Ứng xử chốn đông người sao cho hài hòa trong mùa dịch
Lấy ý kiến dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật |
Hà Nội đang ở tiết đầu đông, được đánh giá là đẹp nhất trong năm. Tiết trời lành lạnh, có những lúc nắng vàng rực rỡ, trời xanh ngăn ngắt, rất thích hợp để dạo bộ ven hồ, ngắm cảnh, chụp ảnh hay đơn giản chỉ là ngồi quán cà phê ngắm nhìn nhịp sống chậm rãi trôi qua trước mắt. Sau nhiều ngày giãn cách, sau những tháng cuộc sống bị xáo trộn vì dịch bệnh kéo dài, sau cả những mất mát, đau thương, lo lắng, người ta có xu hướng muốn được vui chơi, xả stress, đó cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, giữ tâm thế bình ổn cũng chính là cách sống theo lối thích ứng linh hoạt, dần dần làm quen, sống chung với Covid-19 chứ không thể mang tâm lý sợ sệt, tránh xa như trước nữa. Bên cạnh đó, tăng các hoạt động tiêu dùng cũng là cách để mỗi người chúng ta giúp cho ngành dịch vụ vực dậy, tăng nguồn thu cho chính những người bán hàng bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian dịch bệnh hoành hành.
Ở chốn công cộng, mỗi người nên lựa chọn cách hành xử sao cho có văn hóa trong mùa dịch (Ảnh minh họa) |
Dù vậy, thích ứng, tạo điều kiện cho người khác không có nghĩa là buông tuồng, bất chấp. Số ca nhiễm mới tại Hà Nội vẫn tăng lên từng ngày. Chúng ta bình tĩnh bởi chúng ta đã tiêm vaccine cho phần đa dân số trong tuổi trưởng thành và đang tiến hành cho các em học sinh. Covid-19 vẫn là một “bóng ma” khó nói trước được tình hình.
Vào những ngày đẹp trời như thế này, nhất là dịp cuối tuần, nhiều người có xu hướng ra không gian ngoài trời cho bớt bí bách. Những nơi công cộng, các quán cà phê là nơi mọi người chọn để ngồi chuyện trò, thư giãn. Có gia đình mang theo con cái, nhiều đôi tình nhân trẻ kéo nhau đến đây.
Ai cũng có nhu cầu trao đổi công việc, thể hiện tình cảm, tận hưởng thời gian thư giãn cuối tuần. Vậy ở những nơi đông người với nhiều thành phần như thế thì ứng xử ra sao cho hài hòa? Chị Ngân Hằng kể có lần chị ngồi với các bạn trong một quán cà phê ở gần hồ Gươm. Ở nơi trung tâm thành phố, khung cảnh rất thơ mộng, lịch sự như thế, đông người như thế, có đôi trai gái lại tự nhiên như chốn không người.
Chàng trai liên tục “tấn công” cô gái bằng những cái hôn, sờ soạng khắp các nơi trên cơ thể khiến cô gái kia không “chống đỡ” nổi mà gần như nằm hẳn ra ghế. Họ vừa âu yếm thân mật vừa cười đùa ré lên những âm thanh chỉ nên có trong phòng kín, chốn riêng tư. Rất khó chịu, chị Ngân Hằng cố tình nhìn thẳng vào họ, cố tình nói to để át đi, cho họ cảm thấy xấu hổ nhưng “cuộc chiến” ấy vẫn kéo dài đến gần tiếng đồng hồ.
“Trai gái yêu đương thể hiện tình cảm là chuyện bình thường nhưng nên tế nhị, kín đáo, ở chỗ nào không ảnh hưởng đến người khác. Đâu cứ phải hôn hít, cấu chí, sờ soạng nhau mới là yêu nhau, mới bộc lộ hết tình cảm. Tình cảm chỉ cần hai người họ biết với nhau là đủ. Đôi khi chỉ là ánh mắt, cái nắm tay nhè nhẹ cũng chứa đựng cả một bầu trời yêu thương rồi. Yêu mà phải khiến cả thế giới biết thế kia, vừa thiếu văn hóa vừa phản cảm, vừa mang lại cảm giác bề nổi”, chị Ngân Hằng nhận xét.
Chị Lê Thúy thì kể rằng nỗi ám ảnh nhất của chị khi ngồi quán cà phê là phải hút thuốc lá thụ động. “Ở nơi nào phòng kín, cửa kính, có điều hòa người ta viết rõ “Cấm hút thuốc lá” còn đỡ. Thời tiết đẹp thế này mọi người hay hẹn nhau ở không gian rộng, thoáng, đặc biệt là ngoài trời, vừa tận hưởng màu trời, màu nắng, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khổ nỗi là những chỗ ấy kiểu gì cũng “dính” ông nào đó hút thuốc lá.
