Thúc đẩy Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
TS Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, đã có chia sẻ quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Bùi Ngọc Kính - Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội |
Xã hội hóa và giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh là xu hướng tất yếu
- Thưa ông, với chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học thì xu hướng liên kết ngoại ngữ có phải là hình thức để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh?
TS Bùi Ngọc Kính: Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong đó nhấn mạnh từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là tín hiệu rất đáng mừng cho nền giáo dục Việt Nam sau 15 năm thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á, các quốc gia phát triển hội nhập giáo dục toàn cầu nhanh và bền vững đều chọn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 làm công cụ tiếp cận với thế giới.
Quốc gia Phật giáo nhỏ như Bhutan cũng chọn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 để làm công cụ cho người dân được học tập trong môi trường toàn cầu. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với đó, đầu tư của Chính phủ Việt Nam cho giáo dục đã nhận được sự đánh giá cao của Ngân hàng Thế giới.
Suốt 15 năm qua, chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng về giáo dục nói chung và ngoại ngữ nói riêng khi học sinh đã được học tiếng Anh trong trường từ sớm. Điều đó giúp các em mở được nhiều cánh cửa và tìm kiếm các cơ hội học tập và làm việc tại các tổ chức và các tập đoàn kinh tế quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Những năm gần đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng và nâng chuẩn năng lực ngôn ngữ cho giáo viên tiếng Anh thông qua các đề án như: Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 23/1/2019 của UBND thành phố Hà Nội về dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn đến năm 2025; đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh ở tất cả các cấp học đáp ứng yêu cầu của ngành GD&ĐT trong giai đoạn mới.
Đội ngũ giáo viên tiếng Anh của Việt Nam còn đang thiếu và chưa đồng đều về chất lượng; Các thầy, cô cũng cần liên tục trau dồi nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy để đạt được tiêu chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, nguồn lực ngân sách còn thiếu thì việc chúng ta huy động sức mạnh và nguồn lực của các tổ chức giáo dục hoạt động trong lĩnh vực này cùng tham gia vào công cuộc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh là điều rất cần thiết.
Để có thể đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cần có các giải pháp và định hướng. Trong đó, xu hướng xã hội hóa và giảng dạy các môn học khác nhau bằng tiếng Anh là cần thiết.
Đứng ở góc độ nhà quản lý, chúng tôi tin tưởng chủ trương đúng đắn này của Đảng và Nhà nước sẽ là cú hích và động lực mạnh mẽ để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam trong tương lai gần.
Tôi cho rằng đây là một chủ trương hết sức đúng đắn trong bối cảnh hội nhập sâu, thế giới đang phẳng dần và cầu nối đến các nền văn hóa cũng như tri thức chính là ngôn ngữ. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… do vậy rất cần hiện thực hóa sớm chủ trương này để đưa đất nước tiến nhanh đến hội nhập và phát triển.
Môn học bắt buộc nhưng nằm trong học phí
- Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc đầu tư dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay sao cho hiệu quả? Xã hội hóa đào tạo tiếng Anh trong nhà trường cần nhìn nhận thế nào cho đúng?
Tiến sĩ Bùi Ngọc Kính: Đây cũng là trăn trở của những người làm giáo dục nói chung và lãnh đạo quận và Phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm nói riêng. Từ thực tiễn triển khai chương trình liên kết trong 15 năm qua, chúng tôi đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý các nhà trường cũng như các đơn vị đối tác cung cấp dịch vụ này cho học sinh.
Nhìn nhận một cách khách quan, việc học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế cả về tài liệu, phương pháp giảng dạy và đội ngũ giáo viên có thực trạng là nguồn nhân lực đào tạo và giảng dạy tiếng Anh của Việt Nam sau cải cách phần lớn là các thầy, cô chuyển từ tiếng Nga hoặc các ngôn ngữ khác sang. Trong khi đó, yêu cầu tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế khung năng lực 6 bậc Châu Âu hoặc khảo thí Cambridge, thì giáo viên tiểu học tối thiểu phải đạt từ B1 trở lên, giáo viên THCS và THPT tối thiểu đạt từ B2 trở lên.
Đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề và bền bỉ mà lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã quyết liệt triển khai trong suốt 5 năm vừa qua theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 - kiểm tra, rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Giai đoạn 2 - đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa các thành viên tham gia khóa bồi dưỡng, đào tạo, nâng chuẩn IELTS quốc tế cho giáo viên dạy tiếng Anh |
Tại lễ khai giảng khóa “Đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho giáo viên tiếng Anh” năm 2024, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: “Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất và cũng là địa phương có chất lượng giáo dục đứng đầu cả nước nhưng chất lượng môn tiếng Anh chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng.
Xét về thứ hạng, môn tiếng Anh của Hà Nội đang đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành. Cải thiện chỉ số xếp hạng này là điều lãnh đạo ngành GD&ĐT cũng như lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.
Từ đánh giá khách quan của các chuyên gia ngôn ngữ quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại Việt Nam, phương pháp dạy truyền thống của giáo viên Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngữ pháp và truyền thụ kiến thức để nhằm mục đích thi cử thay vì giúp học sinh thực hành để sản sinh ngôn ngữ phục vụ giao tiếp hàng ngày và cao hơn là nhu cầu học tập và làm việc.
Chính vì vậy, các lợi ích của chương trình liên kết tiếng Anh mang lại cho học sinh, khi thực hiện xã hội hóa chương trình tiếng Anh bổ trợ trong trường học, phụ huynh sẽ phải chi trả học phí cho con của mình để các đơn vị đối tác cung cấp dịch vụ này cho các nhà trường.
Thực tế tại quận Nam Từ Liêm, Phòng GD&ĐT đã thực hiện quy trình phê duyệt rất nghiêm ngặt với đối tác và các nhà trường triển khai các chương trình liên kết bổ trợ ngoại ngữ theo nhu cầu và tự nguyện của phụ huynh với các gói chương trình khác nhau, phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực của người học.
Các đơn vị liên kết cũng có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho các học sinh nghèo, thuộc diện chính sách từ 50 - 100% học phí để các con vẫn tham gia học tập bình thường như các bạn khác trong lớp học đại trà.
Đối với các chương trình nâng cao, bắt buộc các nhà trường và đối tác phải có quy trình tuyển sinh phù hợp để lựa chọn đúng đối tượng tham gia vào chương trình tiếng Anh hợp tác tại trường học.
Một thực tế nữa chứng minh, không phải tất cả học sinh đều có điều kiện đi học ngoại ngữ tại các trung tâm bên ngoài do chi phí rất đắt đỏ so với mặt bằng chung của xã hội. Hầu hết các gia đình khá giả thì mới có điều kiện cho con mình theo học ở các trung tâm ngoại ngữ có tiếng tại Hà Nội.
Mặt khác, không quốc gia nào trên thế giới có nhiều Trung tâm ngoại ngữ như ở Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu xã hội và một nguồn lực tài chính rất lớn đang được phụ huynh đầu tư ra bên ngoài trường học. Đây thực sự là điều trăn trở cho các nhà quản lý và giáo dục trong nhiều năm qua nhưng chưa có lời giải xác đáng.
Giải pháp về lâu về dài để học sinh được học ngoại ngữ tiếng Anh chuẩn quốc tế và với chi phí thấp như các nước trong khu vực đang làm mà chúng ta có thể học hỏi từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan. Trong những năm gần đây, các quốc gia này đã ứng dụng phần mềm dạy ngoại ngữ bắt buộc vào trong trường học thay vì việc sử dụng giáo viên bản ngữ.
Điều này giúp cho việc triển khai dạy tiếng Anh được đồng bộ trong cả nước, không bị phụ thuộc vào giáo viên bản ngữ. Quan trọng nhất là chương trình tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc nằm trong học phí của học sinh.
