Việt Nam phát huy vị thế trên các diễn đàn quốc tế về quyền con người
Hội thảo khởi động dự án “Kinh doanh và quyền con người trong quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam” |
Nghiêm túc, chủ động thực hiện các cơ chế đa phương, song phương về quyền con người
Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương liên quan đến quyền con người như: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Địa vị phụ nữ (thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc), Tổ chức Lao động quốc tế… Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng thể hiện vai trò tích cực trong Cơ quan nhân quyền quốc gia ASEAN (AICHR) khi chủ trì tổ chức một hội thảo của AICHR tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai hội thảo không chính thức về quyền con người, với chủ đề "Doanh nghiệp và quyền con người”.
Song song với việc tích cực thực thi trách nhiệm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả rõ ràng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, cũng như việc thực thi quyền con người trên thực tế.
Trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008-2009, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột. Năm 2014, Việt Nam đã lần đầu tiên triển khai Hiến pháp 2013 với một chương riêng về quyền con người.
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2019 là Việt Nam hoàn thành rà soát UPR chu kỳ III với những kết quả hết sức tích cực. Chúng ta đã nhận được không ít đánh giá tích cực từ các nước và các tổ chức quốc tế đối với những nỗ lực về bảo đảm quyền con người, cũng như sự nghiêm túc trong thực thi các cam kết về quyền con người, trong đó có cam kết theo cơ chế UPR.
Thành tựu về bảo đảm quyền con người, tiền đề cho vị thế tại các diễn đàn
Kết quả nổi bật trong việc thực thi quyền con người của Việt Nam trên thực tế cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những kết quả này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra, tại các diễn đàn Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Việt Nam không chỉ khẳng định được chính sách và thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mà còn đóng góp thực chất vào nỗ lực chung thúc đẩy các giá trị về quyền con người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng như về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, di cư…
Việt Nam cũng tiếp tục thể hiện vai trò chủ động, tích cực và đóng góp thực chất vào cuộc đấu tranh chung của đa số các nước trên thế giới để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản trong tiếp cận về quyền con người, đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không chính trị hóa vấn đề quyền con người. Từ kinh nghiệm của chính mình, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ rằng đối thoại và hợp tác mới là cách thức hiệu quả khi xem xét các vấn đề về quyền con người.
Năm 2019, tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền của người khuyết tật với 49 nước đồng bảo trợ; là nước đại diện tiếng nói của ASEAN trong các sự kiện của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền phụ nữ. Đây cũng là một sáng kiến liên quan của Việt Nam. Với những hoạt động này, Việt Nam đang được xem là thành viên nòng cốt tại Hội đồng nhân quyền trong thúc đẩy nội dung về biến đổi khí hậu và quyền con người.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng là thành viên tích cực chủ trì nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN về quyền con người, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, trong đó đã chủ trì, đăng cai nhiều sự kiện quan trọng về bình đẳng giới và công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển trẻ em ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng trong năm 2019, Việt Nam đã tiến hành Đối thoại nhân quyền với Liên minh Châu Âu, Mỹ và Australia, trong đó tại Đối thoại với Australia (8/2019), lần đầu tiên, hai nước đã ra thông cáo báo chí chung.
Năm 2020, với vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tận dụng phát huy hơn nữa vị thế quốc gia trên trường quốc tế, nắm lấy những cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tạo điều kiện để bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người dân.