Tôn thờ giang hồ mạng là thầy, giới trẻ lệch lạc trong nhận thức
Nhiều bạn trẻ thần tượng nhân vật bất bảo
Bài liên quan
Tuổi trẻ quận Hà Đông khánh thành “Siêu thị 0 đồng” giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn
Lào Cai: Tạm giữ Huấn “hoa hồng” để điều tra hành vi sử dụng trái phép chất ma túy
"Gương mặt vàng" trong làng thời trang trẻ em Việt Nam
Tôn thờ nhân vật bất hảo làm thầy
Trên fanppage Huấn "hoa hồng" có 644.411 người thích và hơn 900 nghìn người theo dõi, ngoài ra, tại group anh này cũng có đến 476,7 nghìn thành viên. Điều đáng nói là hầu hết các thành viên này là học sinh, người trẻ tuổi.
Điều lạ là, đa số các thành viên trong nhóm đều gọi Huấn là thầy. Những lời nói tục tĩu, thiếu chuẩn mực của Huấn trong những lần livestream đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bạn trẻ. Thậm chí, nhiều người coi những lời nói tục tĩu đó là chân lý, là thứ ngôn ngữ cần học theo. Đặc biệt, trong những bình luận phía dưới đều thể hiện sự cung kính nhất nhất tôn thờ như thần tượng.
Vấn đề đáng nói là trong những lần livestream để nói về cái gọi là giáo dục công dân, Huấn “hoa hồng” thường dùng những từ ngữ chợ búa, bậy bạ, tục tĩu để dạy bảo giới trẻ… theo kiểu đi ngược lại chuẩn mực đạo đức.
Mới đây trên nhóm của Huấn hoa hồng có thành viên post 1 clip của Huấn nói về phải có tiền. Theo đó, nội dung Huấn nói về việc: Phải có tiền mới làm phiền thiên hạ được, phải có tiền mới có gái đẹp, phải có tiền vợ con mới chung thủy được… với nhiều từ ngữ vô cùng phản cảm, thiếu giáo dục. Tuy nhiên lại nhận được rất nhiều lượt like và bình luận ủng hộ và chia sẻ.
Được biết, Huấn “hoa hồng” - tên thật là Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1984, tại Yên Bái. Huấn từng bị bắt và có xét nghiệm dương tính với ma túy nên đã được đưa về trụ sở công an và được đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Năm 2015, Huấn "hoa hồng" nổi lên như một hiện tượng mạng sau khi đăng những video ăn chơi xa hoa. Mới đây, Huấn đã tự nhận là thầy giáo và có nhiều lần livestream dạy người khác về lối sống theo kiểu thiếu chuẩn mực nhưng lại thu hút đông đảo bạn trẻ thích và chia sẻ rộng rãi.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, Huấn bị công an thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) phát hiện sử dụng ma túy.
Cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống
Theo các chuyên gia tâm lý, những hành vi thiếu chuẩn mực nếu bị ăn sâu vào nhận thức của những người trẻ sẽ khiến tư tưởng dễ bị lệch lạc. Cái xấu trở thành điều bình thường và điều tốt trở nên xa xỉ. Những hành động của giang hồ có thể cổ động cho những người trẻ chưa vững lập trường làm những việc xấu.
Hiện tượng thần tượng Huấn “hoa hồng” cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường, coi thường thầy cô, lối sống lệch chuẩn gia tăng, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật lan truyền.
Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống, nguyên nhân của việc lệch lạc thần tượng trong giới trẻ là do trong một thời gian dài chúng ta chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho các em.
Với nhiều gia đình, cha mẹ lại giáo dục theo kiểu, con cứ nghe lời là được cưng chiều, muốn gì được đấy. Vì vậy, nhiều đứa trẻ đối phó bằng cách không nói tục, chửi bây hay làm trò linh tinh trước mặt người lớn nhưng sau lưng, chúng vẫn thực hiện. Điều này dẫn đến suy nghĩ của nhiều bạn trẻ coi việc nói bậy, làm sai sau lưng người lớn là sống thật, là thể hiện bản thân và coi cách sống lịch sự là một thứ ảo, giả dối. Cuộc sống đằng sau, mất lịch sự, thậm chí xấu xa mới là cuộc sống thật. Từ đó, nhiều bạn trẻ thấy rằng Huấn “hoa hồng” là thanh niên dám sống công khai, đó là hình ảnh anh hùng.
Để giới trẻ sống lành mạnh, không thần tượng lệch chuẩn, TS Vũ Thu Hương cho rằng, bố mẹ cần tạo ra nhiều hoạt động cho con như: Đi làm thêm, tham gia vào các câu lạc bộ thể thao, văn hóa, văn nghệ, các nhóm tình nguyện của Đoàn Thanh niên… Như thế, các em sẽ bớt thời gian rảnh rỗi và hiểu ý nghĩa cuộc sống hơn. Khi hiểu được giá trị cuộc sống, giới trẻ sẽ tự biết nên làm gì, lúc đó các bạn ấy sẽ hiểu những người như Huấn “hoa hồng” là nhân vật bất hảo, không nên nghe theo.
Ngoài ra người lớn cũng cần phải thay đổi, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh và sống gương mẫu. Có như thế, giới trẻ mới tôn trọng trường lớp, thầy cô, từ đó tự điều chỉnh sự lệch lạc trong nhận thức.