Bài 1: Hiệu quả từ những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ
Đồng hành, hướng dẫn thanh niên nông thôn thực hiện mô hình kinh tế Đoàn sát cánh cùng thanh niên nông thôn thực hiện mô hình kinh tế Hội An thí điểm mô hình kinh tế đêm |
Thành đoàn Đà Nẵng trao cây giống cho thanh niên phát triển kinh tế tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang |
Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, những bạn trẻ tại huyện Hòa Vang mạnh dạn lập nghiệp với mô hình du lịch homestay, mang lại thu nhập cao.
Dám nghĩ dám làm
Cách đây 3 năm, thanh niên Lê Thanh Đán, (trú thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), bắt tay vào khởi nghiệp theo mô hình du lịch homestay.
Với khu vườn rộng hơn 5.000m2, vốn được gia đình anh chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả, hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của gia đình, anh Đán vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện Hòa Vang, để cải tạo lại khu vườn của gia đình mình, phát triển du lịch.
Trên diện tích 5.000m2, anh Lê Thanh Đán đã thiết kế xây dựng 16 lều, trại, phục vụ khách, với sức chứa khoảng 100 người. Ban đầu, nhiều người còn chưa biết đến mô hình của anh nên lượng khách cũng hạn chế.
Anh Lê Thanh Đán khởi nghiệp theo mô hình du lịch homestay |
Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày, tại điểm du lịch của anh Đán có khoảng 200 lượt khách đến tham quan, lưu trú. Khách đến đây chủ yếu là nghỉ dưỡng, tham quan, chụp hình cánh đồng lúa. Tối đến tổ chức chương trình đốt lửa trại, đàn hát, giao lưu văn nghệ…
Anh Lê Thanh Đán còn hướng dẫn du khách trải nghiệm văn hóa của đồng bào Cơ Tu, tham quan nghề dệt truyền thống.
“Năm 2023, cơ sở của tôi đón 2.000 lượt khách. Giá homestay, nếu không tham gia trải nghiệm các dịch ở khu cắm trại, thì khoảng 400 nghìn đồng, hai ngày một đêm, giữa phòng và lều giá thuê như nhau.
Sắp tới, tôi dự định khai thác thêm các các mô hình dịch vụ để hình thành một khu sinh thái, tăng cường hỗ trợ các bạn trẻ có nhu cầu phát triển” anh Đán chia sẻ.
Thành đoàn - Hội LHTN Việt Nam TP Đà Nẵng trao hỗ trợ mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ |
Tương tự, mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ “Khu vườn trải nghiệm” do thanh niên Ngô Văn Quốc Huy (SN 1995), một đoàn viên tích cực của Chi đoàn thanh niên thôn Tuý Loan Đông 2, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng làm chủ.
Năm 2018, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc ngành Kỹ thuật tự động hóa nhưng Huy không theo nghề mà tiếp tục niềm đam mê kinh doanh buôn bán từ khi đang còn là sinh viên.
Sau những thành công lẫn thất bại khi cùng với một số bạn học gom tiền mở quán ăn vặt, mở quán nhậu, shop bán quần áo từ thời sinh viên, sau đó Huy ra trường quyết tâm khởi nghiệp.
Mô hình kinh tế tập thể “Khu vườn trải nghiệm” do thanh niên Ngô Văn Quốc Huy làm chủ |
Các em nhỏ được trải nghiệm các nghề làm bánh tráng truyền thống Túy Loan của địa phương |
“Thời gian đầu (khoảng năm 2019 - 2020), ý tưởng khởi nghiệp được ra đời, trên diện tích đất 600m2 gồm một khu liên hợp kinh doanh cà phê, trồng cây và chăn nuôi (vườn - ao - chuồng), mình đã đầu tư hơn 500 triệu đồng từ tích cóp nhiều năm làm ăn với các bạn học thời sinh viên và gia đình hỗ trợ.
Tuy nhiên, vừa mới hoạt động chưa lâu thì dịch bệnh COVID-19 ập đến, mô hình phải đóng cửa. Sau khi hết dịch, mình mạnh dạn vay thêm tiền từ ngân hàng để quyết tâm xây dựng “Khu vườn trải nghiệm” thành hiện thực” Huy kể lại.
Tại mô hình này, du khách, đặc biệt là các em nhỏ sẽ được trải nghiệm các nghề làm bánh tráng truyền thống Túy Loan của địa phương; được tìm hiểu và trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch, thưởng thức các món ăn truyền thống với rau quả sạch được trồng tại vườn.
Bên cạnh đó, Huy phát triển mô hình trải nghiệm để làm quen các loài thú nuôi như thỏ, dê hay tham quan, tìm hiểu mô hình chăn nuôi tuần hoàn “Ruồi lính đen - (xử lý) rác thải - gà - cá”.
Với mô hình này Huy phấn khởi cho rằng nhiều du khách là các em nhỏ, nhất là trẻ em người nước ngoài rất thích. Trong khi đó, học sinh các trường trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên đến tham quan, dã ngoại và sinh hoạt, tìm hiểu tại đây.
Mô hình trải nghiệm làm quen các loài thú nuôi như thỏ, dê hay tham quan, tìm hiểu mô hình chăn nuôi tuần hoàn |
Truyền cảm hứng khởi nghiệp
Mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ “Sương Ban Mai Quilling” do Hồ Thị Láng (SN 1994) là mô hình truyền cảm hứng cho các thanh niên khuyết tật giàu nghị lực đã vượt lên nghịch cảnh để sống tốt và cống hiến cho cộng đồng.
Năm 2023, sản phẩm thiệp, tranh quiling của chị đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trao giải Nhất “Ý tưởng khởi nghiệp của năm”.
Chị Hồ Thị Láng (trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) được sinh ra khỏe mạnh nhưng đến giữa năm lớp 6 thì hai bả vai của Láng không cân bằng. Khi được thăm khám, gia đình mới biết Láng bị teo cơ, cong vẹo cột sống lưng và gù lưng. Chị hiện chỉ cao 1,2m và nặng 25kg, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như việc học hành.
Thanh niên khuyết tật Hồ Thị Láng vượt lên nghịch cảnh, khởi nghiệp với tranh giấy xoắn |
Mặc dù vậy, vươn lên từ nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, năm 2015, chị Láng vô tình đọc được thông tin tuyển sinh của chủ một cơ sở thiệp giấy xoắn, thấy thích thú và rồi chị Láng quyết tâm khăn gói ra Hà Nội học nghề.
Vừa học vừa làm suốt 3 năm, chị Láng trở về Đà Nẵng nung nấu ý định khởi nghiệp với nghề làm tranh, thiệp giấy xoắn. Với số vốn ít ỏi, chị mày mò làm sản phẩm rồi bán trên mạng xã hội Facebook.
Ban đầu, việc khởi nghiệp với tranh giấy xoắn không mấy thuận lợi, số lượng khách mua hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khi cả tháng, chị không nhận được đơn hàng nào, thu nhập cả tháng có lúc chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng, thấy nản chị Láng đã tính chuyện bỏ nghề.
Được sự động viên của lãnh đạo xã Hòa Phước, cán bộ Hội địa phương hỗ trợ đăng bài quảng cáo trên mạng, tìm đầu ra cho sản phẩm, chị Láng lại có động lực tiếp tục với con đường mình đã chọn, dần dần qua lời giới thiệu, nhiều người biết đến sản phẩm tranh, thiệp mang tên “Sương ban mai Quilling”.
Thành công khởi nghiệp từ tranh, thiệp giấy xoắn, chị Láng tham gia dạy nghề cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật ở các trung tâm hướng nghiệp |
Để hoàn thành một tấm thiệp mừng phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, với một bức tranh giấy xoắn thì phải mất đến 2 ngày mới xong. Tùy theo kích thước và yêu cầu của khách hàng mà sản phẩm làm ra sẽ khác nhau, dòng thiệp có giá từ 30.000 - 60.000 đồng/cái, tranh giấy xoắn có giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng/bức.
Khi kiếm được tiền từ tranh, thiệp giấy xoắn, thấu hiểu nỗi niềm của những người kém may mắn giống mình, chị Láng tham gia dạy nghề cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật ở các trung tâm hướng nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Thành đoàn - Hội LHTN Việt Nam TP Đà Nẵng trao hỗ trợ mô hình kinh tế cho chị Hồ Thị Láng |
Anh Lê Công Hùng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, với thanh niên khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn TP Đà Nẵng luôn đồng hành, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, con giống giúp thanh niên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ về đăng ký thương hiệu, quảng bá và sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên.
Thời gian tới, Thành đoàn Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ lồng ghép các chương trình, các buổi tư vấn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích thành lập trung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường học, câu lạc bộ khởi nghiệp, từ đó giúp các bạn trẻ có kiến thức, niềm đam mê, sự hỗ trợ để khởi nghiệp.
Đến nay, TP Đà Nẵng hỗ trợ 27 lượt doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 3,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 8 lượt doanh nghiệp, viện triển khai chương trình ươm tạo, tăng tốc. Bình quân mỗi vườn ươm đã thực hiện ươm tạo, tăng tốc cho 6 - 8 dự án/năm. Trong đó, gần 70% các dự án, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ.
(Còn nữa)