Tìm đến đền Quán Thánh để hỏi thần một câu...
Phường Quán Thánh đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì tiêu chí “Văn minh đô thị” Lễ hội truyền thống kỷ niệm Ngày sinh Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ Công nhận một số điểm du lịch ở quận Ba Đình |
Tìm đến trước thần chỉ để hỏi một câu thôi (Dục đáo thần tiền, nhất vấn chi), mở đầu bài “Vịnh tượng đồng Trấn Võ” viết như vậy. Câu gì mà hệ trọng thế? Xem trong văn cảnh thì tác giả (khuyến danh) không phải hỏi mà là chất vấn thần Trấn Vũ tại đền Quán Thánh.
Đền Quán Thánh thời xưa |
Tượng đồng Trấn Võ đặt trong đền Quán Thánh, còn gọi là Trấn Vũ quán. Có người gọi nhầm là đền Quan Thánh. Quán là đạo quán, nơi thờ tự của Đạo giáo. Đền tọa lạc ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), đời Lê thuộc đất phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía Nam Hồ Tây.
Đền được lập từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028) và được tu sửa vào năm 1838. Kiến trúc đền đẹp, không gian thoáng và hài hòa. Trước đền là Hồ Tây, không khí mát mẻ quanh năm.
Đền Quán Thánh thời nay |
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần.
Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Rùa, rắn và thanh kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng đen |
Theo như sự tích được ghi chép ở đền thì Huyền Thiên Trấn Vũ là thần trấn quản phương Bắc (trấn Bắc) đã nhiều lần giúp nước Việt đánh đuổi ngoại xâm. Lần thứ nhất vào đời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc từ vùng biển tràn vào; lần thứ hai vào đời Hùng Vương thứ 7 đánh giặc Thạch Linh...
Trong bản ghi chép còn có chi tiết Huyền Thiên Trấn Vũ giúp dân thành Thăng Long trừ tà ma và yêu quái, giúp An Dương Dương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa, diệt Hồ ly tinh trên sông Hồng đời Lý Thánh Tông...
Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam cách đây 3 thế kỷ.
Đôi voi chầu trong sân đền |
Tương truyền thần Trấn Vũ thường giúp dân trừ tà ma, yêu quái phá hoại đời sống yên lành vùng xung quanh thành Thăng Long: Trừ rùa thành tinh, trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ… Đời nhà Lê, các vua thường đến đây cầu cúng mỗi khi hạn hán. Những lời khấn cầu còn ghi trong “Thiên Nam dư hạ tập”.
Bài “Vịnh tượng đồng Trấn Võ” được viết vào khoảng năm 1892, cũng tức khoảng 10 năm sau ngày thực dân Pháp hạ thành Hà Nội để rồi thiết lập hệ thống cai trị trên cả nước ta. Đây cũng là thời điểm triều đình nhà Nguyễn đã suy. Phàm một triều đã suy thì lang sói hoành hành. Vậy mà, lang sói thần không diệt, lại chỉ giết cầy cáo. Bởi thế tác giả khuyết danh mới hỏi thần:
“Chuyện kỳ Trấn Võ bấy lâu
Đến trước thần muốn đặt câu hỏi này
Cứu dân, trừ hại, ô hay!
Chừa lang sói, chỉ cáo cầy giết oan
Bây giờ yêu quái hàng đàn
Hút dầu uống mỡ dân gian béo mình
Lầm than, dân há tội tình
Nếu thanh thần kiếm còn linh, xin nhờ”.
Phía bên ngoài hai góc tường của đền Quán Thánh có hai tấm bia nhỏ đề chữ Hán 下馬 (Hạ mã). Hai tấm bia này dùng để phân định ranh giới chiều ngang mặt trước của đền.
Ngày xưa, bất cứ vị quan lớn hay chức sắc nào của triều đình khi đi ngang đền Quán Thánh đều phải dừng trước bia "Hạ mã" (xuống ngựa), đi bộ từ bia bên này sang bia bên kia rồi mới được lên ngựa. Nghi thức này để tỏ lòng tôn trọng thánh thần. Bia "Hạ mã" biểu trưng phép tắc xã hội thời phong kiến, xuất phát từ quan niệm đạo đức của Nho giáo.
Trong quán Trấn Vũ còn có một quả chuông cao 1,5m đúc cùng năm với pho tượng treo ở gác tam quan. Tiếng chuông vang khắp thành Thăng Long vì thế mới có câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Có chuyện vui quanh câu ca dao này. Một người ở tỉnh xa về Hà Nội chơi, sau khi được bạn dẫn thăm thú các địa danh nổi tiếng, người này rất vui song vẫn còn chút băn khoăn: “Mình rất hài lòng những nơi bạn đưa mình đến, đã được nghe tiếng chuông ở đền Trấn Vũ nổi tiếng nhưng nếu bạn đưa mình đi ăn món “canh gà Thọ Xương” thì chuyến đi trọn vẹn hơn”.
Nghe xong anh bạn không dám cười, nhẹ nhàng giải thích: “Thọ Xương là tên một huyện của Hà Nội xưa còn canh gà là tiếng gà gáy báo canh, không phải là món canh gà”. Nghe xong anh này cười chữa ngượng.
Đền cũng có một chiếc khánh đồng lớn khắc bài minh cổ. Đôi voi chầu trong sân do một người giàu có ở Hà Nội cung tiến năm 1941.
Từ xa xưa, người dân đi lễ đã có tục sờ, xoa vào chân tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ với ước nguyện mong muốn được may mắn, an lành, cầu cho mùa màng tốt tươi, mọi việc được thuận buồm xuôi gió.
Việc này đã có từ rất lâu, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những người đi lễ luôn có một niềm tin tâm linh là như vậy.