Bài 106: Thỏa ước lao động – “Độc chiêu” ổn định nguồn nhân lực
![]() |
(TTTĐ) Tại Đà Nẵng, Hải Phòng, TP HCM, các doanh nghiệp (DN) cùng chung ngành nghề đã ngồi với nhau để tìm giải pháp “giữ chân” người lao động và chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao. “Bản thỏa ước lao động tập thể nhóm” ra đời và được coi là giải pháp “độc” nhằm tạo ra những thay đổi để cả người lao động và doanh nghiệp đều có lợi.
>> Phát triển nguồn nhân lực trẻ - Nhiệm vụ chính trị cấp thiết:
Bài 100: Thu hút và giữ chân nhân tài thời hội nhập
Bài 101: Đào tạo cán bộ quản lý trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bài 102: Quản trị nhân lực - “Chìa khóa” của thành công
Bài 103: Bài học đào tạo nhân lực cao cấp từ các “ông lớn” ngành công nghệ thông tin
Bài 104: Đi tắt đón đầu “gỡ nút” thắt nhân lực cho ngành chăn nuôi
Bài 105: Yếu tố then chốt “giữ chân” người lao động
Bài 106: Môi trường làm việc giữ vai trò nòng cốt
Bản thỏa ước lao động đầu tiên tại Việt Nam
Với mong muốn mang lại những chính sách đãi ngộ chung tốt hơn cho người lao động, 4 doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng (gồm: Công ty CP du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP khách sạn Sài Gòn Tourane, Công ty TNHH du lịch - thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP du lịch Phương Đông Việt) đã ngồi lại với đại diện của gần 1.000 người lao động (NLĐ), trong đó 65% là lao động nữ, để cùng cam kết thực hiện những chính sách chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Sau hai năm thương thảo, đầu năm 2016, bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp hoàn thiện đầu tiên tại Việt Nam đã ra đời.
Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng - Trưởng nhóm thương lượng, cho biết: “Trong số 24 điều khoản được ký kết của thỏa ước nhóm này thì có 12 nội dung NLĐ được lợi hơn so với quy định của pháp luật.
![]() |
Nhân viên Công ty CP du lịch Việt Nam Vitours, một trong số những doanh nghiệp đã ký thỏa ước lao động tập thể nhóm
Cụ thể, điều chỉnh mức lương thấp nhất trả cho NLĐ là 3.426.000 đồng/người/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm ít nhất 3,3%); tăng phụ cấp ăn ca từ 14.000 đồng/bữa lên 20.000 đồng; chế độ lễ tết thực hiện công khai với mức thấp nhất từ 500.000 - 2 triệu đồng...”.
Cuối tháng 6/2016, năm DN điện tử Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) với gần 2.500 NLĐ cũng đã thương lượng, ký kết thành công bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Theo bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, quá trình xác lập thỏa ước rất nhiêu khê, trải qua hàng chục lượt gặp gỡ công nhân, doanh nghiệp với ba phiên thương lượng. Nhiều điều khoản về thời giờ làm việc, lương khởi điểm, phụ cấp đã nâng lên.
“Công nhân có thêm một ngày nghỉ hè, 10 phút nghỉ ngắn giữa ca, tiền lương ngừng việc theo quy định luật là 85% tăng lên 90%, tiền lương khởi điểm thấp nhất 3.745.000 đồng (cao hơn 345.000 đồng so với lương tối thiểu). Các khoản như tiền thưởng ngày 8-3, Tết Trung thu hay phụ cấp xăng xe 450.000 đồng/tháng cũng đã được bổ sung khi trước đó doanh nghiệp chưa có hoặc phụ cấp xăng xe chỉ khoảng 200.000 - 250.000 đồng. Tuy nhiên, những gì trong thỏa ước chung chỉ là mức sàn, công ty nào đang thực hiện mức cao hơn thì phải tiếp tục duy trì” - bà Hằng nói.
Anh Trần Hữu Lộc (Công ty CP du lịch Phương Đông Việt) cho rằng, bản thỏa ước mới ngoài việc tăng tiền lương ra, chính sách tăng lương hai năm một bậc (so với ba năm trước đây) khiến người lao động phấn chấn hơn. Đây chính là động lực, để họ cống hiến cho doanh nghiệp.
