Tag
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc

Bài 2: Nỗ lực từ sự đồng thuận, đồng lòng của Nhân dân

Nông thôn mới 06/09/2023 17:00
aa
TTTĐ - Khi có chủ trương đúng, người dân đồng lòng, cán bộ quyết tâm thì sẽ có kết quả cao. Chính quan điểm nhất quán này đã giúp Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc tích cực trong triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương thuận lợi nhất.
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc - Bài 1: Những mô hình độc đáo, sáng tạo

Công trình ý Đảng lòng dân

Với mục tiêu vừa nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, vừa chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, việc thực hiện Nghị quyết về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của HĐND tỉnh đã và đang được các cấp, ngành, địa phương cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, cách làm phù hợp. Tất cả nhằm tạo sự đột phá về chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước đưa mỗi miền quê Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030

Nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực; Là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi từ chính thành quả phát triển, đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã đặt mục tiêu đến hết năm 2030, toàn tỉnh có tối thiểu 60 làng đạt các tiêu chí.

Trước mắt, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản như: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; Môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã dự kiến nguồn kinh phí thực hiện chương trình là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 2.475 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện, xã và nguồn xã hội hóa 135 tỷ đồng. Đặc biệt, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 với 16 chính sách hỗ trợ đặc thù cụ thể bao trùm các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh…

Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định về chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết 06, một trong những cách làm riêng có của tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là việc phát huy cao nhất vai trò của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu, nhất là tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”; không áp đặt, chủ quan duy ý chí. Đặc biệt, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được giao phụ trách theo dõi, thực hiện chính sách, tiêu chí, mô hình theo các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đều chủ động ban hành các kế hoạch, hướng dẫn gửi các huyện, thành phố triển khai thực hiện, bảo đảm theo quy định.

Điển hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng rà soát các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, để ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung thực hiện mô hình phát triển sản xuất đặc trưng tại các Làng văn hóa kiểu mẫu theo chính sách hiện có; khảo sát, giúp địa phương xây dựng 16 đề án tổng thể tại 16 Làng văn hóa kiểu mẫu được phân công phụ trách tiêu chí.

Đồng thời, phối hợp với các huyện, thành phố khảo sát, đề suất hơn 90 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp như: Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; Chuỗi sản xuất chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm; Chăn nuôi bò sữa theo VietGAP và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi; Cải tạo đàn bò sinh sản theo hướng nâng cao giá trị; Nuôi cá thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Theo đó, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới cũng tập trung khảo sát, hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ mô hình trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu, trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh tại các Làng văn hóa kiểu mẫu và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến 14 tiêu chí và 16 chính sách hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ trong triển khai thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai với các mục tiêu cụ thể như: 100% cơ sở hội tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu; Vận động, tuyên truyền 100% hộ gia đình có hội viên, phụ nữ đồng thuận chủ trương và tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, hoạt động xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của chi bộ và thôn, gắn với triển khai cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, Gia đình 5 có, 3 sạch.

Cùng với đó, 100% Hội Phụ nữ các cấp đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia xây dựng, sửa chữa nhà mái ấm tình thương cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tại mỗi Làng văn hóa kiểu mẫu thành lập mới, duy trì hoạt động ít nhất 2 mô hình thể thao, văn nghệ phù hợp để hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia.

Được giao nhiệm vụ phụ trách các tiêu chí về thông tin và truyền thông trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Sở Thông tin và Truyền thông đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các tiêu chí; ban hành Quyết định thành lập Tổ giúp việc triển khai thực hiện Tiêu chí hạ tầng thông tin và truyền thông.

Đồng thời, đơn vị có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đầu tư mới, nâng cấp và chuyển đổi hệ thống loa truyền thanh ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin; Hỗ trợ lắp đặt, duy trì mạng wifi công cộng tại nhà văn hóa thôn và hỗ trợ triển khai nền tảng địa chỉ số gắn với Bản đồ số quốc gia trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh dành diện tích đăng tải, thời lượng, tần suất phát sóng phù hợp đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ trương xây dựng và triển khai mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu; Nội dung, tiến độ triển khai thực hiện, những cách làm hay…

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, mạng xã hội Zalo, Facebook, tuyên truyền trực quan, lưu động… nhằm tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp Nhân dân; Qua đó, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia triển khai xây dựng hiệu quả mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu.

