Vụ hàng nghìn ngôi mộ "vùi trộm" ở Thái Bình: Chúng ta đang làm gì với xương cốt 2 triệu đồng bào chết thảm vì đói?
![]() |
(TTTĐ) - Một người trực tiếp quản lý việc di dời hài cốt tâm sự, họ báo với cơ quan hữu trách, nhưng hàng tuần sau “các cụ” vẫn nằm phơi nắng mưa, đau lòng quá nên họ mới phải thuê đi chôn ở Thái Bình với giá cắt cổ. Rồi “vỡ ổ con chuồn chuồn”, công an vào cuộc, bao nhiêu thị phi tranh cãi, rồi “các cụ” lại vòng về Hà Nội…
>> Sự thật buốt lòng sau vụ hàng nghìn ngôi mộ từ Hà Nội đem “vùi trộm” ở Thái Bình (Kỳ 1)
>> Vụ hàng nghìn ngôi mộ từ Hà Nội đem “vùi trộm” ở Thái Bình: Tiết lộ của người đào mộ (Kỳ 2)
>> Vụ hàng nghìn ngôi mộ từ Hà Nội đem “vùi trộm” ở Thái Bình: Thu hoạch hài cốt như dỡ khoai lang (Kỳ 3)
>> Vụ hàng nghìn ngôi mộ từ Hà Nội đem “vùi trộm” ở Thái Bình: Tiếng nói của nhà ngoại cảm (Kỳ 4)
>> Vụ hàng nghìn ngôi mộ từ Hà Nội đem “vùi trộm” ở Thái Bình: Ly kỳ chuyện tìm người thân giữa hàng nghìn hài cốt (Kỳ 5)
>> Vụ hàng nghìn ngôi mộ từ Hà Nội đem “vùi trộm” ở Thái Bình: Số phận những hài cốt bất hạnh đi về đâu? (Kỳ 6)
![]() |
Chúng ta đang làm gì với xương cốt của 2 triệu đồng bào đã chết thảm vì đói?
Hàng triệu bộ hài cốt đang “lưu lạc” nơi nào?
Nơi vừa đào bới được rất nhiều hài cốt trên đường Minh Khai (Hà Nội) rồi đem vùi trộm ở Thái Bình, vốn thuộc khu nghĩa trang Hợp Thiện cũ. Nơi đây, vào khoảng năm 1945, người ta chôn rấp, vùi tạm, bó chiếu, quẳng bỏ vô số các thi thể người chết đói.
Năm 1945, nước Việt Nam mới chỉ có chừng 20 triệu dân, dưới ách áp bức một cổ hai tròng của thực dân Pháp và phát xít Nhật “bắt nhổ lúa trồng đay”, lại thêm nạn vỡ đê mất mùa, đồng bào ta lâm vào cơn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử của mình.
Kết quả 2 triệu người chết đói, chiếm tới 1/10 dân số nước nhà. Nhưng khủng khiếp hơn còn ở chỗ: Nạn đói chỉ hoành hành ở miền Bắc, cho nên khi ta nói 1/10 dân số Việt Nam bị chết đói chưa phản ánh hết mật độ người chết ở Hà Nội và Bắc kỳ nói chung.
Bởi, từ Quảng Trị đổ vào Nam không ai chết đói cả, số người chết tập trung ở Bắc Bộ, chết 2 triệu người trong tổng số ước tính khoảng 10 triệu người (Bắc Bộ), tức là 1/5 dân số. Những tỉnh như Thái Bình, nhiều làng chết không còn ai, nhiều dòng họ không còn mầm mống. Thái Bình chết tới 1/4 dân số!
Thây người chất như núi, những kẻ tử tế dật dờ đói khát kéo xe chở xác đồng bào đi chôn có khi còn phát hiện ra trong nghĩa địa có tử thi ngóc đầu dậy thều thào:“Tôi chưa chết đâu, tôi vẫn còn sống”. NSNA Võ An Ninh đã chụp những bức ảnh vô cùng sinh động thời bấy giờ.
![]() |
Vụ chết đói năm 1945 qua ống kính NSNA Võ An Ninh |
Những người đói rạc, họ lịm đi, đôi mắt sâu hoắm với cái nhìn u tối, người họ gầy rộc, chỉ còn da bọc xương cứ nhìn đau đáu vào ống kính. Những xe bò trệu trạo, người đẩy xe thều thào đội nón mê, áo quần rách tả tơi, chở cả đống thi thể người đem vùi vào khu đất hoang tàn.
