Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp
Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp những công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cũng như những nông sản chất lượng cao phù hợp với những quy chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó cũng chính là chủ đề của “Diễn đàn trao đổi Công nghệ và Nông sản Việt Nam - Nhật bản” do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cùng với Tập đoàn FPT phối với Tập đoàn SBI và Công ty DENBA tại Nhật bản cùng tổ chức.
Xây dựng trung tâm chế biến và bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn Nhật tại Việt Nam
Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước đã ảnh hưởng to lớn tới sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản, làm đứt gãy chuỗi lưu thông từ nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo chính là phục hồi và phát triển kinh tế; Trong đó, trọng tâm là ngành nông nghiệp với hướng đẩy mạnh sản xuất, xây dựng chuỗi kết nối cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. Thị trường tiềm năng của Việt Nam chính là Nhật Bản.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT |
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhấn mạnh: Thị trường Nhật Bản đã và đang được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng về lĩnh vực nông sản Việt. Các loại trái cây của Việt Nam hiện đang rất được ưa chuộng tại thị trường này. Đồng thời đây cũng là nơi có nhiều dây chuyền sản xuất, công nghệ tiên tiến hướng tới nông nghiệp xanh, sạch an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất.
Những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản không ngừng được đẩy mạnh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đã đi vào chiều sâu và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và nông nghiệp vẫn là ngành giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Bình, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khá lớn như nhu cầu lương thực, thực phẩm không ngừng tăng do dân số ngày càng tăng; Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do xu hướng đô thị hóa; Sự diễn ra mạnh mẽ của biến đổi khí hậu; Quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản không ngừng tăng cao.
Các đại biểu tham dự diễn đàn |
Những thách thức trên đòi hỏi nông sản Việt Nam phải không ngừng gia tăng về sản lượng và nâng cao về chất lượng. Do đó, việc áp dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp và là giải pháp giải quyết những thách thức cho nền nông nghiệp nước nhà.
Trong khi đó, Nhật Bản có ngành nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới thông qua việc áp dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm tự động hóa tối đa các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và phân phối.
Nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản là ngành đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh diện tích đất trồng đang ngày càng bị thu hẹp và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nhức nhối trên toàn thế giới.
Chính vì vậy, thông qua Diễn đàn, có thể giới thiệu tới doanh nghiệp những công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cũng như những nông sản chất lượng cao phù hợp với những quy chuẩn của thị trường hai nước.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn |
Ông Trương Gia Bình đề nghị, Tập đoàn SBI nghiên cứu hỗ trợ VIDA và doanh nghiệp được sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và công nghệ bảo quản lạnh/mát trong một số nhóm sản phẩm trọng điểm của Việt Nam ngay trong năm 2022. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ VIDA và các thành viên đàm phán với nhà phân phối, bán lẻ tại Nhật mua một số sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. VIDA mong muốn là nhà nhập khẩu và phân phối một số sản phẩm của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, ông Bình đề nghị, VIDA và Tập đoàn SBI cùng nghiên cứu, trình Chính phủ, Bộ, ngành liên quan của hai nước những dự án đầu tư quy mô lớn những trung tâm chế biến và bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn thị trường Nhật tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt - Nhật
Bàn về thực trạng nông nghiệp của Nhật Bản, ông Yoshitaka Kitao - Tổng giám đốc Tập đoàn SBI chia sẻ, dân số làm nông nghiệp của Nhật Bản đang giảm nhanh chóng, so với năm 1995 thì 20 năm qua đã giảm hơn một nửa. Ngoài ra, độ tuổi trung bình của lao động nông nghiệp ở Nhật Bản đã tăng 8 năm qua, và tình trạng thiếu lao động do lao động nông nghiệp già đi và thiếu người kế thừa đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Do đó tổng diện tích đất canh tác bị bỏ hoang ở Nhật Bản là 423.000ha, sự suy yếu của cơ sở sản xuất đang gia tăng và tổng sản lượng nông nghiệp đến năm 2017 đã giảm 2,4 nghìn tỷ yên từ mức đỉnh cao năm 1984.
"Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu và khuyến nghị phát triển các công nghệ mới và các mô hình quản lý năng suất cao nhằm phát triển bền vững nông nghiệp như một mục tiêu của các chính sách kinh tế", ông Kitao cho hay.
Diễn đàn đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, phát triển kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản |
Tại Diễn đàn, ông cũng chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng rằng diễn đàn hôm nay sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời cải thiện các vấn đề khác nhau liên quan đến nông nghiệp. Ngoài ra, tôi rất vui nếu nó có thể là cầu nối cho sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam".
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nakatsuka - Giám đốc sàn giao dịch hàng hóa tương lai Dojima đã chia sẻ mong muốn, từ năm 2025 công ty có thể trở thành một trung tâm giao dịch tổng hợp có thể giao dịch các sản phẩm tài chính.
"Trung tâm giao dịch Doujima đã và đang tiến hành cải tiến bộ máy công ty để hướng đến mục tiêu biến công ty trở thành một trung tâm giao dịch khác với các sàn giao dịch khác đang có ở Nhật. Với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm giao dịch quốc tế xuyên quốc gia, trung tâm giao dịch Doujima, chúng tôi tin rằng từ Việt Nam đến Nhật và các quốc gia khác ngoài Nhật thì đều có thể sử dụng", ông Nakatsuka nhận định.
Diễn đàn đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, phát triển kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như: Sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối cũng như thương mại, đầu tư và công nghệ.