Thuận theo hương ước, làng nước an yên - Bài 1: Nền tảng từ ngàn năm giữ làng
Những làng quê… thay “áo mới” Quy định việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước Để phát huy vai trò hương ước, quy ước trong xây dựng khu dân cư văn hóa |
Bài 1: Nền tảng từ ngàn năm giữ làng
Lần giở lại lịch sử sẽ thấy các hương ước trong làng xã của Hà Nội có nhiều quy định rõ ràng về việc phòng, chống dịch. Như vậy, cả ngàn đời nay, dịch bệnh không phải là hiếm, lạ với người Thăng Long cũng như cả nước ta. Dịch bệnh, dù là dịch gì thì cũng đều có tính chất nguy hiểm và lây lan chóng mặt, chính vì thế, khi y học chưa phát triển hiện đại như ngày nay, bằng những quy ước rõ ràng trong hương ước, người xưa đã chống dịch thành công, khoanh vùng, hạn chế di chuyển để người dân làng mình được an toàn.
Truyền thống chống dịch của làng xã
Chỉ riêng trong Đại Nam thực lục thấy chép gần 70 trận dịch lớn nhỏ tại Việt Nam trong thời gian 75 năm (từ năm 1820 đến 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận). Cũng theo một số tài liệu, những trận dịch phạm vi vùng miền hoặc tỉnh, huyện cấp độ khá lớn có thể kể vào các năm 1863, 1875, 1876, 1887, 1888.
Đáng chú ý, tháng 11/1875, dịch bệnh cùng lúc phát ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên, Sơn Tây, Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Thuận, nặng nhất là ở Khánh Hòa.
Trong bối cảnh nền y học chưa phát triển, hiểu biết của người dân về vệ sinh, chăm sóc sức khỏe bản thân, cộng đồng còn hạn chế, dịch bệnh cùng với thiên tai, giặc giã chắc chắn là nỗi ám ảnh thường trực đối với người dân Việt Nam thuở xưa. Đặc biệt là tại Thăng Long, chốn kinh kỳ giao thương buôn bán, khách trong và ngoài nước đến đi nhiều thì dịch bệnh lại càng là mối đe dọa.
Theo các tài liệu lưu trữ, xứ Bắc kỳ thường xảy ra bệnh dịch. Có thể kể đến bệnh dịch tả xảy ra năm 1888 làm chết khoảng 1.800 người ở Hà Nội chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ ngày 18/4 đến 9/5.
Ngoài bệnh tả, các bệnh truyền nhiễm khác như đậu mùa và dịch hạch cũng từng làm nên những đại dịch lấy đi biết bao sinh mạng của người dân. Vào năm 1903, bệnh dịch hạch lại bùng phát ở Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn bất đắc dĩ trở thành nơi “cách ly” người bệnh của chính quyền thành phố.
Hà Nội xưa cũng từng trải qua nhiều đợt dịch bệnh khác nhau |
Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan phức tạp ấy, khi mà Thăng Long, kinh kỳ và các vùng lân cận xung quanh vốn tồn tại văn hóa làng xã từ rất xa xưa, cùng với nếp sống mới, hương ước đã được cố định thành các văn bản, trở thành những quy tắc (điều lệ) có tính chất ràng buộc, được đặt ra trong đời sống cộng đồng, nhằm điều hòa các mối quan hệ và khuyến khích, động viên làm việc.
Theo đó, hương ước không chỉ là văn bản quy định những quy tắc sống do cộng đồng làng xã xây dựng trước đó (thờ phụng, cúng tế, vị thứ, việc làng, hình mục, hương ẩm, khao vọng, cưới xin, tang ma...), còn quy ước những vấn đề mới như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo Tây y hiện đại, đề cao vấn đề vệ sinh, phòng bệnh hơn chữa bệnh…
Các tài liệu để lại cho thấy, đầu thế kỷ XX, nhiều làng xã ở nông thôn Việt Nam đã đặt ra những quy tắc về vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh truyền nhiễm lây lan… Những quy tắc này được ghi cố định trong các bản hương ước tục lệ của làng xã (hương ước, khoán ước, điều lệ…) rất tỉ mỉ, chặt chẽ.