Cảnh người dân vồ chuột vồ gián bỏ vào mồm nhai rau ráu. Cảnh người chết nằm la liệt, chồng lên nhau mà không có ai đem chôn. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng gọi bộ ảnh này là “tài sản vô giá của loài người”.
GS Vũ Khiêu, khi đó còn là một người trẻ ngoài 20 tuổi, đã viết “Văn tế người chết đói” với những trường đoạn ám ảnh: “Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất”.
Vấn đề đặt ra là: 2 triệu thi thể thì sẽ có 2 triệu bộ xương sau khi bị vùi lấp hoặc chôn tạm đâu đó. Theo các nhà sử học trong và ngoài nước, nơi tập trung nhiều hài cốt người chết đói nhất được xác định là ở khu vực quận Hai Bà Trưng bây giờ. Bởi phía Minh Khai, Lạc Trung, Kim Ngưu... ngày ấy rất hoang tàn, vắng vẻ.
Ở đó lại có vài cái nghĩa địa sẵn nên để giải quyết nhanh gọn, cứ có người chết đói nằm ở góc phố nào là họ khênh, chở xe bò ra... vứt ở nghĩa địa cum tùm cỏ dại. Đó cũng là lý do mà ở khu vực Minh Khai - Kim Ngưu bây giờ là nơi duy nhất ở Việt Nam có khu tưởng niệm những nạn nhân chết đói năm Ất Dậu 1945.
Cần ứng xử tử tế hơn với các nạn nhân trong nạn đói năm 1945
Suốt bao năm, người ta “tưởng nhớ” 2 triệu người chết đói trong một nơi bé toen hoẻn, rậm rạp, trong khu ngõ phố loằn ngoằn, hun hút, đi xe máy còn khó lách được. Nhiều nhà sử học, nhiều trí thức đã kiến nghị nên tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của một giai đoạn lịch sử bi thương ấy xứng tầm hơn.
Một nơi eo xèo, toen hoẻn như vậy, quá ỏn sót để là nơi “về nguồn lịch sử” cho một sự kiện khổng lồ như thế. Chúng ta cần một nơi tưởng niệm đủ tầm nhân văn hơn dành cho 2 triệu đồng bào đã chết trong quằn quại, rùng rợn kia. Sự kiện này chấn động cả thế giới cơ mà.
Tại ngách 86, ngõ 559, đường Kim Ngưu (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chúng ta đã dựng một tấm bia để tưởng nhớ sự kiện đau lòng chưa từng thấy này. Nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn nói:“Không lẽ chúng ta chấp nhận cơn sốt đất đai, công cuộc đô thị hóa Hà Nội và sự thờ ơ của chính chúng ta hủy hoại chứng tích cuối cùng của một sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.
![]() |
Khu tưởng niệm nhỏ bé, đơn sơ, chưa xứng tầm với một sự kiện khổng lồ làm 2 triệu người chết đói. |
Chúng ta hãy dành một nơi xứng đáng hơn tưởng nhớ đồng bào chết đói năm Ất Dậu, để không ai bị lãng quên (…). Đó cũng là cách chúng ta đối xử công bằng với một quá khứ đau thương và những thế hệ sau không trách chúng ta là vô ơn, bạc nghĩa”.
Khu tưởng niệm ở đường Minh Khai hiện nay đúng “trọng tâm” của các hố chôn người khổng lồ, ở đó có những núi đầu lâu và xương cốt theo đúng nghĩa đen. Ông Tuyến, người trông nom khu tưởng niệm bé xíu kia, cho biết: Gần đây, người ta có xây sửa khang trang hơn một tí. Nhưng bao năm, nó hoang tàn rậm rạp, ông là người sống trong khu vực lâu năm nên tình nguyện đứng ra coi sóc.
Tại đây, người ta khắc bia đá bài văn tế những người chết đói của GS Vũ Khiêu, trưng bày các bức ảnh vô giá của cụ Võ An Ninh. Và khu mộ tập thể thì mang tính tượng trưng là chính. Dù dưới đó rất rất nhiều đầu lâu xương cốt, nhưng nó chỉ là tí ti so với 2 triệu người đã nằm xuống.
Ông Tuyến bảo, ông cho người ta xây theo kiểu thông âm dương, tức là từ núi xương dưới lòng đất, vẫn thông lên với mặt đất (chứ không xây lấp), thông với khí trời.
Còn vô thiên lủng hài cốt nằm dưới các công trình đã xây dựng, mặt đất trên “nấm mồ khổng lồ” đã được bê tông hóa, trở thành nhà dân hoặc trụ sở các đơn vị. Nhiều năm qua, bao nhiêu lần người dân đào móng nhà, các ông thợ và chủ đầu tư xây các công trình kiên cố đã thấy cả núi xương dưới lòng đất? Và họ đem hài cốt đó đi đâu?
