Từng bước xóa bỏ tình trạng trồng và sử dụng cây thuốc phiện tại khu vực miền núi
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân
Cây anh túc còn được biết đến với tên gọi khác là cây thuốc phiện, á phiến hay phù dung. Hoa anh túc mang vẻ đẹp quyến rũ, rực rỡ nhưng đây lại là vẻ đẹp chết người khi chúng thường được chọn làm nguyên liệu để chế tạo ra thuốc phiện.
Từ lâu, pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm mọi hình thức, mục đích việc trồng cây thuốc phiện và các loại cây chứa chất ma túy khác. Do đó, tại các tỉnh biên giới, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp để Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa không tái trồng cây thuốc phiện, các loại cây chứa chất ma túy. Tuy nhiên, tại một số địa phương khu vực Tây Bắc vẫn xảy ra tình trạng lén lút trồng cây thuốc phiện trong nương rẫy trên núi cao.
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chở loa đi tuyên truyền lưu động tại các thôn bản |
Địa bàn xã biên giới Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, có tới 95% dân số thuộc đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cuộc sống của bà con dân bản nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ người nghiện ma túy khá cao. Thời gian qua, tổ công tác của Đồn Biên phòng Na Cô Sa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên được Nhân dân thông tin về việc một số đối tượng trên địa bàn lén lút trồng cây thuốc phiện trong nương rẫy trên núi cao. Qua đó, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã chỉ đạo các trinh sát xác minh thông tin, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác của Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Hờ A Cấu, sinh năm 1986, trú tại bản Huổi Po đang trồng, chăm sóc diện tích lớn cây thuốc phiện tại khu vực đồi núi hẻo lánh thuộc địa bàn bản Huổi Po, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện 3.268 cây thuốc phiện đang thời kỳ ra hoa, hình thành nhựa.
Tiếp đó, tại khu vực núi cao, hiểm trở của bản Nậm Chẩn, xã Na Cô Sa, tổ công tác của Đồn Biên phòng Na Cô Sa phát hiện, bắt quả tang đối tượng Vàng Thị Pa, sinh năm 1976, trú tại bản Nậm Chẩn có hành vi trồng, chăm sóc 1.871 cây thuốc phiện.
Mỗi chuyến tuyên truyền lưu động thường kéo dài cả ngày, vượt qua nhiều đồi núi |
Ngay sau khi phát hiện các vụ việc, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã thành lập các tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phá nhổ toàn bộ số cây thuốc phiện do 2 đối tượng trồng, chăm sóc. Quá trình điều tra xác minh cho thấy, cả 2 đối tượng Hờ A Cấu và Vàng Thị Pa đều nghiện ma túy và khai nhận trồng cây thuốc phiện để sử dụng.
Lãnh đạo Đồn Biên phòng Na Cô Sa cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới. Các hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó, hành vi tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn đã từng bước được đẩy lùi. Tuy nhiên, vẫn có những người nghiện ma túy lợi dụng địa bàn hiểm trở, lén lút trồng cây thuốc phiện trong nương rẫy để sử dụng”.
Trong suốt thời gian dài vừa qua, cùng với quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn; Trong đó có nội dung tuyên truyền để Nhân dân không tái trồng cây thuốc phiện, được đông đảo người dân địa phương chấp thuận, ủng hộ.
Hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi
Để Nhân dân khu vực biên giới xóa bỏ tình trạng trồng và sử dụng cây thuốc phiện thì bên cạnh việc kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cần triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, nếp sống văn hóa chính là giải pháp căn cơ để cây thuốc phiện không còn đất sống.
Trước kia xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, tình Thanh Hóa) gắn với biệt danh "thủ phủ" của cây thuốc phiện ở cực Tây xứ Thanh thì hiện nay cuộc sống đang từng bước thay đổi với bà con đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái...
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền cho người dân |
Thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ năm 1993 và sau này là Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996, phong trào bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện được thực hiện một cách quyết liệt. Ngay sau khi đưa ra chủ trương dẹp bỏ cây thuốc phiện, Đảng, Nhà nước ta đã có hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất thông qua các Chương trình 134, 30A...
Người dân được cán bộ xã, cán bộ biên phòng quan tâm hỗ trợ con giống, cây nuôi, cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế. Bà con cũng được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, kéo điện, làm đường, trường, trạm...
Nếu như những năm trước, bà con dân bản chỉ biết trồng ngô, trồng sắn thì nay nhiều gia đình cũng đã biết chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 17 triệu đồng/người/năm... Những vùng trước đây vốn là nơi ngự trị của cây thuốc phiện, giờ đã được xã xây dựng thành vùng chuyên canh cây mận, cây đào. Từ đó, bà con "đoạn tuyệt" với cây thuốc phiện một cách bền vững.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bên cạnh một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời, không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật. Tại nhiều địa phương, người dân có khi trồng cây anh túc theo phong tục tập quán hoặc để sử dụng trong dân sinh như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Lực lượng chức năng phá nhổ nương thuốc phiện của người dân tại huyện Nậm Pồ (Điện Biên) |
Để thực hiện việc xóa bỏ cây chứa chất ma túy, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Do đó, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; Cần có những phương án để phát triển hạ tầng, đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào thay thế, tạo nên những mô hình kinh tế có tính bền vững, lâu dài và mang lại hiệu quả cao, nâng cao đời sống với mục đích xóa bỏ những nhu cầu thu lợi từ các loại cây có chứa chất ma túy của người dân.
Ngoài ra, lực lượng công an cơ sở (nhất là Công an cấp xã) phải thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú… để nắm chắc địa bàn, đối tượng; Không để tồn tại tình trạng người từ địa phương này qua địa phương khác trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; Không để người nước ngoài đến thuê đất để thâm canh, trồng cây ăn quả, nhưng thực chất lại lén lút trồng cây cần sa, cây thuốc phiện… Qua đó chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời và đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi phạm.