Xuất khẩu nông sản: Nhận diện cơ hội đột phá hậu Covid-19
Tính chung trong 5 tháng đầu năm, một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng là gạo, cà phê và hạt điều. Trong đó đáng chú ý là mặt hàng gạo với khối lượng xuất khẩu đạt gần 2,9 triệu tấn, đạt 1,41 tỷ USD. Riêng trong tháng 5/2020, xuất khẩu gạo tăng đến 47% về lượng và 55,3% về giá trị so với tháng 4. Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn.
Ðối với mặt hàng trái cây, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ. Mức sụt giảm này có nguyên nhân lớn là do nhiều mặt hàng hoa quả tươi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Sau đó, tiếp tục bị tắc nghẽn đường sang các thị trường Mỹ và Châu Âu khi dịch lan rộng.
Gạo là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng |
Ðối với mặt hàng thủy sản, đà sụt giảm cũng đã chững lại so với những tháng trước. Theo đó, tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 570 triệu USD, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ. Mức giảm này được coi là khá thấp so với những tháng trước đó do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 20% trong tháng 5. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 2%. Cùng với đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 9% trong tháng 5, sau khi tăng 16% trong tháng 4.
Trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chỉ hơn 1 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tăng trưởng trong các tháng sau khi EVFTA có hiệu lực đã tăng từ 17-20% so với tháng trước đó.
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng nhanh ở một thị trường cao cấp, khó tính ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã cho thấy những thay đổi tích cực của nông sản Việt.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, liên tiếp các mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, trái cây, cà phê, tôm… được xuất sang châu Âu (EU) và bước đầu hưởng lợi theo các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Cụ thể, trong hơn 1 tháng triển khai EVFTA, những tác động tích cực đã lan tỏa đến ngành gạo xuất khẩu. Tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD.
Mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. EU hiện đang là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước.
Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội để đột phá trong giai đoạn Covid-19 |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết, nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ghi nhận mức tăng trưởng 15,7%, đạt 58,8 triệu USD, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay. Cho đến nay, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tỷ USD như cà phê, trái cây, gạo, tôm... sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Thậm chí, trong tương lai xa hơn, EU còn là “mảnh đất” màu mỡ để nông sản Việt “đào xới” khi thị trường này có nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn, chiếm 8,4% tổng trị giá nhập khẩu hàng năm.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành nông sản Việt Nam. Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ tập trung tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu, kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm.
Đặc biệt, Bộ sẽ thúc đẩy tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh COVID-19 như gạo, trái cây, thủy sản, lâm nghiệp…
Theo các chuyên gia kinh tế, gạo là một trong những mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu ước khoảng 100 nghìn tấn vào EU.
Bên cạnh gạo, trái cây cũng là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam |
Bên cạnh gạo, trái cây cũng là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam và có tốc độ phát triển nhanh nhất. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích cây ăn trái trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng.
Đến năm 2019, tổng diện tích cây ăn trái đạt 964 nghìn ha, tăng 56,4 nghìn ha so với năm 2018, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 6%. Hiện, Việt Nam có khoảng 40 loại rau quả được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam.
Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, mà cụ thể là được xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi...
Hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng mang đến nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2020. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU về 0%, tôm chế biến sẽ có lộ trình giảm thuế từ 5-7 năm.
Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU không được hưởng hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) như Thái Lan chịu thuế 12%; Ấn Độ 4,2%; Indonesia 4,2%. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.