TP HCM: Tăng giá vé thăm quan địa đạo Củ Chi
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi |
Tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra sáng 9/12, các đại biểu đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về ban hành phí tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Theo đó, mức thu phí đối với người lớn là 35.000 đồng/lần/người đối với khách tham quan trong và ngoài nước. Như vậy, mức phí tham quan địa đạo Củ Chi đã tăng hơn 15.000 đồng so với hiện nay là 20.000 đồng/lần/người.
Người khuyết tật, lực lượng vũ trang, trẻ em dưới 7 tuổi được miễn. Người cao tuổi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, trẻ em từ 7 đến 16 tuổi, học sinh và sinh viên được giảm 50% giá vé.
Mức phí mới chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2021.
Lý do của việc tăng này theo tờ trình của UBND TP HCM là do nguồn kinh phí thu được hằng năm từ phí tham quan vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu và nội dung công việc được giao. Việc điều chỉnh mức phí sẽ góp phần làm tăng nguồn thu để phục vụ công tác phát huy giá trị di tích được tốt hơn. Việc điều chỉnh phí cũng nhằm phù hợp với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế và giá cả chung của toàn xã hội.
Ngoài ra, mức phí này cũng được tham khảo mức phí các di tích trong nước có tính chất tương tự như Khu di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), di tích Đền Ngọc Sơn (Hà Nội), di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)…
Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2015.
Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, là nơi các lãnh đạo như: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định.
Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ năm 1961-1975).
TP HCM đang xin ý kiến các Bộ, ngành trung ương, lập hồ sơ Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi để trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.