Thực hiện “5 tiên phong” phát huy thế mạnh Vùng đồng bằng sông Hồng
Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng.
Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các thành viên Hội đồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương Vùng ĐBSH....
Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh: Viết Thành |
Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng ĐBSH năm 2024.
Bộ Tài chính báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án vùng, liên vùng.
Bộ Công thương báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp - chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn Vùng ĐBSH.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của nền văn minh sông Hồng, nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho các địa phương có di sản thế giới.
Về phía địa phương, UBND TP Hà Nội báo cáo đề xuất phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án đầu tư phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, tỉnh Ninh Bình báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị cố đô Hoa Lư…
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh Viết Thành |
Các đại biểu đã tập trung rà soát các công việc, nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện quy hoạch, đánh giá khó khăn, thách thức, vướng mắc để xác định phương hướng, giải pháp khắc phục, triển khai hiệu quả quy hoạch vùng với mục tiêu đưa kinh tế - xã hội Vùng ĐBSH tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng và bền vững.
Nhiệm vụ chính trị nhiều kỳ vọng và trách nhiệm
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Vùng ĐBSH có vị trí rất quan trọng và là vùng đất có tiềm năng phát triển rất lớn. Việc phát triển kinh tế-xã hội Vùng ĐBSH nhanh, toàn diện, bền vững là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, với nhiều khó khăn, thách thức, kỳ vọng và trách nhiệm…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những kết quả tích cực, nổi bật trong phát triển Vùng ĐBSH thời gian qua. Theo đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2024 đạt 7,21%, cao hơn so với bình quân chung cả nước (6,42%) và Vùng Đông Nam Bộ (5,58%). Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 7 tháng đạt 521,059 nghìn tỷ đồng, cao nhất cả nước, chiếm 41% tổng thu NSNN cả nước. Giá trị xuất khẩu 7 tháng đạt trên 80,04 tỷ USD, đứng thứ nhất cả nước, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (227,5 tỷ USD). Giải ngân đầu tư công 7 tháng đạt 55.757 tỷ đồng, cao nhất cả nước, đạt 31,08% kế hoạch…
Lãnh đạo các Bộ, ngành phát biểu tại hội nghị. Ảnh Viết Thành |
Ghi nhận, biểu dương đóng góp của vùng vào kinh tế - xã hội của cả nước, Thủ tướng cho rằng các kết quả trên có được là nhờ quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo, Nhân dân và doanh nghiệp của Vùng ĐBSH.
Về định hướng thời gian tới trong triển khai quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSH, Thủ tướng đặc biệt đề nghị Vùng ĐBSH thực hiện "5 tiên phong" gồm: Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; cải cách hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát;
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức, làm ảnh hưởng và làm tăng chi phí tuân thủ với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ; huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là qua hợp tác công tư để phát triển nhanh và bền vững.
Vùng ĐBSH thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo tại hội nghị. Ảnh Viết Thành |
Đẩy nhanh tiến độ các dự án, kết nối hạ tầng giao thông
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ; xác định các mục tiêu chưa đạt và khó đạt để có giải pháp phù hợp, phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, trách nhiệm, sản phẩm, kết quả.
Cùng với đó, các địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị"; tập trung phát triển theo hướng 1 vùng động lực quốc gia, 2 tiểu vùng, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế trong nước và kết nối quốc tế với tất cả hình thức kết nối giao thông phát triển bậc nhất cả nước.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh.
Về công nghiệp, phát triển công nghiệp công nghệ cao, các địa phương tập trung vào chế biến, chế tạo; ưu tiên công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Viết Thành |
Về dịch vụ, phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, các dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế…
Về nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng…
Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vùng và liên vùng như dự án tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo; các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, con người; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh Viết Thành |
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch vùng, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030. Trong đó dành nguồn vốn phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư để bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Nhấn mạnh tinh thần tiến công trong triển khai các nhiệm vụ, nhất là với các mục tiêu chưa đạt thì phải có giải pháp tăng tốc, đột phá, Thủ tướng lưu ý các địa phương đặc biệt chú trọng thúc đẩy đầu tư công, góp ý vào dự thảo một luật sửa nhiều luật trong các lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư. Đồng thời, Thủ tướng mong các địa phương triển khai thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.