Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón
Giá phân bón tăng phi mã: Bộ trưởng Bộ Công thương ra chỉ thị khẩn Giá phân bón nhập về Việt Nam khoảng 6,5 triệu đồng mỗi tấn |
Trong năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về các mặt hàng phân bón phục vụ nông nghiệp.
Theo đó, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã tiến lấy mẫu 22 loại phân bón của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh gửi đi kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng.
Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện 5 doanh nghiệp và hộ kinh doanh vi phạm bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.
Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất phân bón với tổng số tiền là 236.350.000 đồng. Trong đó, tiền phạt là 196.050.000 đồng, giá trị thu lợi bất hợp pháp là 40.300.000 đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh phân bón. (Ảnh: DMS) |
Theo nhận định của cơ quan chức năng, các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã lợi dụng sự thiếu thông tin, tâm lý ham rẻ của bà con nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn để thực hiện hành vi lừa đảo người tiêu dùng như chiết khấu tỷ lệ cao cho các đại lý bán vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ; bán trả chậm...
Bên cạnh đó, các đối tượng sản xuất quy mô nhỏ tại tỉnh này nhưng bán cho các đại lý tỉnh khác với giá rẻ, mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh, tránh kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, và nếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh bị kiểm tra phát hiện, họ sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” để rồi cho ra sản phẩm mới, mẫu mã mới, nhãn hàng khác, tiếp tục kiếm lời trên mồ hôi của người nông dân.
Nhiều vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón bị phát hiện, xử lý. (Ảnh: DMS) |
Mặt khác, do địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế và trước sự tinh vi của các công nghệ làm giả, trong quá trình sản xuất nông nghiệp sử dụng các loại phân bón kém chất lượng khi thấy cây trồng xấu đi, năng suất thấp... thì người nông dân mới cảm nhận được và nhìn thấy rõ chất lượng hiệu quả của các loại phân bón đang sử dụng.
Mặc dù bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua phân bón nhưng mùa vụ thất thu. Nạn phân bón giả, kém chất lượng vì thế đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng, đời sống của người nông dân thêm khó khăn.
Tại Bình Thuận, ngày 19/8 vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón tại địa chỉ thôn Đằng Thành, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, qua đó phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh 12.000kg phân hữu cơ Nippon Yuki của Nhật Bản nhưng chủ cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Đồng thời toàn bộ lô hàng trên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Tổng trị giá hàng hoá vi phạm là 36 triệu đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình giá cả phân bón trong nước tăng rất cao, dẫn đến chi phí sản xuất các mặt hàng nông nghiệp tăng theo, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản chậm, giá thấp, ảnh hưởng đời sống của người nông dân.
Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện tuyên truyền bằng hình thức ký cam kết đến các cơ sở không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại...