Xu hướng cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần
Biến nhựa phế thải thành gạch Hạt vi nhựa được tìm thấy trong máu người Các sản phẩm nhựa dùng một lần và tác động đến sức khỏe |
Hàn Quốc cấm cốc nhựa dùng một lần trong nhà hàng, quán cà phê (Ảnh: Yonhap) |
Đây được xem là hành động đánh dấu sự khôi phục của luật chống sử dụng đồ nhựa dùng một lần của Bộ Môi trường nước này, có hiệu lực từ năm 2018.
Trước đó, luật cấm sử dụng nhựa dùng một lần từ tháng 8/2018. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Seoul đã ban hành sắc lệnh cho phép sử dụng các sản phẩm dùng một lần do lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus từ các sản phẩm tái sử dụng.
Tuy nhiên, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã quyết định khôi phục lại quy định cấm do dịch kéo dài đã dẫn đến lượng chất thải tăng cao.
Theo đó các mặt hàng dùng một lần, bao gồm tăm xỉa răng và khăn trải bàn bằng nilon, bị cấm sử dụng trong các quán cà phê và nhà hàng tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh đồ uống và thức ăn tại xứ sở kim chi cũng bị cấm cung cấp miễn phí túi nilon hoặc các loại túi sử dụng một lần khác, ngoại trừ túi giấy.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới, khoảng 98,2 kg/người/năm. Chính phủ nước này đặt mục tiêu cắt giảm một nửa vào năm 2030.
Nạn ô nhiễm rác thải nhựa là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới chỉ sau biến đổi khí hậu (Ảnh: AFP) |
Xu hướng cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần không còn quá mới mẻ trên thế giới. Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần có đặc tính lâu phân hủy nên gây tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe con người và với môi trường, hệ sinh thái trên trái đất. Theo các nhà nghiên cứu, phải mất hàng trăm năm thì túi nilon mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Nhiều quốc gia trên thế giới cấm sử dụng nhựa một lần. Bắt đầu từ tháng 2 năm nay, Chile cũng đã cấm đồ nhựa sử dụng môt lần như ống hút hay hộp đựng thực phẩm. Các nhà hàng và quầy bán thực phẩm có 3 năm để chuyển từ hộp đựng bằng nhựa sang vật liệu có thể phân huỷ sinh học. Ước tính với bước đi này, mỗi năm Chile sẽ giảm được khoảng 23.000 tấn rác thải nhựa, góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường.
Theo dữ liệu năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Chile đứng thứ hai khu vực Mỹ Latinh (sau Mexico) về lượng rác thải. Tỷ lệ sản phẩm nhựa tái chế của nước này cũng rất thấp.
Đồ nhựa sử dụng một lần như đĩa, túi, tăm bông, ống hút, nhãn mác trái cây và một số sản phẩm polystyrene cũng sẽ bị cấm hoàn toàn tại New Zealand từ tháng 7/2025.
Số liệu cho thấy New Zealand là một trong những nước thải ra nhiều rác thải nhựa nhất trên thế giới. Chính sách mới của chính phủ ước tính sẽ giúp nước này loại bỏ khoảng 2 tỷ vật dụng sử dụng một lần khỏi các bãi chôn lấp hoặc môi trường mỗi năm.
New South Wales, bang lớn nhất tại Australia cũng đã trở thành bang thứ 3 của nước này quyết định cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, với mục tiêu tăng cường bảo vệ môi trường, tránh lãng phí.
Theo luật mới được Quốc hội bang New South Wales thông qua, bắt đầu từ tháng 6/2022, bang New South Wales sẽ cấm sử dụng các loại túi nilon nhẹ. Từ tháng 11/2022, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm bao gồm các loại ống hút, dao dĩa, bát, đĩa, bao bì đựng thực phẩm làm từ nhựa polystyrene giãn nở và các hạt vi nhựa sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm.
Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần, không thể phân hủy hoặc khó phân hủy đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nilon dùng một lần được sử dụng.