Mọi trẻ sinh non cần được chăm sóc sức khỏe tốt nhất
Phát biểu tại buổi lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới (sau Ga Na) phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, trong bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em, có hai nhóm quyền liên quan đến ngành Y tế đó là: “quyền sống còn và quyền phát triển của trẻ em”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại lễ mít tinh |
Thực hiện Công ước trên, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư của Chính phủ; sự nỗ lực, cống hiến của đội ngũ cán bộ y tế từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế và trong nước, Việt Nam đã thực hiện thành công hoàn thành trước thời hạn về các chỉ số giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em, đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Cụ thể, các chỉ tiêu đã giảm mạnh từ năm 2015 đến năm 2023, đó là tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 22,1%o xuống còn 18,2%o; ở trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 14,7%o xuống còn 12,1%o và ở trẻ sơ sinh giảm từ 12%o xuống còn 9,8%o. Chúng ta đang tích cực thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn để giảm tử vong sơ sinh, trong đó đặc biệt chú trọng đến giảm tử vong trẻ sơ sinh nhẹ cân/non tháng.
Thông tin đưa ra tại lễ mít tinh cho thấy, trên thế giới và tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 13 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non). Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam, ¼ trẻ sơ sinh tử vong là do nguyên nhân đẻ non tháng/nhẹ cân. Ngoài ra, hằng năm nước ta có khoảng hơn 100.000 trẻ sinh thiếu tháng và đang là gánh nặng về bệnh tật, tử vong ở trẻ em. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tốt.
Vì vậy, dự phòng giảm nguy cơ sinh non thực sự cần thiết và cần được ưu tiên trong các chiến lược về chăm sóc sức khoẻ con người.
Các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu phát động hưởng ứng Ngày Thế giới vì trẻ sinh non |
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội góp phần giảm thiểu nguy cơ sinh non, Bộ Y tế phát động Tháng cao điểm hành động vì trẻ sinh non từ ngày 1/11 đến 30/11/2024 trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, hiện công tác chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang phải đối mặt với 3 vấn đề chính cần quan tâm đặc biệt.
Đó là sự khác biệt khoảng cách về sức khỏe bà mẹ trẻ em giữa các vùng, miền vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với thành thị. Thậm chí, tử vong mẹ của người dân tộc thiểu số H’Mông cao gấp 7 lần so với người Kinh. Mặt khác, tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi...
"Như vậy, Việt Nam cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa vào các can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong do đẻ non/nhẹ cân, bảo đảm cho mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhằm mục tiêu tất cả trẻ em sinh ra đều được sống, khỏe mạnh và góp phần hướng tới một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, trong sáng về tinh thần và phát triển về trí tuệ", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Để có thể giảm một cách đáng kể tỷ lệ bà mẹ có nguy cơ sinh non, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai, bao gồm: Sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm phụ nữ khi mang thai có sức khoẻ tốt nhất.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được khám thai định kỳ, chăm sóc, điều trị và tư vấn ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả.
Mặt khác, phụ nữ cần sinh con theo kế hoạch, bảo đảm theo khuyến cáo, không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dày... Đối với trẻ sinh ra quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, nuôi dưỡng, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.