyết trên thì chúng tôi mới tiến hành hoàn thiện từng đề án nhỏ trong đó”.
Kế hoạch thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TP HCM có thể hình dung như thế nào? Theo đề án, sẽ thu phí vào giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt, ô tô khách là 50.000 đồng. Xe buýt không bị thu phí, giảm 25% đối với taxi… Về kế hoạch triển khai, thì các cổng thu phí sẽ được xây bao quanh khu vực Quận 1, 3 và giáp ranh Quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Dự kiến sẽ có 34 cổng thu phí được xây dựng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm TP HCM và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe. Các cổng thu phí ứng dụng công nghệ ETC như các trạm BOT triển khai, vì thế xe vẫn chạy bình thường, không xảy ra ùn tắc. Công nghệ ETC sẽ ghi nhận qua thẻ định danh gắn trên mỗi xe. Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, kinh nghiệm các nước khác cho thấy mô hình này kết quả đạt được giảm 30%-50% xe đi vào khu trung tâm giờ cao điểm.
Singapore cũng đã tổ chức thu phí vào trung tâm từ rất lâu. Ban đầu nhiều người cũng không đồng tình nhưng khi triển khai một thời gian thì người dân thấy được mặt tích cực.
Các tuyến dường ở khu trung tâm TP HCM hiện đã quá tải, trong khi lượng ô tô cá nhân liên tục tăng |
Dự kiến kinh phí để xây dựng các cổng thu phí là 250 tỉ đồng. Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, đánh giá: “Khi TP HCM đã đồng ý chủ trương, các đơn vị liên quan phải ngồi lại với nhau để bàn bạc kỹ càng phương án triển khai, việc bố trí 34 cổng thu phí như vậy liệu đã hợp lý chưa. Các giải pháp giao thông đi kèm là gì, phương án phân luồng giao thông có thay đổi cụ thể ra sao…? Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu sử dụng nguồn phí thu được sao cho hợp lý. Sau khi trừ đi các chi phí thuê thiết bị, vận hành... số tiền còn lại phải dành phần lớn đầu tư vào hạ tầng và giao thông công cộng”. Tương tự, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai - Đại học Bách khoa TP HCM, bày tỏ: “TP HCM cần phải xem lại phát triển giao thông công cộng, phải làm sao để tăng lượng vận chuyển hành khách đi bằng xe bus, sau đó là đi bằng tàu điện ngầm. Các tuyến tàu điện ngầm phải phát triển càng nhanh càng tốt, chứ không thể để chậm chạp như thế này, lúc đó mới nghĩ đến việc làm các cổng thu phí. Có như vậy người dân mới tán thành và cổng thu phí hoạt động mới có hiệu quả, nếu không chúng ta thu được tiền nhưng vẫn xảy ra ùn tắc thì thu để làm gì? Chẳng được gì cả mà còn thêm gánh năng cho người dân”.
Bất kỳ khu vực trung tâm nào cũng thu hút sự tập trung đông đúc của người dân, vì nhu cầu giao dịch, vì nhu cầu làm ăn, vì nhu cầu thăm thú… Khu vực trung tâm TP HCM nhiều năm qua đã cấp phép xây dựng cho quá nhiều công trình cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại, và hệ lụy để lại là tạo ra một không gian chen chúc chật chội. Vì vậy, đừng nghĩ cứ áp dụng thu phí thì sẽ giảm kẹt xe ngay lập tức, mà phải tiến hành song song hai giải pháp. Thứ nhất, kiến thiết đô thị đa trung tâm để kéo giãn mật độ dân cư. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng thật tiện ích và văn minh.
Thu phí vào khu vực trung tâm sẽ tăng thêm chi phí cho nhiều dịch vụ khác, nhất là các doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, khi triển khai thực hiện nên có nghiên cứu kỹ, hạn chế các thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách. Cụ thể, cần phải có thể có những cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp vận tải, nhất là giai đoạn sau kế hoạch đổi biển số màu trắng sang biển số màu vàng. Nhìn ở khía cạnh bao quát hơn, Tiến sĩ kinh tế Chu Thành Tiến cho rằng: “Việc thu phí ô tô vào khu vực trung tâm chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế xe cá nhân, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách. Còn về lâu dài, chúng ta phải có giải pháp căn cơ, giải quyết lâu dài hơn. TP HCM phải nhìn nhận vấn đề cốt lõi dẫn tới ùn tắc trong khu vực trung tâm chủ yếu do mọi hoạt động kinh tế - xã hội - thương mại tập trung quá lớn ở một số quận chính. Hạ tầng giao thông lại không được nâng cấp, mở rộng, không đồng bộ kịp nên quá tải là chuyện tất yếu. Để giải quyết căn cơ nạn ùn tắc, TP HCM nên tập trung phát triển các đô thị vệ tinh ở các quận huyện ngoại thành, hạn chế cấp phép xây cao ốc tràn lan sẽ phá vỡ các quy hoạch lâu dài. Đồng thời phát triển mạng lưới giao thông công cộng như metro, xe buýt, xây các bãi đậu xe ở bên ngoài khu vực trung tâm”.
Để thu phí ô tô vào khu vực trung tâm đô thị, không có gì khó. Chỉ cần lập vài chốt kiểm soát và phát hành vé qua trạm. Tuy nhiên, sau đó số lượng ô tô đã nộp phí kia phải di chuyển ra sao trong khu vực trung tâm đô thị, lại thành một rắc rối nảy sinh. Mặt khác, ai dám đảm bảo khi người dân thay thế phương tiện ô tô bằng phương tiện xe máy để đổ vào khu vực trung tâm đô thị, thì tình hình đi lại sẽ khả quan hơn? Hãy nhớ rằng, cách đây 2 năm, chiến dịch ra quân rầm rộ lập lại trật tự vỉa hè ở Quận 1, TP HCM đã phải tạm ngưng nửa chừng và chấp nhận thất bại.
“Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn” được dự toán kinh phí khoảng 393 nghìn tỷ đồng. Do đó, các dự án giao thông được gọi là “thông minh”, không thể trông cậy hết vào giải pháp thu phí ô tô vào khu vực trung tâm đô thị. Muốn kiểm soát xe cá nhân một cách hiệu quả, ngoài các tuyến xe buýt hiện đại, thì phải có thêm không gian đi bộ và sắp xếp lại giờ làm việc lệch giờ học nhằm tránh số lượng lớn người và xe ùa ra đường vào cùng một thời điểm.