Vận dụng truyền thống văn hóa, xây dựng "vùng xanh" an toàn
Phường Quảng An (Tây Hồ): Kiểm đếm cư dân hằng ngày, siết chặt quản lý “vùng xanh” Quận Tây Hồ siết chặt bảo vệ “vùng xanh an toàn” |
Phát huy nét sinh hoạt văn hóa truyền thống
Giữa trưa hè, dù thời tiết vô cùng oi bức song lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt “vùng xanh” trên địa bàn phường Bưởi (quận Tây Hồ) vẫn túc trực thường xuyên, kiểm soát nghiêm người ra vào các chốt. Không khí làm việc nghiêm túc, người dân đều tuân thủ, phối hợp, nhờ đó, công tác kiểm soát tại các chốt vùng xanh trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chia sẻ về việc triển khai các chốt “vùng xanh” trên địa bàn, ông Phạm Xuân Đức, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi cho biết: Phường Bưởi được hình thành từ 6 làng cổ với gần 7.000 hộ dân. Dân số đông, đường làng, ngõ xóm nhỏ, vì vậy việc triển khai “một ngõ - một cửa” còn gặp khó khăn. Khu vực chợ Bưởi còn có sự đan xen, giáp ranh với phường Nghĩa Đô nên việc quản lý cần phải chặt chẽ hơn.
Phát huy tinh thần cộng đồng còn rất đậm nét trong các khu dân cư, ngay từ giai đoạn 1 thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận ủy về việc thiết lập “vùng xanh” an toàn, phường Bưởi đã triển khai nghiêm túc và đảm bảo mục tiêu hiệu quả thực chất.
Chốt kiểm soát "vùng xanh" trên địa bàn phường Bưởi (Ảnh: Đào Trang) |
“Trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” an toàn chúng tôi được người dân hết sức ủng hộ. Đặc biệt, ở phường Bưởi từ lâu đã hình thành hội “Trai làng” và “Gái làng” với nhiều hoạt động cộng đồng vẫn còn giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, Nhân dân sống với nhau tình cảm chan hòa, đoàn kết và tích cực hưởng ứng các công việc của địa phương.
Phát huy truyền thống văn hóa đó, chúng tôi đã cùng cán bộ cơ sở thông tin tới người dân, tranh thủ sự vào cuộc của người dân trong việc thực hiện các chủ trương của quận, phường về công tác phòng, chống dịch…”, ông Phạm Xuân Đức chia sẻ.
Cũng theo ông Phạm Xuân Đức, bước sang giai đoạn 2, theo tinh thần chỉ đạo mới của Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ, Đảng ủy phường đã khẩn trương tiến hành họp bàn lên các phương án tối ưu sát với tình hình thực tế, đồng thời với việc tiến hành rà soát lại 33/33 chốt đã được thiết lập trước đó.
Qua kiểm tra thực tế, do đặc thù phường có nhiều đường ngang, ngõ tắt nên đã quyết định điều chỉnh chốt cứng một số vị trí đảm bảo kiểm soát tốt tình hình, mỗi chốt chỉ có 1 lối ra - vào. Tính đến nay, toàn phường có 25 chốt mềm, mỗi chốt chia 8 ca trực, mỗi ca 2 người, tổng số 400 người/25 chốt.
Thực hiện siết chặt tại 3 phường điểm
Siết chặt quản lý “vùng xanh” trong thời điểm giãn cách xã hội là một trong những giải pháp quan trọng được TP Hà Nội yêu cầu các địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm hướng tới mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” và “vùng cam”, đảm bảo an toàn cho người dân, duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa bàn.
Thực hiện chủ trương trên, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành kế hoạch số 44-KH/QUTH ngày 13/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý "vùng xanh" an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, quận Tây Hồ đã xây dựng 8 đầu mục cần phải thực hiện nhằm phát huy vai trò của các “vùng xanh” an toàn như: Tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và thực hiện; Ban hành, niêm yết nội quy tại mỗi khu vực; Thiết lập các chốt kiểm soát; Kiện toàn bộ máy tổ chức, phương thức hoạt động ở các chốt; Tăng cường cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng; Tăng cường các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội và công kiểm tra, giám sát…
Trong đó, các chốt “vùng xanh” an toàn quy định điều kiện an toàn phòng, chống dịch sẽ được thực hiện ở mức cao nhất; Quy định rõ ràng đối tượng ra, vào khu vực; Đồng thời, quy định quyền và trách nhiệm của người dân trong việc ký cam kết chấp hành yêu cầu, thông báo của lực lượng thi hành công vụ…
Tại mỗi chốt kiểm soát, lực lượng chức năng sẽ thiết lập 1 lối ra - vào được rào chắn cơ động, phù hợp điều kiện thực tế để xe cấp cứu, cứu hỏa, bán hàng hóa lưu động có thể di chuyển và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Các đường phụ, lối nhỏ, ngách ra vào khu vực thuộc “vùng xanh” an toàn đều phải chốt cứng, không cho ra vào, kể cả người và phương tiện… theo phương châm “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”.
Quận Tây Hồ đã lựa chọn ba phường Yên Phụ, Bưởi, Thụy Khuê là phường điểm thực hiện siết chặt quản lý “vùng xanh”, từ đó rút kinh nghiệm triển khai đồng bộ tại 8 phường còn lại. Đến nay, ngoài 28 chốt “vùng xanh” trên địa bàn, Sở Chỉ huy phường Yên Phụ đã phân công rõ trách nhiệm cho các tổ trưởng dân phố rà soát điểm chốt, hoàn thiện nội quy và cách thức quản lý các “vùng xanh” an toàn.
Chợ lưu động tại các "vùng xanh" của quận Tây Hồ đảm bảo nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch |
Tại phường Thụy Khuê, sau khi rà soát thực tế tại địa bàn, phường đã thành lập 58 chốt trong đó có 53 chốt tổ dân phố, 5 chốt trong khu dân cư; Thành lập và huy động lực lượng tại chỗ tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt. Sở Chỉ huy phường đã chỉ đạo rà soát số lượng người lao động ngoại tỉnh ở lại địa bàn, số lượng doanh nghiệp, cửa hàng ngừng hoạt động theo Chỉ thị 16 của Chính phủ; Đồng thời phối hợp cung cấp số liệu để các chốt quản lý theo “vùng xanh” an toàn.
Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, việc triển khai “vùng xanh” an toàn trên địa bàn quận Tây Hồ là nét mới, sáng tạo gắn với văn hóa người Hà Nội, gắn liền với phong trào xây dựng các tổ dân phố an toàn, khu dân cư an toàn chung tay đẩy lùi Covid-19. Đây chính là khởi nguồn của Kế hoạch số 44-KH/QUTH ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Quận ủy: Siết chặt quản lý các “vùng xanh” an toàn đảm bảo thực chất, hiệu quả, xác định xây dựng các tổ dân phố xanh an toàn trong tổ dân phố có nhiều “vùng xanh” an toàn.
Tính đến thời điểm này, toàn quận có 106 tổ dân phố xanh an toàn, 35 chung cư an toàn, lập 274 chốt với thời gian thực hiện từ 6 giờ - 22 giờ hằng ngày. Sở Chỉ huy quận đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương Hà Nội triển khai 7 điểm cung cấp thực phẩm an toàn tại địa bàn dân cư (Nhật Tân, Bưởi, Xuân La, Yên Phụ, Phú Thượng, Thụy Khuê, Tứ Liên); Tiếp tục đề xuất 12 điểm bán hàng bằng xe lưu động để đáp ứng nhu cầu của người dân trong các “vùng xanh”.