Thủ tục cấp phép xây dựng "nghiêng" hơn về phía FDI
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng và Quỹ Friedrich Naumann Foundation của Đức (FNF) tổ chức tại Hà Nội vào sáng 26/11
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hoạt động xây dựng rất quan trọng và liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Đồng thời, chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành nên thủ tục, quy định có nhiều phức tạp.
Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã chú trọng cải thiện các thủ tục hành chính về xây dựng; không chỉ là quản lý cấp phép theo hướng đơn giản và minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu rủi ro, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, công trình. Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm số lần thanh, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc trao đổi ý kiến và tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân, từ doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách và các quy định, các thủ tục hành chính là rất quan trọng. Nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính hơn nữa, chính là lý do để các cơ quan nghiên cứu tổ chức việc rà soát, thu thập ý kiến phản hồi từ cơ sở.
Hiện nay, chỉ số cấp phép xây dựng năm 2019 được xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số quan trọng nhất của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các đia phương; được tiến hành điều tra công khai và định kỳ công bố tới công luận.
Chia sẻ tại hội thảo, GS. TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ Friedrich Naumann Foundation cho hay, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Rào cản gia nhập thị trường, gánh nặng thủ tục hành chính đã giảm bớt; mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh cũng gia tăng; chi phí không chính thức đã dần được đẩy lùi.
Những thay đổi này đang tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều ngành, nghề và khu vực kinh tế. Cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực đã có kết quả tích cực qua phản ánh của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế (VCCI) trình bày báo cáo tại hội thảo |
Giới thiệu chi tiết về công trình nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, để thực hiện nghiên cứu này, một khảo sát toàn quốc đã được tiến hành và thu được phản hồi từ khoảng 10.000 doanh nghiệp; trong đó, xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% doanh nghiệp trong nước và 18% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần đây.
Trong báo cáo cũng chỉ rõ, trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh đối với các thủ tục liên ngành về xây dựng kém tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát.
Điều này có thể phản ánh những chuyển động chính sách trên thực tế khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số địa phương sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư nước ngoài với sự chuẩn bị sẵn về mặt bằng kinh doanh (ví dụ như các khu công nghiệp với hạ tầng đường xá, điện, nước, viễn thông hoàn thiện) đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đăng ký đầu tư.
Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm cảm thấy các trở ngại rõ ràng nhất. Ở 12/13 nhóm thủ tục, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ dưới 10 lao động đứng đầu về tỷ lệ gặp trở ngại.
Theo nghiên cứu, khoảng 23% doanh nghiệp phản bác nhận định “thời gian giải quyết hồ sơ đúng với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định”. Tình trạng này không phải là mới và không chỉ xảy ra đối với lĩnh vực xây dựng. Cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn chi phí thời gian cho doanh nghiệp vẫn là mục tiêu xuyên suốt trong các văn bản chính sách nhiều năm gần đây và được các doanh nghiệp chờ đợi.
Dựa trên các phân tích trên của nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và các lĩnh vực có liên quan. Cùng đó, xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính; nghiên cứu giảm thời gian thực hiện với các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng, kết nối cấp điện, cấp nước, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghiên cứu cơ chế xã hội hóa một số khâu trong quy trình giải quyết các dự án đầu tư xây dựng.
Đặ biệt, để giảm thiểu chi phí không chính thức, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và phát triển rộng rãi các hình thức thanh toán trực tuyến cấp độ 4 cho thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế nhũng nhiễu, gây phiền toái cho doanh nghiệp khi phải gặp trực tiếp cán bộ giải quyết thủ tục.
Phòng vệ thương mại: Công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa TTTĐ - Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang mở cửa rất mạnh theo các hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế ... |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chúc mừng VCCI nhân ngày Doanh nhân Việt Nam TTTĐ - Chiều 13/10, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh ... |
Quản trị Doanh nghiệp bền vững ứng phó với biến động: Kinh nghiệm từ Nestlé Việt Nam TTTĐ - Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển ... |
Cần công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật TTTĐ – Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế sẽ có nhiều văn bản pháp luật cần ... |