Trí thức trẻ hiến kế chuyển đổi số, phát triển đất nước
Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia Chuyển đổi số hệ sinh thái du lịch - xu hướng tất yếu |
Xây dựng chính phủ điện tử
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu chia tổ thảo luận với 4 nội dung: Khơi nguồn sáng tạo (thảo luận về các chủ đề nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sản xuất bền vững…); Ứng dụng và chuyển giao (thảo luận về chuyển giao công nghệ trong năng lượng, phát triển đô thị); Kết nối trí thức trẻ phát triển nền kinh tế số, nhân lực số quốc gia (chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh, quản trị và đổi mới) và Phát triển và thương mại hoá các giải pháp chuyển đổi số (phát triển các dự án y tế, giáo dục số; Phát huy các giá trị văn hóa - con người Việt Nam trong kỷ nguyên số).
Một trong những đề tài được nhiều người quan tâm là “Xây dựng chính phủ điện tử” do ThS Đào Văn Hân, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày.
Đại biểu trí thức trẻ trình bày đề dẫn nội dung thảo luận tại chương trình |
Theo anh Hân, Chính phủ điện tử sẽ lấy người dân làm trung tâm, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và đo lường bằng số lượng, mức độ thuận tiện của dịch vụ công trực tuyến; Thanh toán điện tử; Công khai quy trình dịch vụ công trực tuyến; Dữ liệu cơ bản về người dân, doanh nghiệp; Mức độ chia sẻ, liên thông dữ liệu…
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay, là tình trạng "cát cứ" thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến trùng lặp, không thống nhất; Gia tăng rủi ro về an ninh mạng, quyền riêng tư…
Anh Hân đề xuất nên sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý hình thành nên hệ sinh thái kết hợp giữa luật và chính sách; Gắn kết giữa công nghệ thông tin và các hoạt động số hóa; Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết, nhất là tài chính xã hội hóa.
Đại biểu trí thức trẻ trình bày tham luận tại chương trình |
Việc xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay có nhiều cơ hội, khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ số.
Đưa công nghệ thực tế ảo vào quảng bá du lịch
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến ngành Du lịch gần như đóng băng. Vì thế, giải pháp phát triển du lịch ngay trong bối cảnh dịch bệnh cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Nghiên cứu sinh Trần Tuyên (Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá du lịch nông thôn sẽ là giải pháp cấp thiết để kích thích du lịch nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng. Điều này cũng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số ngành Du lịch cũng như chuyển đổi số quốc gia.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV năm 2021 được tổ chức với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” |
Thực tế cho thấy du lịch nông thôn phát triển còn nhỏ hẹp, manh mún vì chưa thể tiếp cận hiệu quả du khách trong và ngoài nước. “Với công nghệ thực tế ảo, dữ liệu lớn và internet kết nối vạn vật có thể sử dụng vào hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn góp phần chuyển tải giá trị nhân văn và tăng cường tính trải nghiệm và cảm xúc cho người dùng”, anh Tuyên chia sẻ.
Công nghệ thực tế ảo cũng đang được ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục.
Theo chị Lan Anh, E-learning tại Việt Nam đang có rất nhiều hạn chế, không có hệ sinh thái quản lý hoàn chỉnh, phải sử dụng nhiều nền tảng phần mềm rời rạc khác để giao bài tập, quản trị dữ liệu học. Mỗi tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm giao bài tập, upload video khác nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản trị chung giữa nhà trường, các đơn vị, giáo viên, phụ huynh và người học.
Vì thế, giáo dục trực tuyến ứng dụng công nghệ thực tế ảo sẽ xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho e-learning như một đại học đa ngành, dễ dàng quản trị, ứng dụng các công nghệ hiện đại như thực tại ảo (VR), ARM MR... có thể tiếp cận người học ở phạm vi toàn cầu.