Tiên phong xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới
Dám làm, dám chịu
Mặc dù đã có hẹn vài lần từ tháng 9/2023 nhưng do Nguyễn Thị Hoài An (Người sáng lập và là CEO công ty TNHH VIETFAS) liên tục có những chuyến công tác trong và nước ngoài nên cuộc gặp của chúng tôi đành lỡ hẹn. Phải đến sát Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chị Hoài An mới trở về Việt Nam sau chuyến đi công tác Trung - Nhật - Hàn và chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về bản thân và những công việc mà mình đang theo đuổi.
CEO Nguyễn Thị Hoài An |
Nếu không được giới thiệu từ trước, tôi không thể ngờ rằng người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, nhỏ nhắn trước mắt lại là một trong những người tiên phong xây dựng nên một hệ sinh thái với rất nhiều các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực còn nhiều mới mẻ: Thương mại điện tử xuyên biên giới.
CEO Nguyễn Thị Hoài An, sinh năm 1990, trong một gia đình truyền thống tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi cô tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bố của Hoài An (cũng là chủ một doanh nghiệp chế biến gỗ) đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để xin việc cho con gái vào làm việc ở một đơn vị Nhà nước với mong muốn chị có một cuộc sống ổn định.
Tuy nhiên, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoài An đã ấp ủ ý định tự tay tạo dựng sự nghiệp của riêng mình. Vì vậy, thay vì đi theo con đường được định sẵn, An đã đề nghị với bố được “ra ngoài vùng vẫy”. Lựa chọn của An khiến bố cô phải suy nghĩ rất nhiều nhưng rồi chỉ căn dặn: “Con phải hứa với bố một câu, khi con làm chủ doanh nghiệp, trở thành doanh nhân rồi, con không bao giờ được nghĩ đến hai từ tự tử - dám làm, dám chịu”. Chính câu nói này của bố đã theo An trong suốt quá trình khởi nghiệp với nhiều thất bại, cay đắng, giúp cô tôi luyện bản lĩnh vững vàng.
CEO Nguyễn Thị Hoài An và các thành viên công ty |
CEO Nguyễn Thị Hoài An chia sẻ, để tích luỹ kinh nghiệm cho mình, ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học, cô đã bắt đầu với công việc trợ lý giám đốc cho một người quen và không lấy lương trong 1 năm. Bù lại, An đã được làm việc và học hỏi được rất nhiều kiến thức và kỹ năng về quản trị doanh nghiệp.
Từ năm 2013, An liên tục khởi nghiệp bằng nhiều công việc khác nhau: Bán hàng thời trang, hàng ăn, cho thuê bất động sản, bán hàng online, dạy thêm... Có thành công và cũng có nhiều thất bại, tuy nhiên, mỗi khi khó khăn, cô lại nghĩa về những lời dặn của bố và cô chưa bao giờ lùi bước trước những thất bại đó.
Năm 2015, Hoài An quyết định ứng tuyển vào một công ty về công nghệ thông tin. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm với nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ: Kinh doanh máy chủ ảo điện toán đám mây (Cloud Server).
CEO Nguyễn Thị Hoài An ký kết thỏa thuận cung cấp nông sản Việt Nam tại Trịnh Châu, Trung Quốc |
Cô chia sẻ: “Trước đó, công nghệ là một cái gì đó rất xa lạ, thậm chí chiếc điện thoại thông minh mình chỉ dùng để nghe, gọi và chụp ảnh, sau khi làm việc được 6 tháng mình mới hiểu rõ mình đang bán cái gì”.
Làm quản lý và start-up với khá nhiều mảng, thu nhập cũng khá nhưng An chia sẻ, thời điểm đó cô không hề có một khoản tiết kiệm nào cho bản thân bởi phải chi trả toàn bộ cho sinh hoạt cũng như đầu tư kinh doanh. Đến khi con gái đầu lòng ra đời, mọi thứ đã thúc đẩy Hoài An nhanh chóng tìm ra hướng đi mới, tập trung hơn, rõ ràng hơn, kiên định hơn.
Sự xuất hiện của “thiên thần nhỏ” cũng chính là “người thầy dạy mình về tính kiên trì, bền bỉ”. Giờ đây, vừa là mẹ, vừa là doanh nhân, Hoài An càng có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn trong mọi vấn đề, từ cuộc sống đến kinh doanh.
Xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới
Tháng 11 năm 2018, Hoài An quyết định thành lập công ty TNHH VIETFAS với số vốn ban đầu là 0 đồng. Nhân sự ban đầu của công ty chỉ gồm 2 nhân sự (bao gồm cả cô), hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics và thương mại. Đây là khởi đầu cho việc, cô gây dựng nên một hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới.
CEO Nguyễn Thị Hoài An ký kết hợp tác thành lập trung tâm xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới 2 chiều Việt - Trung tại Lạc Dương, Trung Quốc |
Theo Hoài An chia sẻ, đây là quyết định táo bạo nhất mà cô từng đưa ra, bởi ở thời điểm đó, Hoài An gần như phải tự chèo chống tất cả trong một lĩnh vực còn quá mới này tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng nhờ sự táo bạo, dám nghĩ dám làm đó mà CEO Nguyễn Thị Hoài An đã trở thành một trong những cái tên tiên phong trong thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sau 5 năm hoạt động, VIETFAS đã trở thành một đơn vị tiên phong cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, nữ doanh nhân trẻ còn gây dựng được một hệ sinh thái gồm 8 công ty startup hoạt động tích cực trong các lĩnh vực: Chuỗi cung ứng; Logistics; Phần mềm; Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và Đầu tư.
Hiện nay, có hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do các công ty của Hoài An cung cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, bên cạnh đó là các sàn Thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như Shopee, Tiktok, Lazada, Tiki…
CEO Nguyễn Thị Hoài An thăm và làm việc tại tập đoàn Horwin, Trung Quốc |
Nói về lý do lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực còn mới như thương mại điện tử xuyên biên giới, Hoài An chia sẻ: “Ngày trước đi học, nghe các giảng viên nói rất nhiều về việc cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự chênh lệch rất lớn. Chúng ta nhập rất nhiều từ Trung Quốc nhưng xuất đi được rất ít. Thậm chí, giá trị hàng hóa chúng ta xuất sang Trung Quốc cũng rất thấp do chủ yếu xuất đi dưới dạng thô”.
Bản thân An cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đặt hàng sản xuất các đồ gỗ rồi về tinh chế lại bán với giá cao gấp 10, thậm chí 20 lần so với giá mua tại Việt Nam.
“Trong lĩnh vực kinh tế, phần lớn thế giới chỉ biết đến Việt Nam là một nước có lực lượng lao động trẻ và rẻ có thể gia công được các sản phẩm hàng hóa với giá thành thấp. Đó chính là những điều thôi thúc mình phải làm được điều gì đó để mang được các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam một cách nhanh nhất ra thế giới ngày càng nhiều hơn và có giá trị cao hơn”, Hoài An cho biết.
CEO Nguyễn Thị Hoài An tham dự triển lãm hàng hóa Việt Nam tại Hà Nam, Trung Quốc |
Khi được hỏi về các kế hoạch tương lai, CEO Nguyễn Thị Hoài An khẳng định sẽ tiếp tục hiện thực hoá ước mơ của mình về xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh về thương mại điện tử xuyên biên giới, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử toàn cầu phát triển, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang hồn Việt ra với thị trường thế giới.
An chia sẻ, trong năm nay, cô đang thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Trung Quốc để đưa các sản phẩm của người Việt vào thị trường Trung Quốc. “Mọi người thi nhau nhập hàng Trung Quốc, mình cũng cùng chạy thi nhưng là ngược dòng để xuất khẩu các sản phẩm Việt mình vào Trung Quốc và các nước khác trên thế giới”.
Ngoài là người sáng lập và điều hành mọi hoạt động của Công ty TNHH VIETFAS, cô còn xây dựng một hệ sinh thái gồm 8 công ty startup hoạt động trong các lĩnh vực: - Công ty TNHH VIETFAS: Chuỗi cung ứng - Công ty TNHH Logistics ARU Việt Nam: Hoạt động trong lĩnh vực Logistics - Công ty TNHH Fastspeed Việt Nam: Hoạt động trong lĩnh vực bưu chính - Công ty cổ phần Ecomos: Hoạt động lĩnh vực phân phối công nghệ thông tin - Công ty cổ phần công nghệ Cbess: Lập trình phần mềm - Công ty cổ phần Lite.Up: Truyền thông & Marketing - Công ty cổ phần Tỉnh Thức: Trung tâm đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp - Công ty cổ phần đầu tư Phúc Minh: Nhà máy chế biến gỗ |