119 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo
Dự và chủ trì Vòng chấm chung khảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo |
Tham dự còn có các thành viên Ban Tổ chức, thành viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng BTC Giải cho biết: “Ngày 11/7/2024, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy ký Quyết định số 1910/QĐ-BTCGBC thành lập Hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai gồm 5 tiểu ban: Báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình và báo ảnh”.
Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ công bố quyết định thành lập Hội đồng Chung khảo |
Theo báo cáo của Ban Tổ chức, kể từ ngày phát động, giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.
Tác phẩm tham dự giải được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, từ ngày 1/7/2023 đến hết 15/6/2024.
Giải được trao cho các tác phẩm xuất sắc với cơ cấu, số lượng giải như sau: Giải tập thể: 3 giải đồng hạng cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao. Giải cá nhân: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho mỗi loại hình báo chí.
Toàn cảnh buổi làm việc |
“Đến hết ngày gửi tác phẩm dự thi (20/6/2024 tính theo dấu bưu điện), Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 920 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch”, ông Nguyễn Anh Vũ thông tin.
Sau đó, Tiểu ban Thư ký - Tổng hợp đã tiến hành rà soát, sàng lọc và loại 26 tác phẩm vi phạm Thể lệ giải.
Ngày 15/7/2024, Hội đồng sơ khảo đã tiến hành chấm 894 tác phẩm hợp lệ, trong đó: Loại hình báo in có 258 tác phẩm; báo điện tử có 235 tác phẩm; phát thanh có 92 tác phẩm; truyền hình có 222 tác phẩm; báo ảnh có 87 tác phẩm.
Cơ cấu số lượng tác phẩm lựa chọn vào vòng Chung khảo theo loại hình như sau: Báo in 25 tác phẩm; báo điện tử 25 tác phẩm; phát thanh 22 tác phẩm; truyền hình 25 tác phẩm; ảnh báo chí 20 tác phẩm.
Các thành viên Ban Giám khảo chấm giải |
Công tác chuẩn bị, sàng lọc và tổng hợp tác phẩm được Tiểu ban Thư ký - Tổng hợp tiến hành nghiêm túc theo đúng Thể lệ Giải, đúng tiến độ; đồng thời phân công 2 cán bộ thư ký phụ trách hỗ trợ chấm giải cho mỗi tiểu ban của Hội đồng Sơ khảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thẩm định tác phẩm của Hội đồng.
Vòng chấm sơ khảo diễn ra từ ngày 15 - 24/7/2024. Căn cứ Quy chế chấm giải, các tiểu ban Hội đồng sơ khảo đã tiến hành thẩm định độc lập, khách quan, minh bạch, và thảo luận tập trung, kỹ lưỡng, công tâm để lựa chọn ra những tác phẩm báo chí nổi bật nhất vào vòng chung khảo. Quá trình chấm sơ khảo được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Thể lệ và Quy chế chấm giải.
Sau 10 ngày thẩm định, thảo luận và chấm tác phẩm, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 119 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng chung khảo, phân bổ theo loại hình báo chí như sau: Báo in 27 tác phẩm; điện tử 26 tác phẩm; phát thanh 22 tác phẩm; truyền hình 25 tác phẩm; báo ảnh 19 tác phẩm.
Các thành viên Ban Giám khảo chấm giải |
Kết quả sơ khảo được Ban Thư ký tổng hợp, hoàn thiện tài liệu đầy đủ và được gửi tới các thành viên Hội đồng chung khảo sớm, tạo điều kiện tốt hơn cho Hội đồng chung khảo nghiên cứu, thẩm định tác phẩm.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Sơ khảo đánh giá: “Tác phẩm dự giải năm nay không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2023 - 2024 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”.
Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: Vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới; Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Thực trạng của của ngành thể thao và du lịch Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo công tác chấm vòng sơ khảo |
Các đề tài về gìn giữ và phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; phát triển du lịch, thể thao, xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em…; vấn đề chuyển đổi số trong trong lĩnh vực văn hóa, những mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển du lịch, văn hóa, thể thao…
Đề tài gia đình, về truyền thống hiếu học với những tấm gương nhân vật sống hiếu thảo, nghĩa tình với cha mẹ; hướng độc giả tới những giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống… cũng được nhiều tác giả, nhóm tác giả quan tâm, khai thác.
“Các bài viết đi sâu vào phân tích những nội dung cụ thể, nêu bật hiện trạng, khó khăn, cơ hội và thách thức trong bảo tồn, phát triển các lĩnh vực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch”, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết.
Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh: Công tác chấm, xét giải diễn ra chặt chẽ, đúng quy định |
Các tiểu ban Hội đồng Sơ khảo đề xuất, kiến nghị Ban Tổ chức nên có những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích đội ngũ phóng viên, nhà báo sáng tạo các tác phẩm chủ đề về gia đình, trẻ em và thể thao nhiều hơn nữa nhằm cân đối lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực còn lại để giải phản ánh đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực của ngành.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông về nội dung giải đến các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo nhất là các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần được tăng cường để khuyến khích gửi tác phẩm dự thi cho các mùa giải tiếp theo.
Kết quả của Vòng chung khảo sẽ được công bố tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai, diễn ra tối 28/8/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đánh giá về chất lượng chuyên môn của giải lần này, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Lê Quốc Minh cho biết, dù bước sang kỳ giải thứ hai song sự tham gia của các tác giả, nhóm tác giả, cơ quan báo chí vẫn rất đông đảo với 920 tác phẩm tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí đối với các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, đóng góp vào thành công chung của giải thưởng. Công tác chấm sơ khảo, chung khảo diễn ra chuyên nghiệp, bài bản, đề cao tính chuyên môn; quy tụ được những nhà báo có thâm niên, uy tín. Từ vòng sơ khảo, các thành viên Hội đồng đã thực hiện công tác chấm giải theo hướng chặt chẽ. Sau đó, Hội đồng chung khảo tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng nhằm chọn ra những tác phẩm có chất lượng tốt nhất. Nhà báo Lê Quốc Minh cũng đánh giá, chủ đề các tác phẩm dự thi năm nay có sự đa dạng, mang tính bao trùm; thể hiện được những định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển văn hóa. Các bài viết cũng đề cập đầy đủ từ những vấn đề vĩ mô cho đến những vấn đề trong đời sống văn hóa thường ngày; các hoạt động, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch. Nhiều tuyến bài, bài viết có tính chất gợi mở. Năm nay, sự tham gia của các cơ quan báo chí địa phương cũng mạnh mẽ hơn. Nhiều tác phẩm dự giải của cơ quan báo chí địa phương được đánh giá có chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Thậm chí, giải lần này thu hút cả sự tham gia của cơ quan báo chí cấp huyện. |