Quyết liệt triển khai…

Huyện Vĩnh Tường được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn xây dựng 4 Làng văn hóa kiểu mẫu (nhiều nhất tỉnh, gồm: Thôn Đông xã phú Đa, thôn Duy Bình xã Vĩnh Ninh, thôn Hệ xã Vĩnh Thịnh và thôn Bàn Mạch xã Lý Nhân).

Thực hiện đề án xây dựng và triển khai mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Vĩnh Tường đã tập trung thu hút khách du lịch tới các Làng văn hóa kiểu mẫu này.

ÔngLê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường nghe báo cáo tiến độ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Ông Lê Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường nghe báo cáo tiến độ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Ông Lê Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu cấp ủy, chính quyền 4 xã thực hiện thí điểm, 4 thôn của 4 xã cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nắm rõ nguyên tắc, chính sách đặc trù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030.

Huyện tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt đề án xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo theo đúng quy định, tiến độ, hiệu quả để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho người dân.

Bên cạnh đó, UBND huyện Vĩnh Tường đề xuất các cơ chế, chính sách, mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tình hình, thực trạng từng địa phương và cách thức hỗ trợ người dân tại các thôn. Đối với thôn Đông xã Phú Đa dự kiến thực hiện mô hình lúa hữu cơ 20ha, du lịch sinh thái tâm linh, thâm canh cây sen và chế biến các sản phẩm từ sen…

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường kiểm tra mô hình trình diễn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Đông (xã Phú Đa)
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường kiểm tra mô hình trình diễn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Đông (xã Phú Đa)

Ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho biết: Hiện địa phương đang xây dựng để án cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các trên những lợi thế sẵn có của địa phương để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương cụ thể như các giá trị văn hóa ẩn chứa trong phong tục tập quán, lễ hội, trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Làng nghề rèn truyền thống tại xã Lý Nhân ngày càng khẳng định thương hiệu
Làng nghề rèn truyền thống tại xã Lý Nhân ngày càng khẳng định thương hiệu

Chính quyền, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, các cơ chế, chính sách, công bố công khai quy hoạch xây dựng, lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, địa điểm xây dựng các công trình trong đề án... Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao...

Bí thư Chi bộ thôn Bàn Mạch Lữ Thị Minh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ Đảng tuyên truyền vân động gia đình mình; Sau đó mở rộng ra toàn dân thực hiện và có trách nhiệm theo dõi giám sát, vận động khu dân cư thực hiện các nội dung chỉ đạo của ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu như tổ chức vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng ngõ xóm, tuyên truyền vận động các hộ sản xuất có xả khí, bụi làm ảnh hưởng môi trường có các biện pháp khác phục…; Tổ chức trồng hoa, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp…

PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao đổi với Chủ tịch UBND xã Lý Nhân trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
PV báo Tuổi trẻ Thủ đô trao đổi với Chủ tịch UBND xã Lý Nhân trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Trên quan điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu lấy người dân, cộng đồng dân cư làm chủ thể theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, Nhân dân làng Bàn Mạch rất phấn khởi, đồng thuận thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Làng Bàn Mạch được lựa chọn xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu có chùa Long Khánh đang lưu giữ chuông cổ từ năm 1814, bia đá năm 1924 nói về lịch sử chùa Long Khánh và cây gạo cổ thụ 5 người ôm bên cạnh hồ sen hơn 4ha; Đình Bàn Mạch với 2 lễ hội chính là cướp cây bông câu và đánh trống thỉnh diễn toorc húc vào 18 tháng Giêng và 18 tháng 10 âm lịch hàng năm; Nhà thờ tổ nghề rèn Lý Nhân. Ngoài ra, nơi đây có làng rèn Lý Nhân hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch (thuộc xã Lý Nhân).

Từ xa xưa, nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm dao thép hiếm có vùng nào sánh kịp. Ngay cả những người dân trong làng cũng không ai biết rõ nghề rèn bắt đầu từ bao giờ, nhưng suốt hàng trăm năm qua nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, âm thầm, bền bỉ phát triển mà không hề bị mai một.

Các sản phẩm của làng rèn Lý Nhân được được khách hàng trong nước và nước ngoài (Đức, Nhật, Anh) đánh giá cao và đem lại lợi thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, ở địa phương này mỗi tháng đón từ 30 đến 40 du khách là người Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc làng rèn Bàn Mạch xem người dân rèn dao, kéo và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp; Xây dựng làng văn hóa Bàn Mạch là bước tiền đề để địa phương phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới.

