Xử lý nghiêm hành vi mua bán thai nhi
Thêm nhiều quy định mới trong Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) Ngăn chặn tội phạm mua bán người |
Bổ sung hành vi mua bán thai nhi để xử lý hình sự
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) |
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát vì Luật có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật khác; đồng thời làm rõ thêm tác động của quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tính khả thi của quy định bảo vệ, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) thể hiện sự băn khoăn về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ cũng như nhiều vấn đề liên quan đến thai nhi, tình trạng mang thai hộ không chính đáng… Đối với những hành vi này, đại biểu cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung hành vi mua bán thai nhi cũng là một hành vi mua bán người để có căn cứ, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) |
Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ các cụm từ "vì mục đích vô nhân đạo khác", "thủ đoạn khác".
"Khác - ở đây cụ thể là gì? Có thể tham chiếu với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc) để tường minh và cụ thể hóa", đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất.
Bổ sung trách nhiệm của Đoàn Thanh niên
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) nêu thực tế việc triển khai công tác hỗ trợ còn lúng túng vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp, hỗ trợ nạn nhân đặc thù, nhất là bất cập trong việc cân đối các khoản chi phí, phiên dịch cho nạn nhân người nước ngoài hay nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân cũng như lấy lời khai, hỗ trợ nạn nhân lưu trú…
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) |
Mặt khác, các dịch vụ hỗ trợ hiện nay thường chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân là nữ, những nhóm nguy cơ khác như nam công nhân, thanh, thiếu niên đặc thù thường ít có hỗ trợ chuyên biệt. Từ đó, nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nạn nhân nam và các đối tượng đặc thù khác dường như đang bỏ ngỏ.
Dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy, hơn 70% nạn nhân của tình trạng mua bán người là phụ nữ trong độ tuổi 18 - 30 tuổi. Đáng chú ý là nạn nhân nam trong độ tuổi thanh, thiếu niên bị mua bán để bóc lột sức lao động có xu hướng gia tăng.
Do đó, đại biểu tán thành với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, đó là bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thì dự thảo Luật cần cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên tham gia phòng ngừa mua bán người.
Bên cạnh đó, đại biểu Trang cho rằng, dự thảo Luật bổ sung quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân "là rất nhân văn và tiến bộ". Tuy nhiên, theo đại biểu, cần bổ sung quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử về giới và về bất cứ lý do nào khác; đồng thời cấm kỳ thị, phân biết đối xử với cả thân nhân của nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.