Thực tế, lâu nay với nhiều doanh nghiệp khối tư nhân, hầu hết NLĐ chỉ hưởng mức sàn, chỉ vài vị trí được hưởng mức trần. Thỏa ước nâng mức sàn lên, nhiều người sẽ được tăng thu nhập. “Với bản thỏa ước lao động tập thể chúng tôi thấy được chia sẻ, được đánh giá công sức lao động hợp lý hơn, cũng như tạo được sự đồng thuận của nhiều bộ phận khác nhau. Nếu doanh nghiệp nào cũng có bản thỏa ước này thì công nhân chúng tôi sẽ yên tâm làm việc một nơi mà không nhấp nhổm nhảy việc” – anh Lộc chia sẻ.
Công bằng mà nói, với người lao động làm công ăn lương, tăng vài phần trăm lương hoặc chính sách thưởng lễ tết, thưởng đột xuất kèm theo là sự khích lệ lớn để tạo thêm sự gắn bó với công ty.
Đãi ngộ tốt từ bây giờ là cần thiết
Chính sách tốt hơn đồng nghĩa chi phí đầu vào sẽ tăng, chỉ riêng tiền chi cho việc điều chỉnh tăng lương theo cam kết trong thỏa ước, mỗi tháng bốn doanh nghiệp trên tốn thêm khoảng 1,4 tỉ đồng cho NLĐ. Bản thân doanh nghiệp khi làm ăn không ai muốn bỏ thêm tiền ở “đầu ra” nhưng đối với những ngành, nghề phụ thuộc quá nhiều vào NLĐ thì việc thỏa ước để giữ chân người lao động cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ là cần thiết.
“Bản thỏa ước này được chúng tôi xem như thông điệp với NLĐ rằng công ty có sự quan tâm đến họ hơn khi còn là doanh nghiệp Nhà nước” – ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP du lịch Việt Nam Vitours cho biết.
Xem ra những gì ông Tùng chia sẻ hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế vì “đầu não” của một doanh nghiệp là nhân lực. Trong khi đó, thị trường du lịch phát triển nhanh, tình trạng nhân lực có trình độ, kinh nghiệm lại thường xuyên nhảy việc. “Với gần 500 nhân viên công ty cũng bị áp lực ghê gớm nên việc hành động, đãi ngộ tốt từ bây giờ là cần thiết” - ông Tùng nói.
Mặc dù mới triển khai được hơn nửa năm nhưng bản thỏa ước lao động nhóm doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực, đến với doanh nghiệp. Ông Tùng cho biết, nếu như trong hai năm 2014 và 2015, công ty đều có những biến động trong nhân sự thì đầu năm 2016 đã hạn chế đáng kể.
Tất nhiên bản thỏa ước chỉ là một trong số các giải pháp, những con số như doanh thu sáu tháng đầu năm tăng hơn 30% hay con số biến động nhân sự ở một vài phần trăm chính là sự ổn định mà mọi doanh nghiệp cần có. Theo ông Trần Văn Ninh - phó giám đốc Công ty CP du lịch Phương Đông Việt, việc tham gia thỏa ước, thực hiện những cam kết có lợi hơn cho NLĐ là “chất xúc tác” khích lệ tinh thần, thái độ làm việc của NLĐ. Qua đó, các doanh nghiệp dễ chọn ra những người có năng lực để cân nhắc vào những vị trí quan trọng.
Thỏa ước lao động tập thể nhóm DN thuộc dự án Quan hệ lao động giai đoạn 2 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành. Dự án triển khai tại năm địa phương, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay đã hoàn thành thương lượng tập thể nhóm và ký kết ba bản thỏa ước lao động tập thể nhóm gồm thỏa ước nhóm ngành du lịch của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, thỏa ước nhóm ngành may mặc của Liên đoàn Lao động Q.12 (TP HCM) và thỏa ước nhóm ngành điện tử của công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng.
|
(còn nữa)
Cao Hòa
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Làng chài miền Tây giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bài 5: Điểm tựa tâm linh trên đảo tiền tiêu

Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

Hương Tết "làng" chổi đót

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại
