Xây dựng chương trình đối tác số toàn diện Việt Nam - Lào
Chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào thông tin về các chương trình chiến lược liên quan đến chuyển đổi số mà Việt Nam đã ban hành như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số; Chiến lược Chính phủ số; Chiến lược Bưu chính. Việt Nam cũng sắp ban hành Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược dữ liệu.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT cấp 2 học bổng có giá trị cao cho các bạn Lào sang đào tạo tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Đây là chương trình học bổng dành cho các nước ASEAN với nguồn quỹ đóng góp từ các doanh nghiệp trong ngành. Nếu chương trình triển khai tốt thì Bộ TT&TT sẽ thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các chương trình tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp Bộ trưởngBộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ với Bộ trưởng Lào về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và Trợ lý ảo của Bộ TT&TT hỗ trợ công việc cho cán bộ công nhân viên.
Theo đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có nhiệm vụ giám sát, cảnh báo sớm và xử lý tấn công mạng tại Việt Nam; Giám sát tổng thể, phân tích “Nội dung thông tin” trên không gian mạng như các mạng xã hội; Đầu mối tập trung điều phối các ISP Việt Nam trong công tác xử lý ATTT; Đánh giá và xác định các tổ chức, cá nhân có nguy cơ làm mất ATTT trước khi nó hiện hữu.
Trong khi đó, với Trợ lý ảo của Bộ TT&TT, các cán bộ công chức của Bộ sẽ có thêm công cụ hỗ trợ tốt hơn trong quá trình làm việc. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT có thể phát triển hai hệ thống này hỗ trợ Lào. Với mối quan hệ anh em giữa Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn xây dựng chương trình đối tác số, tạo ra sự hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghệ số giữa hai bên.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara bày tỏ vui mừng khi có dịp gặp gỡ và làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cũng gửi lời cảm ơn chân thành về sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ TT&TT Việt Nam đối với Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào trong thời gian qua, đồng thời tin tưởng với sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng khăng khít, phát triển hơn.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Lào.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bưu điện Việt Nam và Bưu chính Lào |
Theo đó, Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bưu điện Việt Nam và Bưu chính Lào nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực bưu chính.
Hai bên thống nhất phạm vi hợp tác trong 5 lĩnh vực, cụ thể: Phát triển kinh doanh song phương trong dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh (EMS), gói nhỏ TMĐT (E-packet) và dịch vụ Logistics; Hợp tác triển khai giao nhận chuyến thư đường bộ qua cửa khẩu Việt Nam - Lào theo các quy định của UPU, ASEAN về nghiệp vụ, truyền nhận dữ liệu EDI, thanh toán quốc tế; Thúc đẩy hợp tác song phương trong dịch vụ tài chính bưu chính, tem bưu chính; Nghiên cứu, hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính của Bưu chính hai nước; Đào tạo, trao đổi cán bộ.
Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT và Công ty Best Telecom ký kết biên bản hợp tác |
Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT và Công ty Best Telecom cũng ký kết hợp tác chiến lược trong nghiên cứu, xây dựng và phát triển một số dự án CNTT tại lào trong thời gian tới. Best Telecom là một công ty viễn thông trực thuộc AIF group - một trong những tập đoàn đa nghành lớn nhất tại Lào làm trong nhiều lĩnh vực: Khai khoáng, kim loại quý, ngân hàng, viễn thông, logistics…
Best Telecom mong muốn tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm tư vấn, triển khai trong lĩnh vực viễn thông và chính phủ điện tử để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng CNTT/chuyển đổi số tại Lào. Đây cũng là các thế mạnh của FPT IS tại thị trường Việt Nam cũng như tại Lào.