Yên Bái từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng thị trường khó tính
Nâng tầm thương hiệu Việt
Yên Bái là một tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, Yên Bái cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiểu vùng khí hậu phù hợp với các loại cây trồng, vật nuôi vừa là đặc sản vừa là thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của Yên Bái mang đậm bản sắc địa phương mà không vùng miền nào có được.
Theo đó, các sản phẩm nông sản đặc sản của Yên Bái có thể kể đến như: Miến đao Giới Phiên, thịt trâu sấy Nghĩa Lộ, vịt bầu, măng mai khô Lâm Thượng, mật ong rừng Mù Cang Chải, táo mèo, cá bỗng, hạt dổi, gạo nếp Tú Lệ, cam sành, khoai môn tím Khánh Hòa, lạc ri đỏ Minh Tiến…
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Những năm trước đây, hiểu biết của người dân về OCOP còn nhiều hạn chế, năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa bài bản. Các sản phẩm truyền thống khi sản xuất ra còn thô sơ, chưa hấp dẫn về hình thức… Tuy nhiên, từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Yên Bái đã tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, bảo đảm được các tiêu chí tham gia đánh giá, phân hạng như kiểu dáng, mẫu bao bì, tem nhãn, câu chuyện sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, QR code, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, định hướng xây dựng chuỗi liên kết...
Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, quảng bá sản phẩm cho 17 sản phẩm Yên Bái và đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm: 3 chỉ dẫn địa lý là Quế Văn Yên, Gạo Mường Lò, Tre Bát độ.
Chương trình cũng hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp xây dựng 6 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm là Chè Suối Giàng Yên Bái, Sơn tra Mù Cang Chải, Bưởi Đại Minh Yên Bình, Cá hồ Thác Bà, Gà xương đen Mù Cang Chải, Vịt bầu Lâm Thượng; Cùng 8 nhãn hiệu tập thể là Cam Lục Yên, Cam Văn Chấn, Gạo Bạch Hà Yên Bình, Gạo nếp Tú Lệ Văn Chấn, Miến đao Giới Phiên, Gạo Hương chiêm Đại Phú An, Thịt hun khói Mường Lò, Hồng chùm không hạt Lục Yên.
Sản phẩm chè “Tuyết Sơn Trà” của HTX Suối Giàng đã được xếp hạng 4 sao |
Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, phát triển được gần 200 sản phẩm OCOP. Với mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo, các sản phẩm OCOP này được người dân trong, ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng và đang từng ngày khẳng định thương hiệu nông sản Yên Bái trên thị trường.
Giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm được hướng đi riêng
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thời gian qua, các cấp ngành ở Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể làm OCOP trong phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương ở tỉnh đang cơ cấu lại vùng sản xuất, đổi mới tổ chức, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm này. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái |
Đến nay đã có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn thương mại điện tử. Số lượt khách truy cập trên sàn giao dịch thương mại điện tử Yên Bái, website Sở Công thương ngày một tăng, hiện có hơn 18 triệu lượt truy cập; Hỗ trợ đăng tải thông tin 183 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử tỉnh Yên Bái; Tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 183 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh...
Là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn cho biết: "Tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của hợp tác xã được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng.
Hiện hợp tác xã cũng tham gia các kênh xúc tiến thương mại, trang mạng xã hội, trong đó có sản phẩm Dầu lạc đỏ đạt chuẩn OCOP 3 sao, có mặt tại sàn Postmart.vn nên sản phẩm OCOP của đơn vị đã có thể tiếp cận được nhiều thị trường mới, góp phần thúc đẩy hợp tác xã không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm nông sản”.
Cũng là một sản phẩm được sản xuất từ cây đao riềng trồng tại địa phương, đến nay, các sản phẩm miến đao của Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh Toàn Nga đã được nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận và Hà Nội yêu thích và tin dùng.
Chương trình OCOP đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, qua đó góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn |
Ông Đỗ Danh Toàn, Chủ tịch Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh Toàn Nga, thôn Thịnh Ân, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết: "Cuối năm 2022, sản phẩm miến đao của chúng tôi đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi luôn chú trọng nguồn nguyên liệu như tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm nên được khách hàng gần xa ưa chuộng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, hợp tác xã xuất ra thị trường trên 1 tấn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương”.
Có thể nói rằng, Chương trình OCOP được tổ chức triển khai thực hiện tại Yên Bái đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời cũng đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh.
Thông qua chương trình, nhiều tổ chức, cá nhân đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã nghiên cứu thị trường, sản phẩm của các tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà phân phối để phát triển, hoàn thiện sản phẩm, tìm cho mình một hướng riêng để phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, ngoài nước.