Có thể nói, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ý Đảng - lòng dân đồng thuận, làng Bàn Mạch, xã Lý Nhân sẽ sớm hoàn thành việc xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu và xã nông thôn mới nâng cao.

Tại huyện Yên Lạc, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc Nguyễn Khắc Hiếu, xác định xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, cần thiết và thực sự có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay; Thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với sự nghiệp văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, huyện Yên Lạc đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo 3 xã Tam Hồng, Đồng Cương, Liên Châu cùng các ban, ngành liên quan thực hiện các quy tình, thủ tục để thực hiện dự án.

Huyện Yên Lạc xác định xây dựng Làng văn hóa với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”.

Lãnh đạo huyện Yên Lạc kiểm tra tiến độ xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu trên địa bàn huyện
Lãnh đạo huyện Yên Lạc kiểm tra tiến độ xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu tại địa phương

Trong đó, huyện tích cực hướng dẫn các xã Đồng Cương, Tam Hồng và Liên Châu quy trình triển khai công tác bàn giao mặt bằng và triển khai một số dự án thành phần trong quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu để đảm bảo khởi công vào cuối tháng 3/2023, dự kiến cuối tháng 8 khánh thành khu thiết chế văn hóa tại xã Liên Châu.

Bí thư Đảng ủy xã Liên Châu Vũ Xuân Chiếm cho biết: Quan điểm xây dựng LVHKM phải lấy người dân, cộng đồng dân cư làm chủ thể theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, Nhà nước và cán bộ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện. UBND xã Liên Châu đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các thôn dân cư miền Thụ Ích làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu .

Cơ sở vật chất làng văn hóa Nhật Chiêu được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục - thể thao của nhân dân.
Cơ sở vật chất làng văn hóa Nhật Chiêu được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục - thể thao của Nhân dân

Tại làng Thụ Ích, các thôn Thụ Ích triển khai họp dân tuyên truyền kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình LVHKM; Vận động Nhân dân bàn giao mặt bằng để thực hiện xây dựng LVHKM; Lắng nghe ý kiến Nhân dân về việc đề xuất các mô hình phát triển kinh tế, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua các cuộc họp, hội nghị, trên hệ thống truyền thanh của xã, của làng văn hóa Thụ Ích và thông qua cuốn cẩm nang Làng văn hoá kiểu mẫu.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chủ trương xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu, làng Thụ Ích nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Nhân dân làng Thụ Ích đã tự nguyện đóng góp 107 triệu đồng để mua 48 cây xanh phân tán trồng tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao làng. Đến nay, xã đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng thêm 4.300m2 diện tích trung tâm theo quy hoạch.

Ông Vũ Văn Tân, trưởng làng văn hóa Nhật Chiêu cho biết: "Nhân dân địa phương rất tự hào, phấn khởi khi được chọn làm điểm xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Đây là động lực để người dân không ngừng nỗ lực thực hiện tốt các hương ước và chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, thời gian qua, Nhân dân làng văn hóa Nhật Chiêu luôn có ý thức bảo vệ các công trình công cộng; Tích cực đóng góp kinh phí sửa chữa, cải tạo nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã.

Riêng năm 2021, làng văn hóa Nhật Chiêu đã khởi công công trình "Công viên cây xanh" trị giá gần 1 tỷ đồng, cải tạo nghĩa trang Nhân dân gần 300 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân địa phương đóng góp".

Huyện Bình Xuyên với quan điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là phải tạo nên những vùng quê đáng sống cả về vật chất, tinh thần. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trung, Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên cho hay, năm 2023, huyện thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở 3 thôn, tổ dân phố, gồm: Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia khánh; Tổ dân phố Vườn Sim, thị trấn Hương Canh và thôn Chợ Nội, xã Tam Hợp.

Xác định việc được lựa chọn xây dựng mô hình này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nên ngay khi được lựa chọn, UBND các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công bố công khai quy hoạch xây dựng, lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, địa điểm xây dựng nhà văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao...

