Vì sao Công ty TAPETCO bị tố “chây ì” thi hành án?
Bài 10: Trung ương chỉ đạo xem xét, giải quyết và báo cáo Xử lý trách nhiệm các trường hợp "chây ì" thi hành án |
Vì sao TAPETCO chậm thi hành án?
Ngày 12/12/2023, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Hòa đã ký Quyết định thi hành án số 1046/QĐ-CTHADS cho thi hành án đối với Công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất (gọi tắt là Công ty TAPETCO); địa chỉ: Tòa nhà Blue Sky 1, số 1 Bạch Đằng, Phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Công ty TAPETCO được yêu cầu trả ngay lập tức cho Công ty Wec Engineers & Constructors Pte., Ltd (gọi tắt là Công ty Wec) số tiền 191.000 USD, tương ứng với 50% khoản chi phí của vụ việc như được ấn định bởi Tòa Trọng tài ICC.
Bên cạnh đó, Công ty TAPETCO còn phải thanh toán cho Công ty Wec số tiền 4.771.558,50 USD, không bao gồm bất kỳ yêu cầu cấn trừ, giảm trừ hay phản tố. Tiến độ thanh toán được thực hiện như sau: Đợt thanh toán thứ 2 số tiền 929.771 USD chưa bao gồm 10% VAT (hoặc 1.022.748,1 USD bao gồm 10% VAT) sẽ thanh toán trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận. Đợt thanh toán cuối cùng số tiền 3.841.787,5 USD còn lại sẽ được thanh toán trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận.
Bất kỳ sự chậm trễ nào đối với nghĩa vụ thanh toán nói trên sẽ phải chịu mức lãi chậm trả 10%/năm tính trên số tiền chậm thanh toán.
Theo quyết định thi hành án nêu trên, người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này. Tuy nhiên, đến nay đã 6 tháng, Công ty TAPETCO vẫn chưa thi hành quyết định thi hành án.
Công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất (TAPETCO) đang bị tố “chây ì” thi hành án |
Liên quan việc thi hành án trên, ngày 18/3/2024, Công ty TAPETCO đã có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh và chấp hành viên xem xét buộc bên được thi hành án thực hiện nghĩa vụ cung cấp hồ sơ tương ứng theo Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng đối với từng khoản tiền sẽ được nhận và hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định pháp luật.
Ngày 15/4/2024, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã có văn bản phản hồi Công ty TAPETCO.
Nội dung cho biết, Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 1046/QĐ-CTHADS ngày 12/12/2023 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh không có khoản người được thi hành án phải cung cấp các hồ sơ theo như đề nghị của đại diện Công ty TAPETCO. Vì vậy, Chấp hành viên Cục TAHDS thành phố không có căn cứ để thực hiện.
TAPETCO thua kiện
Trước đó, Công ty WEC khởi kiện Công ty TAPETCO ra Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC để giải quyết tranh chấp về số tiền nêu trên.
Ngày 1/10/2019, Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC ban hành Phán quyết số 22845/PTA về giải quyết vụ việc tranh chấp.
Ngày 26/5/2021, TAND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC trên.
Sau đó, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 24/2022/QĐ-PT ngày 13/5/2022 chấp nhận kháng cáo của Công ty TAPETCO, không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết số 22845/PTA ngày 1/10/2019 của Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC giải quyết vụ việc tranh chấp giữa Công ty WEC với Công ty TAPETCO.
Ngày 11/5/2023, TAND TP Hồ Chí Minh có công văn kiến nghị TAND tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định phúc thẩm nêu trên.
Ngày 9/6/2023, Chánh án TAND tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định phúc thẩm nêu trên.
Ngày 22/9/2023, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 03/2023/KDTM-GĐT, theo đó chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND tối cao; hủy quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; giữ nguyên quyết định giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài của TAND TP Hồ Chí Minh.
Căn cứ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định cho thi hành án đối với TAPETCO như đã nêu trên.
TAPETCO nói gì?
Liên quan vụ việc trên, ngày 14/6/2024, trao đổi với phóng viên, bà Đoàn Thị Mai Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty TAPETCO cho biết, lý do TAPETCO chưa thực hiện thanh toán là vì Công ty WEC chưa cung cấp đủ các hồ sơ liên quan khối lượng và chất lượng của hạng mục yêu cầu được thanh toán.
Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công công trình là Công ty SGS Việt Nam TNHH cũng chưa ký duyệt hồ sơ đầy đủ để lập hồ sơ thanh toán gửi ngân hàng thanh toán trực tiếp cho nhà thầu.
Bà Hương thông tin thêm, công ty đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với Công ty WEC nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết. Ngoài ra, công ty cũng đã gửi các báo cáo về tình hình tới Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các cơ quan chức năng về vụ việc.
Nói về hướng giải quyết sắp tới nếu bị cưỡng chế thi hành án, Chủ tịch HĐQT Công ty TAPETCO cho hay, công ty mong muốn tiếp tục ngồi lại với Công ty WEC để xử lý, tháo gỡ từng phần hồ sơ vướng mắc để thanh toán cho xong, dự kiến hết năm nay sẽ giải quyết dứt điểm.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Đường, Công ty Luật Bản Việt: Luật Thi hành án dân sự năm 2008, (được sửa đổi bổ sung 2014, 2018, 2020, 2022), tại Điều 2 quy định, mọi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh. Việc thi hành án là bắt buộc đối với bên phải thi hành án. Trường hợp Công ty TAPETCO vẫn đưa ra lý do để tiếp tục chây ì, kéo dài thời gian thi hành án của mình, Công ty WEC có thể gửi văn bản đến Cơ quan Thi hành án nêu rõ sự việc, đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án theo quyết định. Nếu Công ty TAPETCO vẫn cố tình không thực hiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Kê biên, xử lý tài sản của bên phải thi hành án; khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của bên phải thi hành án; phong tỏa tài sản, tài khoản của bên phải thi hành án; cưỡng chế buộc giao tài sản, chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản. Việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan mà còn đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật. |