Tôn vinh giá trị văn hóa và sức sáng tạo của Hà Nội
Lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô |
Hà Nội vững vàng, khí phách hiên ngang
Tại "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, cách đây 1.014 năm, vào mùa Thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt.
Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hơn một thiên niên kỷ, với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt, vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.
Tiếng trống hào hùng vọng từ Thủ đô |
Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà, Hà Nội đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Phát huy truyền thống lịch sử văn hiến và anh hùng, với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện và hoàn thành sứ mệnh của Thủ đô với “Tầm vóc mới - Vị thế mới”; Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Thành phố kết nối toàn cầu; điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn” với bạn bè quốc tế.
Các giá trị văn hóa là tài sản quý báu của Hà Nội |
Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Đặc biệt hơn nữa, sự kiện này thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô.
“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để chúng ta tôn vinh nền Văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo
Những năm qua, Liên hợp quốc luôn duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài và hiệu quả với Thủ đô Hà Nội và đồng hành với Thủ đô Hà Nội trong quá trình chuyển mình ngoạn mục kể từ khi thành phố Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam.
Nhân dịp 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, Thủ đô Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu thành phố vì Hòa Bình vào năm 1999 và thành phố sáng tạo vào năm 2019 đã khẳng định những nỗ lực không ngừng đổi mới của thành phố trong những năm qua.
Người Hà Nội giương cao lá cờ vì hoà bình |
Theo bà Pauline Tamesis, Hà Nội quan tâm bảo tồn và phát huy cả di sản vật thể và phi vật thể, điều này cho thấy lịch sử của Hà Nội giao thoa với hiện đại với sự đổi mới và sáng tạo.
Quyết tâm cao của lãnh đạo chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công tư để phát triển ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo lấy giới trẻ là nòng cốt, có thể thấy thành phố Hà Nội đã xác định rõ văn hoá là một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội quan trọng của Thủ đô.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã và đang huy động được nguồn lực mạnh mẽ từ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo để phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố đáng sống hơn cho mọi người dân.
Tiếp nối nghệ thuật truyền thống dành cho thế hệ trẻ |
Thông qua "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình", Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của thành phố lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.
Việc tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hàng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.