Bài 1: Người dân chưa thể "an cư" tại khu tái định cư
Kon Tum: Điện gió “nghìn tỷ” bị phạt 170 triệu đồng |
"Giữ tiền" hỗ trợ, chủ tịch xã luân chuyển làm chủ tịch xã khác |
Kon Tum: Thanh tra các trạm cân thu mua nông sản "nhiều không" |
Khu tái định cư nằm hoang hóa và xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có những khảo sát tại một số dự án khu tái định cư trên địa bàn huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Thực tế cho thấy, tại một số dự án tái định cư được đầu tư với số tiền lớn nhưng người dân chưa thể “an cư lạc nghiệp” do nhiều bất cập.
Dự án tái định cư bỏ hoang suốt 10 năm
Huyện Đăk Glei (nằm tại phía Bắc tỉnh Kon Tum) là địa phương có địa hình phức tạp, một bên là vực sâu, một bên là đồi núi cao, địa chất không kết dính cao nên thường xuyên chịu cảnh sạt lở.
Vào thời điểm năm 2009, tỉnh Kon Tum chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch sử, huyện Đăk Glei chịu tổn thất vô cùng nặng nề khi đất đai, hoa màu của người dân cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Khu tái định cư Măng Rao chỉ có duy nhất hộ A Nhông sinh sống (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trước tình hình cấp bách, UBND huyện Đăk Glei đã đầu tư xây dựng khu tái định cư thôn Măng Rao, thuộc xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei. Dự kiến, dự án sẽ bố trí cho 64 hộ dân thôn Đăk Đoát có nguy cơ sạt lở được ổn định cuộc sống.
Theo đó, dự án khu tái định cư Măng Rao được đầu tư 16 tỷ đồng và được xây dựng trên diện tích khoảng 2ha. Dự kiến, mỗi hộ dân sẽ được cấp 300m2 đất và hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời tài sản.
Để xây một căn nhà với diện tích 42m2 (gồm 1 phòng khách và 1 phòng ngủ) chi phí khoảng 28 triệu đồng, sau khi bàn bạc mỗi hộ thống nhất đóng góp thêm 8 triệu đồng.
Hầu hết các ngôi nhà bị lấy trộm khung sắt cửa chính, cửa sổ (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Năm 2012, dự án bắt đầu triển khai, đến năm 2013 thì hoàn thành với hạ tầng đồng bộ: Hệ thống điện thắp sáng, đường bê tông, nước sạch... được xây dựng, lắp đặt về tận khu tái định cư. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn về ở, do rẫy nương canh tác xa nên tất cả các hộ dân đã quay về làng cũ sinh sống.
Sau gần 10 năm bỏ hoang, khu tái định cư Măng Rao bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ mái tôn, xà gồ, cánh cửa chính, cửa sổ, xuyên hoa sắt của 64 căn nhà bị tháo bỏ, để lại khung tường xây trơ trọi, hoang tàn.
Tất cả mái tôn, xà gồ cũng bị người dân tháo trộm, chỉ còn những bức tượng nằm trơ trọi (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Người dân chưa thể “an cư”
Trên khu tái định cư 16 tỷ đồng, chỉ có duy nhất một hộ A Nhông sinh sống. Anh A Nhông (36 tuổi) trú tại khu tái định cư thôn Măng Rao, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, cho biết: “Ngày xưa gia đình sinh sống tại thôn Đăk Đoát, do ảnh hưởng của trận lũ năm 2009 nên đất đai bị lũ cuốn trôi hết. Gia đình không có đất ở và đất sản xuất nên quyết định về tại khu tái định cư này sinh sống”.
Một vài căn nhà bị sập đổ hoàn toàn do chất lượng không đảm bảo (Ảnh: Trần Nghĩa) |
A Nhông kể: “Thời điểm 2 vợ chồng cùng 2 đứa con dắt nhau về đây ở, ngôi nhà trống huơ trống hoác, nhà chỉ có mỗi tường. Tất cả tôn, xà gồ, cửa sắt...đã bị ai tháo hết. Rồi 2 vợ chồng phải vay mượn người thân để lợp tôn, xây thêm bếp, đóng lại gạch nền...”.
A Nhông, cho biết thêm: “Trước đây cũng có mấy hộ về đây ở, nhưng do nhà cách xa làng cũ nên việc đi lại sản xuất rất bất tiện.
Ở được vài ba tháng, các hộ đó lại dọn hết đồ đạc về làng cũ. Do không có người ở, các ngôi nhà đến nay xuống cấp nghiêm trọng”.
Căn nhà khang trang nhất khu tái định cư của hộ A Thun nhưng rồi cũng nằm "đắp chiếu" vì gia chủ đã "tháo chạy" từ lâu (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trong 60 căn nhà nằm trơ trọi thì có một căn nhà hết sức khang trang, A Nhông cho biết đây là căn nhà của hộ A Thun. Hồi đó, hộ ông A Thun cũng về đây ở, do căn nhà của Nhà nước hỗ trợ quá nhỏ và chật hẹp nên A Thun đã phải bỏ thêm hơn cả trăm triệu nữa để xây dựng lại.
A Thun cũng rơi vào cảnh trớ trêu như hàng chục hộ dân khác, nhà nằm cách xa đất sản xuất ở làng cũ nên khó khăn mỗi lần lên nương.
Vậy là, A Thun cùng các hộ dân khác trong làng “tháo chạy” về làng cũ. Bỏ lại ngôi nhà hoang hóa giữa khu tái định cư mà không hẹn ngày trở lại.
Dẫn chúng tôi thăm quan những ngôi nhà trong khu tái định cư, A Nhông trầm tư: “Về đây, chúng tôi không được cấp đất sản xuất nên không biết làm gì ăn.
Hằng ngày, để nuôi gia đình tôi phải đi làm thuê khắp nơi nhưng cũng không đủ ăn và học hành cho các cháu. Nếu có đất ở làng cũ, chắc gia đình tôi cũng sẽ về đó mà ở thôi”.
Có một vài căn nhà chỉ được xây lên nhưng lại không được tô vữa khiến cỏ mọc um tùm cao hơn cả căn nhà (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Pek, cho biết: “Trước đây, khi dự án tái định cư hoàn thành có 10 hộ dân tự nguyện di dời về đây sinh sống. Tuy nhiên, được một thời gian thì các hộ này lại quay về làng cũ. Hiện cả khu tái định cư chỉ còn 1 hộ duy nhất”.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đăk Pek, nguyên nhân khiến các hộ dân không về ở là do khu tái định cư xa đất sản xuất nên rất bất tiện mỗi lần lên nương, làm rẫy. Bên cạnh đó, người dân ở làng cũ họ theo tín ngưỡng tôn giáo nên khi về đây họ rất khó khăn mỗi khi sinh hoạt tôn giáo.
Việc các hộ dân không về ở dẫn tới nhà cửa bị xuống cấp, mái tôn, xà gồ, các vật dụng công trình bị lấy trộm, thiên tai, nên khi về đây các hộ dân không có kinh phí để sữa chữa. Chính vì vậy, các hộ dân vẫn chưa chịu về ở.
“Trước mắt chúng tôi cũng phối hợp với phòng ban chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân thôn Đăk Đoát về đây ở. Bên cạnh đó, một phần đất nằm trong dự án khu tái định cư Măng Rao sắp tới cũng sẽ bố trí cho các hộ dân tại xã Đăk Pek bị ảnh hưởng của thiên tai, không còn đất ở”, bà Y Kim Lý cho hay.
(Còn nữa)