Từng bước loại bỏ việc lợi dụng quyền tự do hội họp để chống phá Đảng
Quyền tự do hội họp được khẳng định là một quyền tự do cơ bản của người dân và được Nhà nước ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện |
Theo luật pháp quốc tế, quyền tự do hội họp luôn gắn chặt với quyền tự do ngôn luận và được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Điều 20, Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”. Quy định này tiếp tục được khẳng định tại Điều 11, Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950 và Điều 21, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR).
Ở Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập nước, Đảng, Nhà nước đã khẳng định tự do hội họp là quyền cơ bản của công dân và bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế.
Xuyên suốt các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam từ trước tới nay, quyền tự do hội họp được khẳng định là một quyền tự do cơ bản của người dân và được Nhà nước ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… theo quy định của pháp luật”. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền hội họp của công dân (Điều 163, Bộ luật Hình sự năm 2015).
Lợi dụng quyền này, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đã tập hợp người dân, nhất là số người có trình độ nhận thức thấp, có bức xúc, mâu thuẫn với chính quyền, bất mãn với chế độ... tham gia đình công, biểu tình nhằm xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH), chống phá Nhà nước, phá hoại sự ổn định của xã hội.
Các cuộc hội họp, biểu tình không chỉ dừng lại ở việc phản đối hoặc gây áp lực với chính quyền mà khi có thời cơ sẽ tìm cách thực hiện “cách mạng màu”. Điển hình là vụ kích động, lôi kéo công nhân và người dân tham gia biểu tình ở Bình Dương năm 2014; hay lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đối tượng thù địch đã lôi kéo hàng nghìn người mang theo băng rôn, khẩu hiệu tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đốt phá tài sản, tấn công lực lượng cảnh sát, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng… Sau khi các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng gây rối, giải tán người dân tham gia; bắt giữ, xử lý các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, chúng đã “tát nước theo mưa” xuyên tạc rằng, việc xử lý những đối tượng này là đàn áp dã man những người “biểu tình yêu nước”, kêu gọi Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế can thiệp.
Các cuộc hội họp còn được trá hình dưới nhiều hình thức như: tổ chức xã hội – nghề nghiệp, nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích; các tổ chức dịch vụ công không phải do Nhà nước lập ra… Nhiều hội, nhóm do các cá nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước thành lập, điều hành, như: “Hội anh em dân chủ”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Tổ chức xã hội dân sự”, “Viet Liberty” (Việt Nam Tự do), “Nhà xuất bản tự do”, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”… Dưới vỏ bọc ấy, chúng tổ chức để tập hợp lực lượng, tiến hành huấn luyện, đào tạo các phương thức hoạt động; tạo dựng lực lượng chống đối trong lòng đất nước, tiến đến các cuộc bạo loạn lật đổ theo hướng “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”….
Cũng tại đây, chúng lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do đóng góp ý kiến, các đối tượng thúc đẩy tư tưởng “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, hướng lái người dân hình thành tâm lý chống đối, phản kháng với chính quyền. Dưới danh nghĩa phản biện xã hội, đóng góp ý kiến, không ít đối tượng đã biến nó thành một diễn đàn để công khai các luận điệu xuyên tạc, công kích, chống phá chính quyền, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong những năm tới, quyền tự do hội họp vẫn là vấn đề mà các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động này, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá và dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn lợi dụng quyền tự do hội họp để biểu tình, bạo loạn; Nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc trong Nhân dân để tham mưu, đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết triệt để, thỏa đáng trên cơ sở pháp luật;
Kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc… để khắc phục, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, “điểm nóng”ngay từ cơ sở, không để kéo dài, lây lan, vượt cấp…
Chúng ta không kỳ thị, không ngăn cản việc người dân lập hội, tham gia các tổ chức “xã hội dân sự”. Tuy nhiên, tất cả các hội nhóm, đoàn thể đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động lợi dụng quyền tự do hội họp để sản sinh ra các hội, nhóm chống đối đều là vi phạm, cần phải chấn chỉnh, loại bỏ.