Đi vào chỗ nào đó “yên vị” nhanh chóng để công trình tiếp tục đúng tiến độ, vào chỗ nào đó xong chuyện để đỡ tốn kém cho “khổ chủ”. Họ khênh đi vùi, vứt đâu đó, có khi thấy rồi thì để mặc đó và xây dựng tiếp cho nhanh. Bới ra lại phức tạp và tốn kém.
Vụ việc hơn 300 bộ hài cốt bị đào lên ở khu Minh Khai để xây dựng khu vực chung cư, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp kia chỉ là một ví dụ tiêu biểu. Chủ đầu tư, đơn vị thi công đã tá hỏa phát hiện ra vô thiên lủng xương cốt và tiểu quách.
Nếu chúng ta có một cơ chế nhanh gọn, dễ dàng, hợp tình hợp lý hơn, thì chắc chắn không có ai dại gì bỏ tiền ra thuê đơn vị bên ngoài “tẩu tán” hài cốt đi chôn trộm ở tận cái xã xa tít thuộc tỉnh Thái Bình cách Hà Nội gần 200km.
Tại sao họ phải làm như vậy, trong khi theo quy định thì các hài cốt dạng này sẽ được đơn vị Ban Tang lễ của Thủ đô đem đi “mai táng”? Có phải chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng, chưa có kinh phí và tiến độ giải quyết các “núi xương” kia một cách thỏa đáng, để đến nỗi người ta phải đem “lịch sử, quá khứ đau thương” của đồng bào đi vùi trộm rồi bị bắt, rồi đào lên đem đi nơi khác...?
![]() |
Đào móng để xây bể quy lập hài cốt |
Một người trực tiếp quản lý việc khai quật, di dời hàng trăm hài cốt này tâm sự, họ báo với phường, với cơ quan hữu trách, nhưng hàng tuần sau “các cụ” vẫn nằm phơi nắng mưa, đau lòng quá nên họ mới phải thuê đi chôn ở Thái Bình với giá cắt cổ. Và rồi “vỡ ổ con chuồn chuồn”, “các cụ” lưu lạc mãi, công an vào cuộc, bao nhiêu thị phi tranh cãi, rồi lại vòng về Hà Nội.
Đã đến lúc, chúng ta cần sòng phẳng, cái gì của lịch sử thì trả nó về cho lịch sử. Xương cốt của các nạn nhân trong vụ chết đói năm 1945 Ất Dậu cần được hưởng một quy chế đặc biệt, cần quy tập về một khu rộng lớn, khu ấy sẽ trở thành một địa chỉ tâm linh, văn hóa, lịch sử.
Bất cứ ai “đào” thấy xương cốt, tiểu quách của họ, cần báo ngay cho cơ quan quản lý và việc thu gom sẽ được tiến hành ngay lập tức. Ai chậm trễ hay chầy bửa, làm càn sẽ bị xử lý nghiêm minh. Những địa điểm mà cả Hà Nội đều biết là tập trung xương cốt, là không “lịch sự” với vong linh những người đã khuất thì nên có các cuộc khai quật tập thể, đem họ đi an táng ở một nơi mát mẻ bình yên hơn.
Trước khi làm các công trình lớn, cần có thám sát, thăm dò và có kế hoạch xử lý vấn đề xương cốt dưới lòng đất, trên tinh thần “có hàng triệu nạn nhân chết đói đang cần được ứng xử nhân văn hơn”. Dành kinh phí sửa sang, tu tạo, di dời các hộ dân sống trên xương cốt ở gần khu tưởng niệm để cả nước chung tay có một nơi “về nguồn lịch sử” xứng tầm hơn.
Hãy chung tay hành động, để sau hơn 71 năm “các cụ” vĩnh viễn nằm xuống trong một sự kiện chấn động loài người, muộn còn hơn không! Nếu chúng ta đối xử như bây giờ, nếu chúng ta còn bất cập, sẽ là có tội với lịch sử và mai hậu. Sẽ là nỗi xấu hổ cho chính chúng ta.
Hết
Hoài Sơn
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Anh hùng thời chiến, sẻ chia, tận tâm giữa thời bình

Ký ức về chuyến tàu đặc biệt và hành trình vượt sóng

Làng chài miền Tây giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bài 5: Điểm tựa tâm linh trên đảo tiền tiêu

Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương
