20 năm xử không xong vụ án dân sự, công lý đi đâu, về đâu?
Ông Trần Hữu Sỹ quỳ gối ngay giữa tòa xin xét xử vụ kiện |
Dư luận vỡ tung ra khi biết có một cụ già gần 80 tuổi tên là Trần Hữu Sỹ quỳ chân đội đơn trên đầu xin tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xử kiện. Quỳ gối, đội đơn xin xử kiện là bởi: Ông cụ đến tòa theo giấy triệu tập, phiên tòa phúc thẩm lần 2 vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” với Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai. Lẽ ra, diễn ra lúc 8 giờ ngày 8/9 nhưng chờ đợi gần 2 tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy HĐXX làm việc, rồi sau đó được thông báo… hoãn.
Lòng kiên nhẫn có hạn, quá bức xúc, ông cụ 79 tuổi làm đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai. “… Kiểm sát viên đang mắc ngồi hội đồng xét xử khác, cho nên chờ hội đồng đó xong thì phiên này sẽ diễn ra” là lời giải thích lạnh lùngđến tàn nhẫn. Mời nguyên đơn đến, bắt chờ đợi rồi thông báo lý do một cách vô cảm. “Kiểm sát viên mắc ngồi hội đồng xét xử khác” sao còn định giờ lên lịch xử, còn mời nguyên đơn bị đơn đến làm gì?
Chuyện thật mà cứ như đùa. Xử án mà kiểm sát viên bận xử vụ án khác, hẹn hoãn nhiều lần thì đâu còn thượng tôn pháp luật? Pháp đình còn như thế, trách gì ở ngoài đời còn lắm chuyện à uôm, lệch chuẩn!Ở đây có chuyện rất tùy tiện và cẩu thả trong việc công đường. Câu chuyện vẫn tiếp tục đến hồi hấp dẫn là: Phiên tòa mở lại vào lúc 10h30, rồi lại hoãn. Lý do được đưa ra là… đại diện bị đơn bị rối loạn tiêu hóa.. Đúng là cười ra nước mắt! Đủ mọi lý do hoãn xử, chẳng lý do nào giống lý do nào.
Theo nhiều chuyên gia, luật sư thì vụ án dân sự này không quá phức tạp. Năm 1992, ông Trần Hữu Sỹ ngụ ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu ký hợp đồng thuê hồ – vườn ươm 27ha, trong thời hạn 20 năm với Trung tâm Du lịch, thuộc Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai) để thả cá, với giá 5 triệu đồng/năm. Ông cụ đắp đập, be bờ, hút nước, thuê máy ủi san phẳng lòng hồ, và thả 3 triệu con cá giống. “Tháng 6/2000, Lâm trường đơn phương chấm dứt hợp đồng và cho Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ Công an TPHCM thuê với giá 75 triệu đồng/năm”. Ông Trần Hữu Sỹ làm đơn kiện Lâm trường Mã Đà làm sai luật, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình, và đòi bồi thường.
Hoãn!Vụ án dân sự xét xử kéo dài đằng đẵng 20 năm, khởi động lại trong 3 tháng gần đây, nhưng tòa đã hoãn đến… 6 lần: quyết định đưa ra xét xử vào ngày 16/6, nhưng hoãn đến ngày 10/7, rồi lại hoãn đến ngày 3/8, rồi 20/8, đến ngày 8/9 lại hoãn, lùi đến ngày 25/9. Ông cụ 79 tuổi có hiểu rằng… ngày 25/9 tới phiên tòa xử được hay không thì chỉ trời mới biết được!Tiếng kêu của người già “gần đất xa trời vang lên thống thiết: “Mong các quan tòa hãy đặt vào vị trí của tôi. Một phần ba đời người theo kiện, gia đình tôi đã quá mệt mỏi và kiệt quệ về kinh tế vì vụ kiện 20 năm qua. Không biết vợ chồng tôi còn sống để tìm thấy công lý hay không”.
Ở đây có câu chuyện văn hóa pháp đình. Năm 2008,Tòa án nhân dân tối cao đã ra bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên trong ngành, trong đó có điều: “Cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân phải thực sự “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Thử hỏi, các vị ngồi tòa sơ thẩm phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” đã làm được gì để phụng công, thủ pháp, để chí công vô tư?
Trong bộ quy tắc ứng xử cũng bắt buộc cán bộ, nhân viên tòa án: “Phải vui vẻ, cởi mở, hòa nhã, nhiệt tình, trung thực, thận trọng, công tâm, khách quan, toàn diện, đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh trong giải quyết, xét xử các loại án; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng”. Giá như các vị ấy đọc và áp dụng trở thành thói quen, nếp sống trong văn hóa pháp đình thì đâu đến nỗi cứ hoãn đi hoãn lại vụ kiện đằng đẵng 20 năm chẳng biết hồi kết đến bao giờ?
Ông Sỹ bên hồ cá 27ha từng thuê của Lâm trường Mã Đà |
Hình ảnh ông cụ 79 tuổi quỳ gối, đội đơn xin xử án làm tôi nghĩ đến số phận lão nông – số phận con người sao mà mong manh, nhỏ bé, bị bạc đãi đến tội nghiệp.Muốn yên ổn làm ăn mà vẫn bất an. Ký kết hợp đồng, bỏ ra hàng đống tiền vốn chưa thu được lời đã bị những người nhân danh tập thể Lâm trường Mã Đà thay đổi hợp đồng 20 năm thành 5 năm. Thì đành bấm bụng ký 5 năm, bởi bỏ cuộc thì tiền của đổ xuống đáy hồ rồi thu sao cho được?
Nhưng, năm năm cũng không yên ổn, người ta cất lấy cho nơi khác thuê với giá cao hơn. Ừ! Thì cho nơi khác thuê, nhưng phải đền bù, trả lại khoản đầu tư ban đầu cho cụ Trần Hữu Sỹ chứ. Không thỏa thuận được. Nhùng nhằng tranh chấp. Kiện tụng triền miên. Bên nào cũng viện các chứng cứ, lý do để bảo vệ quyền lợi của mình, cho mình. Thế mới cần tòa án. Nhưng tòa án đã làm được gì suốt 20 năm xử một vụ án dân sự?
Hình ảnh ông già chỉ còn một năm nữa là tròn 80 tuổi đội đơn xin tòa xử khiến tôi nghĩ đến việc: hoặc là chính quyền địa phương bất lực, hoặc là tòa án cũng bất lực. Chính quyền địa phương bất lực bởi không bảo vệ được công dân của họ. Tòa án bất lực chỉ có thể xảy ra các khả năng: Hoặc là trình độ năng lực quá kém, không xử lý nổi một vụ kiện kéo dài 20 năm. Hoặc là tòa vô cảm với nỗi đau đồng loại. Hoặc là có thể đằng sau tòa là một thế lực hắc ám nào đó?Mong sao điều này đừng xảy ra.
Các vị tòa án liên quan đến vụ xử kiện này đừng tự ái cá nhân khi dư luận đánh giá các phiên tòa đã bộc lộ trình độ yếu kém chuyên môn của các vị. Thử hỏi các vụ tranh chấp dân sự lớn hơn, phức tạp hơn thì các vị có xử nổi không và xử như thế nào, thời gian bao nhiêu lâu? Nguyên đơn, bị đơn và đồng bào có dám gửi niềm tin vào các vị đang cầm cán cân công lý không? Các vị trong ngành cũng đừng cảm thấy tổn thương khi người dân có quyền nghĩ đến sự buông lỏng giám sát, kiểm tra của cấp trên. Tòa án cấp dưới để một vụ kiện kéo dài bằng thời gian tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà tòa án cấp trên vẫn cứ để án tồn đọng? Sao không kiểm tra, yêu cầu xử lý dứt điểm?
Nghĩ về vụ án dân sự kéo dài 20 năm xử mãi không xong, có lúc tôi cho rằng: Tâm lý ngồi tòa xử quá nhiều vụ đau thương, mất mát, chia lìa lâu dần thành chai lì cảm xúc, nhẵn mòn cảm xúc. Cũng như bác sĩ ngành y ngày nào cũng nhìn thấy bệnh tật, tử vong thì lâu lâu dạn dần với cái chết, nhìn tử thi cũng không đáng sợ lắm. Nhưng, vô cảm thì khác. Vô cảm sẽ không đồng cảm chia xẻvới nỗi đau thương của đồng loại. Không thấy nỗi nhọc nhằn, với những giọt mồ hôi thậm chí cả máu nữa của đồng loại mưu sinh bị thoán đoạt. Mong rằng bất cứ ai ngồi ở pháp đình cầm cân nẩy mực không mắc căn bệnh nghề nghiệp này.
Mỗi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Ông Trần Hữu Sỹ 79 tuổi là công dân, ông cũng có quyền lợi như mọi công dân khác, trong đó có quyền được hiến pháp, pháp luật bảo vệ. “Hiến pháp 2013 quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Thử hỏi hai cấp tòa án sơ thẩm và phúc phẩm của tỉnh Đồng Nai đã bảo vệ quyền công dân, quyền con người cho cá nhân ông Trần Hữu Sỹ, cho tập thể Lâm trường Mã Đà như thế nào, khi vụ kiện dân sự kéo dài 20 năm? Không bảo vệ được cả bên nguyên đơn và cả bên bị đơn. Có nghĩa là cán cân công lý chưa được mang ra để cân.
Ông cụ Trần Hữu Sỹ đã 79 tuổi, chỉ vài tháng nữa là sang tuổi 80. Tuổi 80 như chuối chín cây. Liệu ông cụ có còn đủ thời gian để đi tìm công lý cho mình khi đang gần đất xa trời? Nói dại, nếu chẳng may cụ có mệnh hệ gì, thì vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” sẽ mãi mãi chìm trong hoãn xử. Thời gian cứ trôi đi, người ta vẫn phải sống. Nhưng sống cuộc đời vô nghĩa không đòi được cái mình bị tước đoạt phỏng có nỗi bức xúc, chán nản nào hơn?
Có lẽ vụ án “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” kéo dài 20 năm vẫn không xử xong đã đạt kỉ lục Guinness Việt Nam. Rất có thể, nó sẽ đi vào giáo trình đào tạo của ngành tư pháp nước nhà. Tôi đồ rằng ông thầy nào dẫn chứng cứ liệu này xong cũng phải kết một câu: Với bất cứ lý do nào thì vụ án dân sự kéo dài triền miên 20 năm cũng không chấp nhận được trong một xã hội đang tiến tới văn minh, tiến bộ.