Kinh nghiệm quý cho Hà Nội ngày nay
Theo một số bản hương ước tục lệ được tuyển dịch và giới thiệu trong sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội tuyển tập hương ước tục lệ”, những quy tắc về vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh truyền nhiễm lây lan được quy định rất chặt chẽ.
Bản khoán ước xã Duyên Trường, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Duyên Thái, huyện Thanh Trì có điều 24 ghi việc phòng bị chứng truyền nhiễm như sau: Trong làng chẳng may phát ra chứng truyền nhiễm thì người bị bệnh phải ở riêng một chỗ để khỏi truyền nhiễm cho người khác. Lý dịch phải làm giấy trình quan ngay.
Bản điều lệ xã Đông Mai, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng viết rõ: Những người ốm nặng ở chỗ khác về làng, nếu là người trong làng thì phải có giấy thầy thuốc Tây nhận thực rằng không phải bệnh truyền nhiễm thì mới được vào trong làng. Nếu người ngoài thì cấm hẳn. Người nào đưa ôn (loại bệnh dễ truyền nhiễm), những người ốm nặng về làng mà không trình với lý dịch, nếu xét ra là phải bệnh truyền nhiễm thì phải phạt từ 2 đồng đến 20 đồng.
Hương ước thôn Liễu Nội, xã Khánh Hà, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Khánh Hà, huyện Thường Tín ghi: Trong làng ai có bệnh hủi, lý trưởng phải trình quan khám thực, phải ra dưỡng tế, không được nể để ở trong làng…
Con ngõ tấp nập thông hai đầu phố khi xưa nay được người dân rào kín để không cho người ra vào tùy tiện |
Nhiều bản hương ước của các làng nội thành, ngoại thành Hà Nội ngày nay đều quy ước cụ thể việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đó chính là tiền đề, kinh nghiệm quan trọng cho việc chính quyền cũng như người dân các làng xã ngày nay không hề lúng túng mà còn “chắc tay” trước đại dịch Covid-19.
Bởi vậy, khi chúng tôi đi tìm hiểu việc phát huy vai trò của hương ước trong phòng, chống Covid-19 tại Hà Nội, không chỉ riêng vùng ngoại thành mà cả ở nội thành, rất nhiều người được hỏi đã hồ hởi xác nhận ngay. Quả thực, hương ước đã đóng vai trò không nhỏ trong những ngày giãn cách vừa qua.
Nếu ở những làn sóng dịch bệnh trước, người dân tuân thủ 5K, các quy định về phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, các ngành chức năng thì đặc biệt trong thời đoạn Hà Nội giãn cách dài ngày như thế này, khi tính chất “cục bộ địa phương” được đề cao, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, các thôn làng cách ly với thôn làng, ai ở đâu ở yên đấy, nội bất xuất ngoại bất nhập... thì không chỉ sự cảnh giác, cẩn thận được đề cao mà còn phải dùng đến cả hương ước, căn tính chặt chẽ của người làng nữa.
Dù tốc độ đô thị hóa phát triển như vũ bão, dù còn ở sau lũy tre xanh hay đã xây nhà ống, nhà mái bằng san sát, trong mỗi người Hà Nội đều có bóng dáng một ngôi làng. Đó là tâm lý phải rào dậu che chắn, phải bảo vệ sự an toàn của cá nhân, gia đình, lúc cần mở thì mở rất chan hòa nhưng lúc cần riêng tư cá nhân thì lại rất cẩn thận, chặt chẽ. Tâm lý chống dịch, chống giặc, chống thiên tai hỏa hoạn đã ăn sâu nằm rễ, thành truyền thống, biểu hiện trong một phần hương ước ấy cũng chính là một phần văn hóa người làng mà sự tồn tại ấy đã thành hiển nhiên trong tâm hồn, tính cách mỗi người Hà Nội.
(Còn nữa)
Bài 3: Giữ chắc mối đại đoàn kết toàn dân |
Bài 2: Tinh thần Hà Nội vì cả nước |
Bài 1: Khí thế lên đường góp phần chống dịch |