Xóa bỏ rào cản đối với người khuyết tật
Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 27 năm ngày quốc tế người khuyết tật.
Bài liên quan
Enactus NEU và dự án giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng
Chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc người khiếm thị
Trao tặng 160 chiếc xe lăn cho người khuyết tật Hà Nội
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó, NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%. Khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% NKT là trẻ em, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Với tỉ lệ trên, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ NKT so với tổng dân số khá cao, tính trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, năm 2019, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (bao gồm trợ cấp hằng tháng, mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng) và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chia sẻ, hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam hiện nay đã thay đổi cách thức tiếp cận đối với NKT từ ý nghĩa nhân đạo sang nhân văn. Việc tổ chức, thực thi chính sách pháp luật về NKT đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho NKT thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Bên cạnh đó, đất nước ta ngày càng phát triển mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho NKT.
Tuy nhiên, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ NKT vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tình trạng kỳ thị vẫn tồn tại, có nơi coi công tác trợ giúp người khuyết tật đơn thuần là hoạt động từ thiện,…
Trước rào cản về quan điểm, môi trường có khả năng ngăn cản sự tham gia đầy đủ, hiệu quả của NKT với xã hội một cách bình đẳng, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, các cơ quan Nhà nước, Ủy ban quốc gia về NKT tiếp cần phải tăng cường lồng ghép chính sách với các chiến lược phát triển bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức của NKT hoạt động hiệu quả, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NKT, không chỉ nêu lên tiếng nói mà còn tham gia vào quá trình quyết định chính sách, giám sát thực thi chính sách về NKT, quan tâm hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn, cổ vũ những tấm gương điển hình tiêu biểu, động viên NKT vượt qua mặc cảm, bi quan, vươn lên khẳng định giá trị của bản thân.
Bên cạnh đó, việc chăm lo, đồng hành của gia đình, người thân, các tổ chức, cá nhân trong xã hội sẽ giúp NKT tiếp tục thay đổi suy nghĩ và hành động tích cực hơn, có thêm niềm tin trong cuộc sống.