Song song với đó, Chính phủ vẫn phải đầu tư để đào tạo nguồn giáo viên trường công lập đạt chuẩn quốc tế nhằm kiến tạo ra một đội ngũ thế hệ giáo viên mới có chất lượng cho quốc gia. Tuy nhiên để làm được việc này đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ chế chính sách, con người, cơ sở vật chất để quản lý vận hành toàn bộ hệ thống.
Quận Nam Từ Liêm vẫn đang tập trung vào 2 giải pháp chính. Các gia đình có kinh tế dưới trung bình: 100% học sinh có thể tự nguyện đăng ký các chương trình tiếng Anh bổ trợ nghe - nói với giáo viên nước ngoài, mức học phí phù hợp với số đông và được hỗ trợ chính sách miễn, giảm học phí theo hoàn cảnh thực tế.
Các gia đình ở mức kinh tế khá trở lên: Học sinh tự nguyện đăng ký các chương trình nâng cao bổ trợ toàn diện cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết để đạt chứng chỉ đầu ra tiếng Anh chuẩn quốc tế. Với mô hình này, học sinh cần phải đạt được năng lực đầu vào tiếng Anh phù hợp để có đầu ra tương ứng.
Tuy nhiên, bài toán nâng cao chất lượng tiếng Anh cho đa số học sinh cần có sự cân bằng giữa việc đầu tư xã hội hóa và việc bảo đảm tính khả thi cho mọi đối tượng học sinh.
Chúng tôi khuyến khích các chương trình liên kết tiếng Anh nhưng đồng thời cũng hướng tới việc triển khai mức phí và các chính sách phù hợp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Mục tiêu là mọi học sinh, bất kể hoàn cảnh kinh tế, đều có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục chất lượng, đặc biệt là ngoại ngữ. Việc xã hội hóa giáo dục là một phần quan trọng nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng mọi học sinh đều có cơ hội công bằng để phát triển.
Ngoài ra các đơn vị nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai đưa ra các chương trình học bổng, miễn giảm học phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để làm sao đáp ứng được đúng với tinh thần xã hội hoá trong giáo dục. Chúng tôi sẽ thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát các đơn vị liên kết để đảm bảo chất lượng chung trong toàn quận và phụ huynh yên tâm khi cho con đăng ký các chương trình này trong nhà trường.
Cần sự đồng lòng của phụ huynh
- Để có sự đồng lòng giữa nhà trường, phụ huynh trong việc dạy và học tiếng Anh, ông muốn chia sẻ với phụ huynh điều gì về mối quan hệ giữa chất lượng và sự đầu tư xã hội hóa trong việc dạy và học tiếng Anh hiện nay?
Tiến sĩ Bùi Ngọc Kính: Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục công lập chưa đáp ứng hết được nhu cầu cũng như nguyện vọng ngày một cao của xã hội thì mô hình xã hội hóa trong giáo dục nói chung và trong giảng dạy ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh nói riêng là vô cùng cần thiết.
Phụ huynh hoàn toàn có quyền lựa chọn dịch vụ giáo dục tốt nhất cho con em của mình và đánh giá chất lượng giảng dạy các chương trình học tập của con em mình thông qua việc giám sát nhà trường trong quá trình triển khai. Từ đó, họ sẽ nhìn nhận đúng giá trị tri thức mà con em mình thụ hưởng được cũng như chất lượng phục vụ của nhà trường và các đơn vị đối tác để sẵn sàng chi trả một khoản kinh phí đầu tư tương xứng.
Mối quan hệ giữa chất lượng và đầu tư là không thể phủ nhận, chúng tôi luôn hướng tới việc đảm bảo rằng sự đầu tư này sẽ mang lại giá trị xứng đáng cho sự phát triển của con em phụ huynh trong tương lai.
