Vươn lên bằng ánh sáng của trái tim và khối óc
"Sống là không giới hạn" cùng câu chuyện người khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc đời |
Đưa công nghệ 4.0 đến gần hơn với người khiếm thị
Anh Nguyễn Trung Thái là tấm gương “người tốt việc tốt” tiêu biểu trong công tác giảng dạy, hỗ trợ công nghệ thông tin cho người khiếm thị Thủ đô. Cách đây 23 năm, căn bệnh bong võng mạc đã lấy đi nguồn ánh sáng của đôi mắt anh. Anh Thái sống trong nỗi mặc cảm, tự ti, không muốn tiếp xúc với ai. Rồi cánh cửa mới mở ra với chàng trai khuyết tật khi tham gia vào Hội Người mù thành phố Hà Nội. Ở đây, anh đã tìm thấy sự tự tin và có nhiều động lực để phấn đấu.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như những giá trị mà nó mang lại đã, đang làm tích cực cuộc sống con người. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng trở nên phổ biến, phát triển sâu rộng. Để không bị bỏ lại phía sau, người khiếm thị càng phải nỗ lực để nắm bắt công cụ hữu hiệu này. Nhìn nhận như vậy, năm 2006, anh Thái bắt đầu làm quen với máy tính. Được sự dìu dắt của các thầy, anh thành thạo những nút phím, chuột máy tính, gắn bó với công nghệ thông tin và chính thức trở thành giáo viên giảng dạy tin học, sử dụng điện thoại thông minh miễn phí cho người khiếm thị.
Chị Đỗ Thuý Hà, anh Nguyễn Trung Thái và vận động viên Nguyễn Thị Hồng (theo thứ tự từ trái sang phải) chia sẻ về những việc làm của họ |
Anh Thái cho biết: “Với đặc thù của dạng tật khiếm thị, việc ứng dụng công nghệ thông tin là một ưu tiên hàng đầu trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, người mù học và sử dụng công nghệ rất khó khăn. Tôi áp dụng kinh nghiệm, kiến thức của mình sẵn có, truyền đạt và giúp đỡ những người đồng tật. Chặng đường của tôi đi đầy những khó khăn và cũng đầy niềm vui, trải nghiệm. Cứ mỗi một lớp hoàn thành, mỗi một học viên khiếm thị biết được công nghệ, sử dụng được máy tính và điện thoại thông minh là niềm vui của tôi lại nhân lên”.
Anh Nguyễn Trung Thái rất tâm đắc câu nói “Giá trị của con người không phải ở đôi mắt mà ở trái tim và khối óc. Chúng ta hãy vươn lên bằng trái tim và khối óc sẽ thành công”. “Với tôi những lớp học được mở ra không chỉ là cơ hội để hội viên tiếp cận với công nghệ hỗ trợ cho cuộc sống mà còn là một cơ hội làm thay đổi nhận thức của xã hội đối với người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Đây cũng là lời khẳng định “Chúng tôi – những người khiếm thị, có thể làm được nhiều điều hơn những gì mọi người biết”, anh Nguyễn Trung Thái bày tỏ.
Những “bông hoa” tài năng, giàu lòng nhân ái
Cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Hồng là vận động viên cờ vua xuất sắc. Hồng kém may mắn bởi hai mắt của cô đều bị giảm thị lực do thoái hóa võng mạc sắc tố. Năm 2015, Nguyễn Thị Hồng được thử sức thi đấu cờ vua. Khổ luyện để trở thành một kỳ thủ có hạng, từ khi tham gia đội tuyển cờ vua người khuyết tật thành phố, Hồng càng say mê, miệt mài tập luyện.
Thường xuyên được thi đấu ở các đại hội thể thao thường niên của người khuyết tật, giải đấu nào cô gái nhỏ cũng đoạt từ 2 - 4 huy chương. Đặc biệt năm 2022 lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia ở bộ môn cờ cua thi đấu ở ASEAN Para Games lần thứ 11 vừa tổ chức tại Indonesia, Hồng đã đoạt hai huy chương vàng, một huy chương bạc cá nhân, ba huy chương vàng đồng đội. Nguyễn Thị Hồng là vận động viên đạt thành tích cao nhất ở bộ môn cờ vua của đội tuyển thể thao người khuyết tật Hà Nội.
Khen thưởng gương "người tốt việc tốt" |
Cô gái khiếm thị bày tỏ: “Mình trân trọng dành tặng những tấm huy chương quý báu cho mái trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Ban lãnh đạo đội tuyển thể thao người khuyết tật Hà Nội và bố mẹ, cùng người thân đã chắp cánh cho mình bay tới một tương lai rạng ngời”.
Nữ vận động viên dự định, trong tương lai gần vẫn theo đuổi môn cờ vua, tiếp tục rèn luyện và thi đấu. Điều cô đang ấp ủ là ước mơ mở lớp, trở thành cô giáo dạy cờ vua. Nguyễn Thị Hồng gửi gắm thông điệp: “Chúng ta hãy làm những gì bản thân yêu thích và hãy yêu những điều mà chúng ta đã làm”.
Chị Đỗ Thúy Hà là tấm gương “người tốt việc tốt” trong việc vận động hỗ trợ các cháu khiếm thị trong học tập và đưa khiêu vũ thể thao đến với người khiếm thị. Sau những năm du học tại Nhật Bản trở về nước, chị có một số mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức ở Nhật. Chị Hà cũng từng là học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu nên thấu hiểu hoàn cảnh của học sinh ở đây và những người đồng tật. Sự thấu hiểu đó là động lực thúc đẩy chị làm những điều thiết thực, ý nghĩa cho các em nhỏ học tập ở đây. Chị đã đặt vấn đề xin học bổng với các cá nhân, tổ chức ở Nhật Bản và đã trao cho nhiều em nhỏ khiếm thị cơ hội để học tập tốt hơn.
Chị Hà còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao khiếm thị Thủ đô. Xác định sức khoẻ là yếu tố quan trọng nhất của mỗi người, chị nghĩ ra môn thể thao cho người khiếm thị dễ tiếp cận là liên quan đến âm nhạc. Khiêu vũ thể thao sẽ kết hợp với âm nhạc sẽ hấp dẫn người khiếm thị và mong muốn của chị đã trở thành hiện thực. Chị bày tỏ: “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thì sẽ thắp lên được ngọn lửa đam mê. Khi đặt tình yêu thương vào việc làm của mình thì sẽ thuận lợi. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó”.
Ngày 15/9, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào “Người tốt, việc tốt” (1992 – 2022); Biểu dương gương “Người tốt việc tốt” và khen thưởng cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt việc tốt” năm 2022. Trong khuôn khổ chương trình, những tấm gương người khiếm thị tiêu biểu trên các lĩnh vực học tập, công tác Hội và thể thao đã chia sẻ về quá trình nỗ lực, gặt hái quả ngọt của họ. Ban Tổ chức trao khen thưởng tới các tập thể, cá nhân người khiếm thị xuất sắc, tiêu biểu, gương“người tốt việc tốt”; Khen thưởng các vận động viên khiếm thị xuất sắc trong kì ASEAN Para Games 11 vừa qua... |