Hãy tiếp tục tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng trong mùa dịch (Ảnh minh họa) |
Chẳng cần biết người xung quanh có khó chịu không, có đồng ý hay không, các ông đàn ông cứ hút thuốc lá kìn kìn, nhả khói mù mịt. Mình không thể ra đuổi vì đó là không gian chung của quán người ta bán hàng nhưng cứ chịu đựng như thế thật sự rất ái ngại. Có buổi ngồi nói chuyện với bạn bè tầm 30 phút mà mình bị 3 ông “nhả khói”. Về đến nhà rồi vẫn còn mùi thuốc lá bám lên đầu, lên tóc, kinh khủng lắm”.
Ai cũng biết tác hại của khói thuốc lá. Trong khi đó, mùa dịch bệnh như thế này mọi người đều cần tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng. Vừa lo dịch bệnh lại còn vừa bị ám khói thuốc lá, đúng kiểu “bệnh chồng lên bệnh”, thành thử phút thư giãn hiếm hoi cuối tuần hay những buổi gặp gỡ bàn công việc bị biến thành không trọn vẹn.
Là mẹ của hai em bé, chị Hồng Hà bày tỏ sự hoảng hốt khi chứng kiến cả “combo” người lớn hút thuốc lá, thể hiện tình cảm thái quá và nói bậy “liên hồi kì trận” trước mặt các em nhỏ.
Chị Hà kể: “Hôm đó tôi đi gặp đối tác trao đổi công việc. Cuối tuần nên quán cà phê khá đông. Bàn bên trái thì hai em sinh viên hôn nhau như chốn không người. Bàn bên phải thì bốn anh thanh niên đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Ngoài cửa một nhóm cả nam lẫn nữ chắc là bạn bè thân thiết nói chuyện rất bỗ bã, người nào người nấy cứ nói một câu lại đệm một từ chửi thề cùng rất nhiều từ chỉ bộ phận nhạy cảm của con người, nghe nhức cả đầu.
Trong khi đó, góc trong cùng có hai bà mẹ trẻ dẫn theo bốn đứa con. Hai mẹ mải buôn chuyện. Hai đứa lớn cắm đầu vào điện thoại, hai đứa nhỏ hơn tự chơi vẩn vơ, hưởng đủ cả những thứ diễn ra xung quanh. Tôi thì chỉ bàn công việc một lúc rồi đi nhưng tôi thực sự cảm thấy buồn phiền. Sao những người lớn kia không có ý thức một chút.
Ví dụ, nhìn trong quán thấy có trẻ con, các chú thanh niên nhịn bớt thuốc đi, ra chỗ khác hút sau. Người lớn cũng đừng văng bậy nữa tránh để các cháu nghe thấy rồi có thể học theo. Hai em sinh viên kia cũng đừng “đóng phim” trước mặt trẻ con như vậy để các cháu tò mò.
Quan trọng nhất, mẹ các cháu thật quá vô tâm. Mùa dịch bệnh này dẫn con theo đến chỗ đông người đã là không nên, nếu thấy không khí xung quanh hỗn tạp như vậy thì nên dẫn con tránh đi, đằng này cứ mải chuyện với nhau, thật đáng trách”.
Rõ ràng, mỗi người đều có sự lựa chọn, chọn thế nào, chọn cái gì đều là do văn hóa của chính người đó. Như những trường hợp kể trên, tất cả những người này đều chỉ biết vì bản thân mình, chưa đặt mình vào bối cảnh, môi trường xung quanh để tiết chế các nhu cầu, làm sao cho hài hòa, không tạo nên những câu chuyện đáng buồn về lối ứng xử ích kỷ, vô tình, vô tâm.
Xác định sống chung với dịch rồi, muốn mọi thứ sớm trở lại bình thường như xưa thì bản thân mỗi người cũng nên thích ứng, điều chỉnh bản thân sao cho linh hoạt, phù hợp tình hình. Những câu chuyện kể trên chỉ là một vài trường hợp đáng trách. Mong rằng, mỗi người dân Hà Nội tiếp tục giữ gìn, phát huy những thành quả đạt được về văn hóa ứng xử trong suốt thời gian qua để làm sao cho hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
“Giai điệu kết nối” thực hiện số đặc biệt chào mừng thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc |
Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa công sở |
Văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” |