Với tư cách là đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm chung về ngành Giáo dục của quận, chúng tôi cam kết luôn lựa chọn, kiểm soát, giám sát các hoạt động này đảm bảo chất lượng, đảm bảo tính xã hội hóa, đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác triển khai để các bậc phụ huynh và các gia đình có thể yên tâm cho con em mình lựa chọn các chương trình đào tạo này.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục quận Nam Từ Liêm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình liên kết xã hội hóa giáo dục trong trường học có tính chiều sâu và bền vững. Từ đó, mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ huynh, học sinh và các nhà trường nhằm cụ thể hóa phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đang được Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai trong toàn ngành.
Để học sinh phát triển kỹ năng ngôn ngữ tự nhiên và toàn diện hơn...
- Lợi ích từ việc xã hội hóa dạy và học tiếng Anh hiện nay nhận được nhiều ý kiến, ông có thể nói rõ hơn về những kết quả đạt được từ thực hiện liên kết ngoại ngữ hiện nay được không?
Tiến sĩ Bùi Ngọc Kính: Ở địa bàn quận Nam Từ Liêm, chúng tôi cũng thực hiện triển khai nhiều các hoạt động dạy tiếng Anh xã hội hóa và đã gặt hái được nhiều thành quả từ các chương trình này.
Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện chủ trương này, Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm nhận thấy những lợi ích quan trọng mà chương trình liên kết mang lại và đóng góp cho việc phát triển tiếng Anh nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung.
Đối với học sinh: Cơ hội học kỹ năng nghe - nói, phát âm chuẩn giúp học sinh yêu thích tiếng Anh và tự tin trong giao tiếp và từng bước hoàn thiện cả 4 kỹ năng tiếng Anh nghe - nói - đọc - viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018; được tham gia các hoạt động ngoại khóa đa dạng có yếu tố quốc tế… giúp các con có thêm hiểu biết và kiến thức về văn hóa các nước trên thế giới.
Đối với thầy cô giáo tiếng Anh Việt Nam: Có cơ hội học hỏi trau dồi kỹ năng và phương pháp giảng dạy mới, hiện đại và nhiều năng lượng của giáo viên nước ngoài tại chỗ, giúp giáo viên cũng cải thiện năng lực ngoại ngữ và nâng cao chuyên môn khi giảng dạy bộ sách giáo khoa tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và thay đổi các phương pháp dạy lạc hậu để thiết kế các bài giảng theo hướng dạy học tích cực.
Đối với nhà trường: Từng bước đưa yếu tố quốc tế hóa vào trong trường học, giúp học sinh toàn trường có môi trường học tập mở, tự tin và mạnh dạn trong giao tiếp hàng ngày, khi đi du lịch, khi gặp người nước ngoài; phát hiện các tài năng tiếng Anh để bổ trợ, bồi dưỡng vào đội tuyển học sinh giỏi của trường tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố; bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh các nhà trường thông qua các hội thảo, tập huấn ngắn hạn để thầy, cô giáo tiếng Anh cập nhật các kiến thức và kỹ năng giảng dạy mới.
Đối với phụ huynh: Tiết kiệm chi phí và thời gian đưa đón con đi học tại các trung tâm ngoài nhà trường và có sự quản lý, giám sát về chất lượng của nhà trường, phòng GD&ĐT đối với các chương trình liên kết.
Chương trình liên kết dạy học, đặc biệt là dạy liên kết hay làm quen tiếng Anh thông qua các môn học như Toán và Khoa học, đang mang lại những hiệu quả rất tích cực tại các trường học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Việc tiếp cận tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp mà còn tập trung các kỹ năng nghe - nói, thực hành trực tiếp với giáo viên nước ngoài giúp học sinh phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên và toàn diện hơn.
Ngoài ra, học sinh có cơ hội thực hành tiếng Anh trong các ngữ cảnh thực tiễn và nâng cao khả năng tư duy logic qua các môn học như Toán và Khoa học. Thông qua những chương trình này, chúng tôi nhận thấy học sinh tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh và cũng phát triển khả năng học tập các kiến thức liên môn theo phương pháp tư duy mới.
Xin cảm ơn ông!