Huyện Bình Xuyên với quan điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là phải tạo nên những vùng quê đáng sống cả về vật chất, tinh thần:
Ông Nguyễn Minh Trung, Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên với quan điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là phải tạo nên những vùng quê đáng sống cả về vật chất, tinh thần

Những ngày đầu tháng 2, nhà văn hóa thôn Chợ Nội, xã Tam Hợp luôn có đông người dân đến luyện tập thể dục thể thao. Câu chuyện được người dân nhắc đến nhiều nhất với sự phấn khởi là trong quý I này, nhà văn hóa Chợ Nội sẽ được khởi công xây mới với quy mô rộng hơn, đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Thực, trưởng thôn Chợ Nội cho biết, việc triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở đây có nhiều thuận lợi, bởi nhiều năm qua, Chợ Nội luôn là điểm sáng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Toàn thôn có trên 300 hộ, 2.000 nhân khẩu với khoảng 80% hộ gia đình là cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện. Do đó, người dân nắm rất rõ chủ trương, chính sách, lợi ích của việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu và sẵn sàng đóng góp một phần kinh phí xây dựng.

“Vị trí mở rộng nhà văn hóa, khu thể thao cũng rất đẹp và thuận lợi, nằm chủ yếu trên đất nông nghiệp, gần chùa Phổ Quang, miếu Tam Thánh, trường học, chợ Nội. Đặc biệt, trong khuôn viên có 4 ngôi mộ lâu năm phải di chuyển nhưng chủ hộ rất đồng tình với chủ trương mở rộng nhà văn hóa, tự nguyện chuyển mộ trong thời gian sớm để khởi công xây dựng công trình đúng tiến độ”, ông Thực nói.

Công trình nhà văn hóa Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình xuyên
Công trình nhà văn hóa Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình xuyên

Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh là một trong những địa phương được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Bình Xuyên. Ngay từ khi bắt đầu, thị trấn Gia Khánh đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; Khảo sát, quy hoạch, xây dựng chương trình hành động, đề án và kế hoạch triển khai đề án.

Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu về chủ trương, ý nghĩa, lợi ích nên đều tích cực ủng hộ, tạo điều kiện để việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu được triển khai thuận lợi nhất.

Ông Lê Xuân Hữu, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Tam Quang chia sẻ: Việc triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn có nhiều thuận lợi bởi đa số các hộ gia đình đều là cán bộ, công nhân của Nông trường Tam Đảo cũ nên nhanh chóng nắm rõ chủ trương, chính sách, lợi ích của việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

100% hộ gia đình đều đồng tình, chấp thuận các phương án bồi thường, nhường đất và sẵn sàng góp công, góp của để xây dựng các công trình, hạng mục nhất là khu thiết chế nhà văn hóa thể thao.

Đến nay, thiết chế nhà văn hóa Tổ dân phố Tam Quang cơ bản đã hoàn thành xong hơn 90% các hạng mục, dự kiến, trước ngày 2/9, sẽ khánh thành nhà văn hóa kiểu mẫu. Song song với đó, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển Làng văn hóa kiểu mẫu theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, Tổ dân phố Tam Quang có 8 hộ đăng ký chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại, vườn sản xuất; 14 hộ đăng ký vay vốn để sản xuất kinh doanh qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Thành phố Phúc Yên Lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”: Thực hiện đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thành phố Phúc Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để đề án được triển khai đúng tiến độ, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.

Năm 2023, thành phố Phúc Yên được tỉnh Vĩnh Phúc chọn xây dựng thí điểm 3 làng văn hóa kiểu mẫu gồm: Thôn Lập Đinh - xã Ngọc Thanh, thôn Cao Quang - xã Cao Minh và tổ dân phố Kim Xuyên - phường Tiền Châu.

Thành phố Phúc Yên Lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”:
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên Lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành Phố Phúc Yên cho biết, chính quyền các cấp thực hiện trên quan điểm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của Nhân dân về xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” nhằm tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Đồng thời, chính quyền cũng nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong duy trì, bảo vệ, tôn tạo làng văn hóa, đảm bảo vừa phát huy hiệu quả các công trình vừa phát huy bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của làng, thực hiện tốt các hương ước, quy ước…; Vận động cá nhân, doanh nghiệp tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất, hiến công, tích cực tham gia công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện tốt các quy định, quyết định của Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Qua đó, thành phố cũng vận động đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia bàn bạc, đăng ký các mô hình phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện tốt các quy định, quyết định của Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn.

Thành phố Phúc Yên cũng đề nghị Đảng ủy các xã, phường chỉ đạo các tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của đề án nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ; Sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân.

