Tinh dầu mùi già Bà Bé - sản phẩm OCOP mang đậm nét “hương đồng gió nội”
Người tiên phong làm tinh dầu từ cây mùi già
Những ngày này trên cánh bãi ven sông Đuống thuộc xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm, Hà Nội), những thửa ruộng trồng mùi đang trổ hoa tạo nên một nét đẹp khiến nhiều người mê mải. Chỉ ít ngày nữa, khi những cây mùi này ra hạt, có nhiều tinh dầu... cũng là lúc vào vụ thu hoạch để cung cấp cho hợp tác xã sản xuất tinh dầu.
Hợp tác xã Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé thu mua cây mùi già cho bà con nông dân |
Anh Phùng Đắc Dũng, Hợp tác xã Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé (thôn Đá, xã xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) – người đầu tiên sáng chế ra tinh dầu từ cây mùi già cho biết: Gia đình tôi có nghề chế biến tinh bột nghệ khô.
Từ nền tảng đó, cùng với sự ủng hộ từ bố mẹ, tôi đã phát triển cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của gia đình thành Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé. Bước phát triển này giúp việc sản xuất bài bản hơn. Sản phẩm của hợp tác xã đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, có liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu ổn định.
Chia sẻ về ý tưởng chế biến tinh dầu cây mùi già, anh Phùng Đắc Dũng cho hay: Trong Đông y, cây mùi là vị thuốc quý có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Không cứ vào dịp Tết đến Xuân về, rất nhiều người có nhu cầu sử dụng quanh năm loại “hương đồng gió nội” này. Trong khi đó, cây mùi tươi chỉ để được thời gian ngắn, khi dùng phải đun nấu lỉnh kỉnh. Vì vậy, tôi đã nghĩ cách chưng cất tinh dầu mùi già để có thể bảo quản được lâu, thuận tiện cho người tiêu dùng...
Hợp tác xã Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé thu mua cây mùi già của nông dân |
“Ban đầu, để có đủ nguyên liệu sản xuất, hợp tác xã phải đi vận động bà con trồng cây mùi. Rất may, trước đó, chúng tôi đã liên kết với nông dân trên địa bàn trồng củ nghệ để làm tinh bột nên sau khi thu hoạch, bà con bắt tay trồng mùi luôn.
Hiện, mỗi ngày, hợp tác xã thu mua 2 tấn mùi già của các hộ dân để chưng cất tinh dầu. Nông dân sản xuất theo kế hoạch nên làm ra đến đâu được thu mua đến đấy với mức giá ổn định. Còn chúng tôi có nguồn nguyên liệu ổn định, duy trì sản xuất”, anh Phùng Đắc Dũng cho biết.
Cũng theo anh Dũng, nếu như trước đây cây mùi chỉ có ở xã Dương Xá, thì nay đã lan rộng ra các xã như: Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi, bà con không lo đầu ra, còn cơ sở có đủ nguyên liệu để sản xuất.
Với kinh nghiệm sản xuất tinh dầu, tinh bột nghệ truyền thống lâu đời của gia đình, sản phẩm “Tinh dầu cây mùi già Bá Bé” đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, với giá 290.000 đồng/lọ 10ml. Hiện, Hợp tác xã Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé đã có 11 sản phẩm tinh bột nghệ, tinh dầu được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững
Chị Lưu Thị Út, thôn Đề Trụ (xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi trồng mùi đã được 3 năm nay, trước đây nhà tôi trồng hành, tỏi nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên đã chuyển sang trồng mùi trên diện tích 300m2, hiện việc trồng mùi cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định để yên tâm theo nghề.
Tôi gieo hạt từ tháng 9, sau 2 tháng trồng, chăm sóc, cây mùi già, trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía là thu hoạch. Thời điểm cây mùi ra hoa, cánh bãi như một bức tranh, mùi hương tỏa ngát. Nhiều người trẻ đến đây, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm...".
Hiện các xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đang mở rộng diện tích trồng mùi và đã có sự liên kết chặt chẽ với Hợp tác xã Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé |
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga, hiện nay, người dân các xã: Lệ Chi, Phú Thị, Kim Sơn, Dương Xá… đang mở rộng diện tích trồng mùi và đã có sự liên kết chặt chẽ với Hợp tác xã Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé nên đầu ra ổn định.
Hiện huyện Gia Lâm đã hỗ trợ hợp tác xã phát triển sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. Đến nay, đơn vị này đã có hàng chục sản phẩm được cấp sao, trong đó có tinh dầu mùi già. Sau khi được chứng nhận OCOP, thị trường được mở rộng, cả hợp tác xã và các hộ dân trồng mùi có thu nhập ổn định.
Sản xuất tinh dầu mùi đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững cho vùng quê ven sông của huyện Gia Lâm |
Những cánh đồng mùi già đã tạo ra một nét mới cho vùng đất bãi và cùng với đó nghề chưng cất, sản xuất tinh dầu mùi đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững cho vùng quê ven sông của huyện Gia Lâm. Đây là một mô hình đem lại nhiều lợi ích, vừa làm đẹp cảnh quan vùng bãi, vừa mang đến thu nhập ổn định cho người dân nên cần được nhân rộng, trước hết ở các vùng bãi ven một số con sông trên địa bàn thành phố; làm cho nông thôn mới Hà Nội ngày càng đẹp hơn, đời sống người nông dân ngày càng sung túc hơn.
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh: Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ các chủ thể khai thác lợi thế là sản phẩm sẵn có ở địa phương (quy mô làng, xã), nâng cấp mẫu mã và chất lượng để trở thành các sản phẩm cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Anh Phùng Đắc Dũng với các sản phẩm tinh dầu do mình sản xuất ra |
Thông thường, những người trẻ tuổi hiện nay có tri thức và hoài bão để đổi mới sáng tạo, đưa kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị mới vào sản xuất - đó chính là lợi thế để thế hệ trẻ phát triển các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về Chương trình OCOP. Ngoài ra, nhiều thanh niên mới khởi nghiệp còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên rất cần được hỗ trợ.
Có thể nói, OCOP là một "sân chơi" để những người trẻ phát huy được năng lực của mình, tận dụng lợi thế riêng có của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế.