"Tọa độ" - Một trong những tác phẩm quan trọng về con người và vùng đất Tây Nguyên
Nguyễn Quang Long tôn vinh tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du trong dự án độc đáo |
“Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai” (tên gốc: “Coordonnées: Structures jörai familiales et sociales”) là một trong hai tác phẩm quan trọng nhất của nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes. Cùng với “Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương” và “Rừng, Đàn bà, Điên loạn”, ba tác phẩm đã tạo nên bộ tài liệu vô cùng quý giá về con người và vùng đất Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên cuốn sách phát hành tại Việt Nam, với bản dịch được thực hiện bởi Omega Plus.
Cuốn sách “Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai” |
Jacques Dournes (1922-1993) là nhà dân tộc học người Pháp, với bút danh là Dam Bo. Ông sống ở Tây Nguyên 25 năm (1946-1970) trong vai trò một nhà truyền giáo đam mê điền dã dân tộc học, tập trung nghiên cứu về văn hóa Jörai (Giarai) và các tộc người vùng cao nguyên.
Với Tọa độ, Dournes đã dùng cách dẫn thuật chi tiết đi từ các truyền thuyết của người Jörai, lưu ý chúng ta về những tình tiết trong các câu chuyện, rồi đối sánh chúng với các “dấu hiệu” hay chỉ dấu đang diễn ra trong đời sống thực tế của người dân bản địa, từ đó tìm những mối nối, phân tách rồi giải nghĩa…
Cuối cùng, ông đưa ra kết luận về cấu trúc gia đình và xã hội Jörai, như bản chất “mẫu hệ” trong gia đình và xã hội của họ khác với “mẫu quyền” ở phương Tây ra sao, mối quan hệ đối ứng giữa đàn bà và đàn ông Jörai, mối liên kết giữa con người xứ này với chính tự nhiên…
Tác phẩm được xuất bản năm 1972, tức Dournes đã viết cuốn sách này và cho xuất bản ngay khi ông đang thực địa giữa những người Jörai mà ông tiếp xúc hằng ngày và đang cố gắng xác nhận các “tọa độ” (xã hội) của họ, nhận diện đúng bản nguyên, “căn cước” (identité) riêng của họ giữa thế giới này, để cuối cùng suy nghĩ về thực trạng và số phận của họ, những khả năng, những thách thức và con đường phát triển của họ trong thế giới ấy hôm nay.
Dựa trên ba “tọa độ” là: Hệ thống những quan hệ thân tộc, Hệ thống liên minh qua hôn nhân và Những quan hệ liên minh khác, Dournes đã rút ra kết luận rằng cấu trúc gia đình và xã hội Jörai xác định nên căn tính của người Jörai trong một tập họp xã hội.
Sau những nghiên cứu kĩ lưỡng xuyên suốt hơn hai trăm trang sách, ông bày tỏ những lo ngại về hiện trạng và con đường phát triển của con người và xã hội Jörai. Dournes cho rằng, khi người Jörai còn đứng trước những khả năng phát triển phong phú khác nhau, họ đã chọn con đường dễ dãi, ít cản trở nhất, song là con đường bế tắc, cá nhân bị hệ thống lấn át và nhanh chóng lu mờ.
Ở thời điểm thập niên 1970, chính con người và truyền thống của vùng đất này là thứ khiến tác giả lo âu về những mai một khả dĩ trong tương lai, để rồi thực tế sau này chứng tỏ những băn khoăn này của ông là tuyệt đối xác đáng. Quá trình đô thị hóa, với ông, vừa là cách cứu lấy những giá trị truyền thống có nguy cơ biến mất nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Có thể nói với người đọc hiện đại, "Tọa độ" sẽ cho ta cơ hội chìm đắm trong không gian Tây Nguyên nói chung và không gian văn hóa Jörai nói riêng ở một chiều không-thời gian khác, để hiểu hơn về phong tục tập quán, và xã hội của nhóm dân tộc tiêu biểu trong đại gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Cuốn sách nằm trong "Bộ sách Tây Nguyên" của Omega+, mang đến những góc nhìn đa chiều về lịch sử, tập tục, con người của một số dân tộc ở Tây Nguyên, với các tựa sách: "Rừng, Đàn bà, Điên loạn" (Jacques Dournes); "Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương" (Jacques Dournes); "Người Ê Đê: Một xã hội mẫu quyền" (Anne de Hauteclocque-Howe); "Vũ Man Tạp Lục Thư" (Ôn Khê Nguyễn Tấn).
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Cùng với "Rừng, Đàn bà, Điên loạn" và "Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương", "Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội Jörai" là tác phẩm đặc biệt quan trọng của nhà nhân học hàng đầu Jacques Dournes về con người và vùng đất Tây Nguyên. Jacques Dournes đã viết và cho xuất bản ngay khi ông đang thực địa giữa những người Jörai mà ông tiếp xúc hằng ngày, trong nỗ lực cố gắng xác nhận các "tọa độ" (xã hội) của họ, để nhận diện đúng bản nguyên, căn cốt hay "căn cước" (identité) riêng của họ giữa thế giới này. Và cuối cùng, để suy nghĩ về thực trạng và số phận của họ, những khả năng, những thách thức và con đường phát triển của họ trong thế giới ấy hôm nay". |