Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa công sở
Nêu gương - biện pháp hiệu quả xây dựng con người văn hóa |
Thay đổi thói quen
Vào các ngày trong tuần, sáng ra chị Yến (ở quận Hà Đông, Hà Nội) sẽ dậy sớm hơn thường ngày. Ngoài việc lo bữa sáng cho chồng, cho con, chị còn nấu sẵn bữa trưa để các con ở nhà học online có cái ăn. Nhân thể, chị cũng chia cơm ra hai hộp giữ nhiệt cho mình và chồng mang đi làm ăn.
Chị cho biết: “Ngày trước thì buổi trưa nghỉ ngơi thư giãn, đi ăn những món mình thích ở các quán quen. Giờ dịch bệnh thế này thậm chí gọi đồ ăn bên ngoài về cơ quan còn ngại nên cứ ăn cơm nhà nấu. Vất vả một chút nhưng yên tâm, an toàn hơn”.
Chị Thảo My (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng kể rằng may mắn mình được ăn cơm ở bếp tập thể của cơ quan nên không lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng dịch bệnh. Trước đây, cứ ăn cơm xong là chị và mấy đồng nghiệp thân thiết lại rủ nhau đi ra quán trà đá hoặc cà phê ngồi nói chuyện xuyên trưa cho tỉnh táo, đầu giờ chiều lại về tiếp tục làm việc.
Còn hiện tại, trời chớm rét, rất đẹp nhưng vì dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, có nhiều ca tại cộng đồng nên chẳng ai còn hứng thú ngồi trà đá “chém gió” nữa. “Chính như thế lại hay. Ăn xong ngồi tại văn phòng nghỉ ngơi, tranh thủ lướt web săn hàng giảm giá, đặt hàng online, đỡ đi lại chọn lựa tiếp xúc nhiều.
Hơn nữa, ngồi trà đá vừa tiếp tay lấn chiếm vỉa hè vừa ngồi hít khói thuốc lá thụ động. Chưa kể, chẳng may hôm đó có F0 nào ngồi ở đó, uống nước cùng thì lại bị lây nhiễm”, chị Thảo My chia sẻ.
Nhiều người đã từ bỏ thói quen trà đá vỉa hè buổi trưa để phòng, chống dịch (Ảnh minh họa) |
Nhiều người cũng thấy rằng, kể ra thời gian nghỉ trưa ngồi quán xá, chuyện trò với bạn bè, ngắm người qua lại cũng hay nhưng mùa dịch bệnh thế này càng hạn chế tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp càng tốt. Thay vào đó, chúng ta có thể tranh thủ chợp mắt, nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng hoặc xem lại công việc chưa hoàn thành vào buổi sáng.
Anh Lâm (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nói rằng ban đầu cũng cảm thấy hơi thiếu thiếu, buồn buồn vì thói quen ngồi quán cà phê buổi trưa đã có từ mười mấy năm nay. Giờ bỗng dưng bỏ đi chưa phải quen ngay được nhưng thấy đồng nghiệp chẳng ai đi, mình ra ngoài nhỡ nhiễm rồi lây cho mọi người thì ngại. Bên cạnh đó, vợ anh cũng giám sát chặt chẽ, liên tục nhắn tin gọi điện kiểm tra, thành ra cũng khó mà… trốn.
Anh Lâm chia sẻ: “Sợ vợ thì mình chẳng sợ nhưng mình nghĩ rằng mọi người nên có ý thức. Ở cơ quan cũng vậy, không ai cấm nhưng mình không thể bất chấp, cứ la cà khắp nơi thì cũng rất có thể sẽ bị lây nhiễm. Mình đã tiêm phòng rồi, còn con cái ở nhà chưa tiêm, không thể chủ quan được. Chẳng có việc gì thì thôi cứ ngồi nghỉ tại cơ quan. Chợp mắt được tí buổi trưa, buổi chiều mình thấy làm việc hiệu quả hơn hẳn”.
