Xem “Anh có phải đàn ông không”, bạn trẻ "ngẫm" về hôn nhân và gia đình
Nhiều người trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn khi “nhảy việc" liên tục Hội chứng “ám ảnh sợ xã hội” ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của giới trẻ hiện đại? |
Cuộc sống hôn nhân đầy chân thực…
Ngay từ những ngày đầu khởi chiếu, bộ phim “Anh có phải đàn ông không” đã thu hút sự tò mò của khán giả khi đưa ra chân dung ba nhân vật chính là ba mẫu đàn ông điển hình trong cuộc sống: hiền lành, gia trưởng, “trẻ trâu”. Đó là Duy Anh, một ông “nội trợ” đúng nghĩa, giao chuyện cơm áo gạo tiền cho vợ lo. Nhật Minh, một người chồng tính tình gia trưởng và Tuấn Khang, một chàng trai độc thân ngông cuồng, “thay bồ như thay áo”.
Bộ phim vẽ ra thế giới thu nhỏ trong cuộc sống hôn nhân khi chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận rõ rệt những gì diễn ra với bộ ba Duy Anh, Nhật Minh, Tuấn Khang chính là nỗi lòng của họ, những điều mà trong cuộc sống gia đình ngày nay không khó để bắt gặp.
Series phim truyền hình “Anh có phải đàn ông không” đang mang đến những cảm nhận mới lạ và đáng suy ngẫm tới giới trẻ về cuộc sống hôn nhân |
Với Duy Anh, đó là sự khó xử khi phải đứng giữa cuộc chiến “chưa bao giờ hết nóng” của mẹ chồng - nàng dâu, bất lực khi không thể là trụ cột kinh tế gia đình khiến con cái cũng coi thường. Đó là Nhật Minh với cảm giác mất mặt khi đến chỗ làm khi bị cấp trên không tin tưởng, cấp dưới xa lánh, về nhà nhìn vợ thăng tiến còn bản thân giậm chân tại chỗ thậm chí mất việc. Tuấn Khang với nỗi trống trải khi lớn lên trong đổ vỡ vì mẹ mất sớm, cha có người đàn bà khác, ngột ngạt khi bị người yêu quan tâm quá mức dẫn đến ghen tuông.
Khi thưởng thức bộ phim, chúng ta cũng đồng cảm với cả ba người phụ nữ trong phim: Dung - vợ Duy Anh, một người phụ nữ tháo vát, khôn khéo bù trừ cho ông chồng nhu nhược, cam chịu; Lệ - vợ Nhật Minh, đảm đang và giỏi chịu đựng; Vy - người yêu Tuấn Khang, một cô gái hết lòng với người yêu đến mức thích kiểm soát đối phương.
Ba người đàn ông, những nhân vật chính đôi lúc khiến người xem bực mình nhưng khó thể ghét được họ vì tất cả đều là người tốt, luôn yêu thương gia đình chỉ có điều chưa biết cách cư xử phù hợp, tinh tế.
Bài học đáng suy ngẫm
Những diễn biến tiếp theo của bộ phim Anh có phải đàn ông không đang cho thấy hành trình lớn lên, thay đổi của những người đàn ông: Duy Anh nhận ra điều quan trọng nhất là không được đánh mất chính mình, phải sống có mục tiêu; Nhật Minh học cách thay đổi bản thân, quan tâm tới cảm xúc người khác; Tuấn Khang nhận được những bài học để trưởng thành và tìm lại được niềm tin vào tình yêu.
Cuộc sống hôn nhân được khắc họa thú vị dưới góc nhìn của những người đàn ông trong bộ phim |
Theo dõi bộ phim từ những ngày đầu phát sóng, bạn Nguyễn Thu Thảo (27 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng thông qua bộ phim, những câu chuyện đơn giản, dễ bắt gặp trong cuộc sống hôn nhân được khắc họa một cách chân thực khiến mỗi gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ có cơ hội để ngồi lại cùng nhau.
“Mình cảm nhận được câu chuyện của chính bản thân qua từng tập phim. Đó là sự thiếu kết nối trong chuyện gia đình của mình và chồng trong cuộc sống hôn nhân. Hai vợ chồng mình đều bận bịu với công việc nhưng anh vẫn thường là người về nhà sớm hơn và chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Mình rất hạnh phúc vì những điều chồng mình làm nhưng lại không biết thể hiện điều đó như thế nào.
Bộ phim cũng giúp mình nhận ra rất nhiều điều. Mình hiểu thêm về những áp lực trong cuộc sống mà người đàn ông khi lập gia đình phải trải qua cũng như cách để động viên, chia sẻ với một nửa của mình”, Thu Thảo chia sẻ.
Cuộc sống hôn nhân sẽ trở về đúng giá trị của nó nếu có sự cố gắng và nỗ lực từ cả người đàn ông và người phụ nữ |
Đối với Đỗ Hoàng Ngân (25 tuổi, nhân viên ngân hàng), dù chưa lập gia đình nhưng cô gái trẻ cho biết bộ phim đã giúp Hoàng Ngân có cho mình nhiều kinh nghiệm, bài học đáng suy ngẫm để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân sau này.
“Người ta thường nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” quả là không sai. Khi chưa xem bộ phim, mình có quan điểm khác về vai trò của người đàn ông trong cuộc sống hôn nhân. Đó là họ dù đúng hay sai cũng nên là người nhường nhịn, mở lời trước trong mỗi lần cãi vã. Nhưng bây giờ thì khác…
Cuộc sống hôn nhân cần có sự vun đắp và nỗ lực từ hai phía, không so sánh thiệt hơn, không quan trọng ai là người phải xin lỗi ai trước mỗi khi có mâu thuẫn. Dưới góc nhìn của những người đàn ông, mình cảm nhận được những điều mà phái mạnh luôn cố gắng trong mối quan hệ này. Quan trọng nhất là sự cố gắng từ cả hai. Điều đó sẽ giúp cuộc sống hôn nhân đi về đúng giá trị thật sự của nó. Đó là hạnh phúc”, Hoàng Ngân bày tỏ.