Thủ tục cấp giấy đi đường tại vùng 1: Chặt chẽ nhưng thuận lợi, không cứng nhắc
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn cứng nhắc, thiếu thống nhất Hà Nội: Việc lập lại trật tự vỉa hè còn cứng nhắc, thiếu trách nhiệm ở một số nơi |
Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường của người tham gia giao thông |
Đảm bảo thuận lợi cho người dân
Thực tiễn cho thấy, sau 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu. Vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; Lực lượng tuyến đầu tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích; Đông đảo Nhân dân, doanh nghiệp không chỉ tự giác chấp hành yêu cầu giãn cách xã hội mà còn tự nguyện tham gia tự quản, đóng góp công sức, hỗ trợ kinh phí, phát huy tốt vai trò của Nhân dân là trung tâm. Với sự nỗ lực, cố gắng đó, thành phố tiếp tục kiểm soát được tình hình dịch bệnh, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, Nhân dân tin tưởng, đồng tình với các giải pháp của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm yêu cầu trên. Số người ra đường còn đông, trong đó có không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng, chống dịch; Một phần làm cho tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng, đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng người dân nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục.
Việc Hà Nội tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là rất cần thiết sau 3 đợt thực hiện giãn cách toàn thành phố. Trong đó, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí ở mức độ cao hơn đối với vùng 1 phải được tổ chức chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.
Vì vậy, việc triển khai giấy đi đường, quy định rõ đối tượng, quy trình là một yêu cầu hết sức cần thiết trong thực hiện siết chặt phòng, chống dịch tại vùng 1.
Chị Hiền Linh, Tạp chí Cộng sản đánh giá cao động thái và tính quyết liệt trong giải pháp, chống dịch của Hà Nội. Theo chị, việc siết chặt giải pháp nhằm phòng, chống dịch là đúng, đặc biệt quy trình cấp giấy đi đường của TP lần này chặt chẽ nhưng rất linh hoạt, thuận lợi cho cán bộ, công chức phải làm việc cấp thiết cũng như hạn chế được người ra đường.
“Tôi quan tâm đến quy định của nhóm 4 gồm các cơ quan báo chí, truyền thông, giấy đi đường do thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp cho các đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thực ra, trong thời gian giãn cách, việc cung cấp thông tin tới người dân từ công tác phòng, chống dịch, vấn đề an sinh là rất quan trọng. Giai đoạn này, các cơ quan báo chí hoạt động, tác nghiệp nhiều hơn. Vì vậy, thành phố đưa nhóm này về cho thủ trưởng đơn vị cấp là rất hợp lý vì thứ nhất tạo điều kiện cho PV tác nghiệp linh hoạt; Thứ hai lãnh đạo cơ quan báo chí là người trực tiếp giao việc nên nắm rõ được mục đích cấp giấy đi đường”.
Chị Hà Thu, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chia sẻ: “Phóng viên, biên tập viên nằm trong nhóm 4. Việc cấp giấy đi đường do thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp cho các đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc này tạo thuận lợi rất nhiều cho chúng tôi trong khi tác nghiệp. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của thành phố và hướng dẫn của ngành Y tế để dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát”.
Siết chặt kiểm soát người ra đường
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngay sau khi thành phố có phương án cấp giấy đi đường có nhận dạng và thẻ đi mua hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, người dân trên địa bàn thành phố đều nhất trí ủng hộ các biện pháp chống dịch mới. Đây là việc hết sức cần thiết, cấp bách khi biến chủng Delta có độ lây nhiễm rất nhanh, đe dọa an toàn sức khỏe của Nhân dân.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường |
Anh Vũ Huy Hoàng (ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Sau khi Công an thành phố Hà Nội ra thông báo về đối tượng, trình tự thủ tục duyệt cấp giấy đi đường có nhận dạng, thẻ đi mua hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng 1, tôi hoàn toàn đồng tình và sẽ thực hiện nghiêm theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
“Việc phân luồng cấp giấy theo từng nhóm đối tượng sẽ góp phần kiểm soát tốt số lượng người dân ra đường và không xảy ra tình trạng giả mạo hay lạm dụng giấy đi đường. Ngoài ra, việc phân cấp giấy đi đường theo từng nhóm đối tượng cũng sẽ góp phần giảm tải người dân tập trung tại các cơ quan công an, từ đó sẽ góp phần đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19”, anh Hoàng nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy rằng việc Công an thành phố tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đi lại sẽ góp phần quản lý hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; Thông qua đó cũng có hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố.
Cùng với việc siết chặt việc cấp giấy đi đường cho người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị.
Mong rằng tất cả hãy cùng chung tay vượt qua khó khăn, đồng lòng cùng chính quyền thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch hiệu quả. Từ đó, thành phố sớm trở lại trạng thái bình thường, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần ổn định.