Trong thành công của con có bóng hình cha mẹ
Lan tỏa giá trị nhân văn từ ngày hội tri ân cha mẹ… Hà Nội sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội: 201 điểm thi lớp 10 công lập đã sẵn sàng |
Hành động của mẹ, tâm trạng của con
Chị Phạm Thủy (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) là người có con năm nay thi tuyển sinh vào lớp 10. Để chuẩn bị cho những "chú Nghé" bước vào kì thi quan trọng, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa lớn dần thành "trâu vàng", chị Thủy tốn rất nhiều công sức. Bắt đầu từ những năm lớp 7, 8 là chị đã đánh giá lại học lực của con để định hướng phù hợp cho con.
Sau đó, chị tiến hành tìm các lớp học để con ôn luyện thêm. Năm lớp 9 là thời điểm quyết định nên chị càng dồn sức lực và cả tài chính cho con. "Lo thì lo lắm nhưng mình vẫn phải cố bình tĩnh bởi nếu như mình thể hiện ra nhiều thì con sẽ chịu áp lực. Cũng may, cháu nhà mình ham học, rất chủ động nên hầu như mẹ không cần phải nhắc nhở.
Cha mẹ "tiếp lửa", động viên con trong kì thi quan trọng |
Nhiều lúc mình còn sợ con mải học quá mà ốm nên động viên con tham gia thêm các trận đấu bóng đá, tập luyện thể dục, thể thao của trường. Con đá bóng rất giỏi nên nhờ đó mà rèn luyện thêm được thể lực, giải tỏa căng thẳng, phát triển được toàn diện", chị Thủy tâm sự.
Lo lắng, sốt ruột, thậm chí căng thẳng, stress là "tâm trạng chung" của những bậc phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10. Như chị Hoàng Yến (ở quận Long Biên, Hà Nội) tâm sự: "Suốt thời gian đầu của học kì 1 lớp 9, thấy con học hành chểnh mảng, mình lo đến "sốt vó". Càng đôn đốc học thì con càng chống đối. Kết quả thi khảo sát của con cũng vô cùng tệ hại khiến mình như bị "bốc hỏa".
Có lúc mình gặp ai cũng muốn cãi nhau. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng như dây đàn. Mình gặp chuyện hơi trái ý tí là cáu gắt ầm ĩ lên với cả hàng xóm, đồng nghiệp, ở chợ, trong siêu thị, khi đi đường... Chồng mình hoảng quá, phải mất rất nhiều thời gian chuyện trò, phân tích để mình hiểu.
Không thể vì chuyện con học kém, vì mình lo lắng mà đổ lỗi hay gây áp lực cho con, cho người khác được. Điều đó không giải quyết được chuyện gì mà chỉ làm tình hình phức tạp hơn lên. Đó là lối ứng xử xấu, thiếu văn minh, thiếu hiểu biết.
Sau đó, mình giấu bớt nỗi lo đi, thay vì thúc ép, dọa dẫm con thì đồng hành, chia sẻ với con nhiều hơn. Từ đó, con học hành chăm ngoan hơn, tiến bộ hơn rất nhiều".
Rõ ràng, lo thì là lo chung nhưng cách ứng xử với con, với chính mình và những người xung quanh ra sao thì lại tùy vào sự kiềm chế và nhận thức của mỗi người.
Ứng xử "đẹp" để kì thi của con được trọn vẹn
"Đến hẹn lại lo", những lỗi lo ấy càng tăng lên khi kì thi đến gần bởi đây là thời điểm mấu chốt, quyết định. Những ngày này, thời tiết Hà Nội mưa nắng thất thường cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi cử của các thí sinh.
Anh Hoàng Minh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã có con thi vào lớp 10 cách đây 2 năm nên "kinh nghiệm đầy mình". Anh chia sẻ rằng luôn chọn di chuyển sớm để tránh mọi nguy cơ tắc đường, ngập lụt hay những sự cố không lường trước có thể xảy ra.
Phụ huynh chờ con thi ở cổng trường |
"Thật may là các cấp các ngành từ chính quyền thành phố, cảnh sát giao thông, sinh viên tình nguyện... luôn luôn túc trực để hỗ trợ kịp thời thí sinh và gia đình. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy như được động viên, tiếp thêm động lực để giảm bớt lo lắng, căng thẳng", chị Lê Thu (ỏ quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ.
Với tính chất công việc, nhiều khi cha mẹ đưa con đến điểm thi rồi phải đi làm ngay. Cũng có nhiều gia đình do thu xếp được thời gian nên ngồi chờ ngoài điểm thi để đón con về. Những lúc ấy đa phần họ đều "giết thời gian" bằng việc trật tự, im lặng ngồi giải quyết công việc qua điện thoại.
Có những người "mặn chuyện" thì kể về chuyện học, chuyện thi của con, chuyện tìm thầy, chọn trường, các "bí kíp" ôn luyện, chuyện chia sẻ, động viên con ra sao... Rất, rất nhiều thứ họ có thể tâm sự với nhau trong lúc hồi hộp chờ các sĩ tử bước từ phòng thi ra.
"Điều đó cũng là để giúp cha mẹ, người nhà giảm bớt những lo lắng, căng thẳng trước kì thi quan trọng này. Dù vậy, vẫn có một số trường hợp ứng xử không được văn minh, lịch sự khi chuyện trò, ngồi đợi con ngoài cổng trường", anh Lâm (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Cũng là người từng đưa đón con đi thi cách đây 4 năm, anh Lâm kể rằng có lúc mình phải tránh đi chỗ khác vì một bà mẹ quá lo lắng, nói liên tục, thậm chí bày tỏ thái độ thiếu kiềm chế bằng những từ ngữ khá nặng nề. Chị cáu gắt vì con học mãi không vào, vì chồng không giúp đỡ, san sẻ được cả việc nhà lẫn nuôi dạy, đến đưa con đi thi cũng phải chị gánh nốt...
"Biết rằng ai cũng có những tâm trạng riêng nhưng sự ồn ào và cả bức xúc cá nhân kia sẽ làm ảnh hưởng đến không khí chung. Tôi nghĩ rằng mỗi người nên tự tiết chế cảm xúc, không nên "bung xõa" chỗ đông người, lại là người không quen biết như vậy", anh Lâm bày tỏ.
Sự động viên, khích lệ của cha mẹ sẽ giúp các con tự tin hơn trong kì thi |
Chị Thúy Lan (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì cho biết có những chuyện rất nhạy cảm mà các phụ huynh nên chú ý. "Chẳng hạn cùng đi thi, có con làm bài tốt, có con không. Thấy con mình buồn, bố mẹ chớ nên gặng hỏi, so sánh rồi mắng mỏ con ngay ở cổng trường.
Tương tự, nếu con mình làm bài tốt mà bạn của con làm không như mong muốn thì cũng chớ nên quá vui mừng mà làm bạn của con và phụ huynh cảm thấy trạnh lòng", chị Lan nêu ý kiến.
Một điều tưởng nhỏ mà không nhỏ nữa là, khi bố mẹ chờ con ở quán nước, ở cổng trường, dù mỏi mệt, dù lo âu... thì cũng nên có tư thế lịch sự, chớ nên hút thuốc lá nếu xung quanh có nhiều phụ nữ, người già và đặc biệt là khi rời đi nên chú ý đừng để rơi rác, áo mưa, vỏ lon nước... bừa bãi tạo thành "bãi chiến trường" ở môi trường giáo dục.
Đó cũng là cách chúng ta làm gương cho con và mang đến cho mình, các con và mọi người xung quanh một kì thi trọn vẹn ý nghĩa.