Trách nhiệm hơn
Chị Mai Thu công tác tại một cơ quan ở quận Hoàng Mai cho biết bản thân mình từ những ngày giãn cách xã hội vừa rồi cho đến nay cảm thấy ý thức, trách nhiệm với công việc lên cao hơn hẳn. Chị tâm sự trước kia cũng có lúc mình còn lần chần, nếu nhiều việc quá, tiếp nhiều công dân quá cũng sẽ thư thư lại để nghỉ ngơi một chút.
Từ ngày dịch bệnh bùng phát đến nay, để người dân phải ngồi chờ lâu, chờ đông tại trụ sở cơ quan là chị thấy sốt ruột, phải giải quyết công việc nhanh gọn, tận tình hơn nữa. “Nhanh không có nghĩa là ẩu mà mình phải tập trung cao độ, sao cho tránh sai sót nhưng đồng thời cũng phải tốn ít thời gian nhất.
Bởi lẽ, nếu cứ để người dân ngồi đông như thế, một là có thể lây từ người nọ sang người kia nếu có F0 trong đám đông, như vậy nguy hiểm cho Nhân dân. Hơn nữa, nếu để lây lan dịch bệnh tại cơ quan mình thì hậu quả còn lớn hơn nữa vì hàng ngày có biết bao người đến làm việc, tiếp xúc tại đây”, chị Thu tâm sự.
Công chức, viên chức nhà nước tập trung cao độ giải quyết công việc hiệu quả, nhanh gọn (Ảnh minh họa) |
Đồng thời, chị cũng cho biết, làm việc tăng công suất, tăng tính hiệu quả như thế mình không những thấy mệt mà còn vui. Bởi lẽ, nhìn được khối lượng công việc mình làm trong ngày thấy nhiều lên, mỗi ngày trôi qua đều an toàn, hiệu quả, chị thêm hăng say làm việc, yêu công việc hơn. “Chỉ cần có ý thức ta sẽ thấy mọi thứ đều nhẹ nhàng”, chị Thu chiêm nghiệm.
Anh Nam (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, mình cũng hình thành nên một thói quen mới sau một thời gian làm việc online tại nhà. Bởi không gian, thời gian không hạn chế nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều từ những yếu tố bên ngoài như trông con, làm việc nhà nên anh phải tập trung hết sức cao độ trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành công việc của mình.
Do đó, anh nhận ra rằng trước đây mình chưa biết sắp xếp thời gian, tâm trí để có thể làm được việc nhiều hơn. “Khi làm việc nhanh, hiệu quả, ta sẽ có thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi hoặc giải trí và quan tâm đến người xung quanh hơn”, anh Nam tổng kết.
Tránh tụ tập la cà không cần thiết, không để thời gian thừa, tránh làm lây lan dịch bệnh là một nếp làm việc, một tác phong, tâm thế mới của “dân” công sở mùa dịch. Dù Hà Nội đã được “phủ sóng” vắc xin Covid-19 cho người lớn, lứa tuổi học sinh cũng đang được tiêm phòng để nhanh chóng đưa nhịp làm việc, học tập bình thường trở lại nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Những ca bệnh vẫn xuất hiện trong cộng đồng nhắc nhở chúng ta chớ chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, những tác phong tốt tạo nên môi trường công sở văn minh, văn hóa trong cơ quan, công sở cũng được tăng lên.
Do đó, dù nay mai dịch bệnh có được dẹp yên, nhịp sống như trước kia trở lại thì những nét văn hóa này vẫn nên được duy trì, phát huy để vừa tăng tính hiệu quả trong công việc, tăng tình yêu và sự gắn bó với cơ quan và cũng là để hình ảnh công chức, viên chức nhà nước thật sự mẫu mực trong lòng Nhân dân.
Xây dựng nền văn học đô thị để Hà Nội xứng tầm nghìn năm phát triển |
Bảo tàng - nơi lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa |
Du lịch, kiến trúc và lịch sử làm nổi bật những nét đẹp văn hóa Thủ đô |