Tiến độ công trình Làng văn hóa kiểu mẫu xã Ngọc Thanh
Tiến độ công trình Làng văn hóa kiểu mẫu xã Ngọc Thanh

Ông Hoàng Quý Cường - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: Việc triển khai thí điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Lập Đinh không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, mà còn tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngay sau khi có chủ trương xây dựng mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Thanh đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai đề án; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Xã Ngọc Thanh thống nhất chọn thôn Lập Đinh để xây dựng mô hình đề án làng văn hóa kiểu mẫu. Thôn này sẽ hình thành cơ sở vật chất văn hóa di tích với tổng diện tích đất là hơn 5.000m2, trong đó có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là đình Lập Đinh.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa của đề án, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp nắm bắt tình hình, thông tin đến chi bộ, Ban công tác mặt trận và Nhân dân về chủ trương xây dựng xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, triển khai giải pháp thực hiện mô hình, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong làng..

Người dân thôn Lập Đinh đều phấn khởi, ủng hộ, tình nguyện bàn giao mặt bằng và sẵn sàng chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu. Trường hợp của hộ ông Linh Văn Chín có đất liền kề đã đổi và bàn giao hơn 300m2 đất trồng cây hàng năm để xây dựng công trình và nhiều trường hợp khác đã sẵn sàng hiến một phần để thực hiện dự án. Dự kiến, tháng 6/2023 sẽ khởi công xây dựng dựng khu văn hóa - thể thao.

Địa phương đề nghị cấp trên hỗ trợ cho thôn Lập Đinh 2 mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu và Mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng tại địa phương (homestay) để nâng cao thu nhập, đời sống theo hướng bền vững.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Hà Nội công nhận danh hiệu 3 làng nghề và làng nghề truyền thống Nông thôn mới

Hà Nội công nhận danh hiệu 3 làng nghề và làng nghề truyền thống

TTTĐ - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5596/QĐ-UBND về việc công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.
Du lịch nông nghiệp - cơ hội mới cho nông dân Thủ đô Nông thôn mới

Du lịch nông nghiệp - cơ hội mới cho nông dân Thủ đô

TTTĐ - Vài năm gần đây, việc xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thu hút sự tham gia tích cực của người dân được xem là điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Trong sự phát triển đi lên đó, người nông dân có thêm đường mới để làm giàu trên đồng ruộng của mình.
Kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại Nông thôn mới

Kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

TTTĐ - Thời gian qua, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã làm tốt vai trò hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến nông dân, khẳng định vai trò là cầu nối giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Thường xuyên trao đổi hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân Nông thôn mới

Thường xuyên trao đổi hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân

TTTĐ - Sáng 28/10, tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh Kon Tum, tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Kon Tum, đoàn công tác Hội Nông dân thành phố Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024.
Phát triển, nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả Nông thôn mới

Phát triển, nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

TTTĐ - Để giúp người nông dân Thủ đô từng bước tiếp cận nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông cho hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tăng cường kết nối, quảng bá nông sản giữa Hà Nội và Kon Tum Nông thôn mới

Tăng cường kết nối, quảng bá nông sản giữa Hà Nội và Kon Tum

TTTĐ - Từ ngày 26 - 29/10/2024, Đoàn công tác Hội Nông dân thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Nguyên Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố làm trưởng đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Kon Tum.
Hà Nội xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông Nông thôn mới

Hà Nội xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông

TTTĐ - Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như tăng thu nhập cho nông dân.
Khuyến nông Thủ đô cùng nông dân vượt khó, khôi phục sản xuất Nông thôn mới

Khuyến nông Thủ đô cùng nông dân vượt khó, khôi phục sản xuất

TTTĐ - Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ, ngập lụt kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội bị thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống khuyến nông Thủ đô, bà con nông dân tại các địa phương đã nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tăng cơ hội kết nối giữa chủ thể OCOP và doanh nghiệp nước ngoài Nông thôn mới

Tăng cơ hội kết nối giữa chủ thể OCOP và doanh nghiệp nước ngoài

TTTĐ - Chiều 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức buổi giới thiệu thông tin “Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu”.
Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ Nông thôn mới

Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ

TTTĐ - Thông qua hoạt động triển lãm quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề, sẽ góp phần tạo ra môi trường liên kết giữa nghệ nhân, thợ giỏi với đội ngũ thiết kế trẻ phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Xem thêm