Bài 3: Để xích lô tiếp tục là hình ảnh đẹp của Thủ đô...
Văn hóa giao thông là không... vô ý thức TTTĐ - Hàng ngày ở Hà Nội chúng ta có thể bắt gặp vô vàn những thói xấu của những người lưu thông trên đường. ... |
Bài 2: Hàng hóa chất cao, ý thức xuống thấp TTTĐ - Hàng ngày vào bất cứ giờ nào, ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, vượt ... |
Đặc trưng của Hà Nội một thời
Xích lô gắn liền với nhiều đô thị của Việt Nam như Sài Gòn xưa, Hội An và đặc biệt là Hà Nội. Trải qua nhiều thay đổi với nhiều hình thức, mục đích sử dụng khác nhau, xích lô giờ được cấp phép hoạt động chủ yếu để phục vụ khách du lịch hay các hoạt động khác như lễ ăn hỏi, khai trương, lễ hội...
Nhìn những chiếc xích lô trên phố, người ta nhớ nhiều về một thời Hà Nội còn ít tiếng còi xe. Trong kí ức của những người đứng tuổi, Hà Nội những năm 80 của thế kỉ trước, nhịp sống nhẹ nhàng, đường phố vắng vẻ chứ không ồn ào, tấp nập như bây giờ.
Buổi trưa tĩnh lặng khi những con phố cổ chìm vào giấc mơ trưa, đâu đó thỉnh thoảng nghe văng vẳng tiếng leng keng của xích lô như chút khuấy động không khí. Đường phố ngày đó thưa người, xe cộ ít, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên xích lô là lựa chọn số 1 để di chuyển.
Xích lô trong kí ức nhiều người Hà Nội những năm chưa xa |
Họ còn kể lại cho thế hệ sau nghe về câu chuyện đám con trẻ cứ được bố mẹ hứa cho đi xích lô và sướng rơn, mừng chẳng khác gì được thưởng cái kẹo bông, hay chiếc kẹo kéo. Có khi vẫn chỉ cung đường đó, thường thì là từ nhà nội về thăm ông bà ngoại nhưng lần nào cũng thấy mới mẻ và hấp dẫn.
Cũng vì những năm đó đường phố còn vắng, chưa nhiều tòa nhà cao tầng như bây giờ nên ngồi xích lô có thể ngắm hết vẻ đẹp của những mái nhà cổ, những con phố nhỏ. Chưa có những chiếc xe máy, ô tô phả ra hơi xăng và khói bụi, không khí thật trong lành thật dễ chịu.
Các bà, các cô thời đó thỉnh thoảng đi lễ chùa hay nhà thờ, xúng xính áo dài đủ màu sắc ngồi trên xe xích lô kéo theo bao ánh mắt và nụ cười của những người đi đường. Rồi những đám rước dâu, ăn hỏi, từng đoàn xe dài chở cô dâu, chú rể và các ông già bà cả mặc áo dài khiến bao người đi qua ngoái lại nhìn. Cũng bởi quá đẹp nên hình ảnh đó đã chở thành một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.
Những năm gần đây, đất nước phát triển, Hà Nội ngày càng đông người, phố phường trở nên quá tải với các phương tiện giao thông hiện đại hơn, xe xích lô không còn là thứ chuyên chở phù hợp như trước nữa.
Bên cạnh đó, trước những đòi hỏi về an toàn giao thông, xích lô không còn phù hợp để lưu thông trên đường phố. Đặc biệt, sau một thời gian chuyển tiếp và sự quyết liệt của chính quyền các cấp tại Hà Nội, tư duy và thói quen cũ dùng xích lô làm phương tiện vận chuyển các vật liệu xây dựng, hàng hóa cồng kềnh cũng được thay thế dần.
Đến nay, nếu ghé thăm phố cổ Hà Nội, bạn vẫn có thể bắt gặp hình ảnh xích lô thong dong trên các con phố. Trong các chương trình du lịch thành phố luôn có phần đi xích lô ngắm phố cổ để giữ lại một phần kí ức Hà Nội xưa. Khách du lịch trong nước và quốc tế cũng rất thích đi dạo phố Hà Nội bằng xích lô.
Những vòng quay bánh xe chầm chậm, tiếng chuông leng keng, những con phố của Hà Nội trôi nhè nhẹ qua trước mắt. Đó là cảm giác như ta đang chậm lại trong sự hối hả, tấp nập đang diễn ra xung quanh.
Trong khi đó, những đám rước dâu hay ăn hỏi lại như tái hiện nét đẹp chưa xa của Hà Nội một thời. Nhìn vào đoàn dài xích lô chở các lễ vật truyền thống như bánh xu xê, bánh cốm, mứt sen, các mâm lễ được trang trí rồng phượng đẹp mắt, vẻ hân hoan, rạng ngời hạnh phúc của hai họ, ta cũng bất giác chia vui với đôi trẻ.
Còn vào những dịp lễ hội, từng chiếc xích lô chở những cô gái mặc áo dài hay chở những thúng hoa, các sản phẩm truyền thống của Hà Nội cũng khiến du khách và cả người Hà Nội đều thêm một lần cảm nhận vẻ đẹp rất đặc trưng của mảnh đất này.
Ý thức cao hơn để duy trì hình ảnh đẹp
Trước những yêu cầu của hiện đại hóa giao thông thành phố, năm 2009 Hà Nội cấm xích lô nhưng không phải cấm hoàn toàn mà thu mua lại toàn bộ phương tiện này và cấp phép cho 4 doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ. Theo đó xích lô được đánh số và quản lý rất nghiêm ngặt và chủ yếu phục vụ khách du lịch. Kèm theo lệnh cấm xích lô lưu hành tự do, thành phố cũng quy định những cung đường xích lô được phép tham gia giao thông.
Rất nhiều người làm nghề đạp xích lô chở hàng hóa, vật liệu xây dựng đã tìm các phương tiện khác để mưu sinh. Xích lô chở hàng cồng kềnh, vắng bóng dần trên đường phố, không còn là nỗi ám ảnh cho những người sử dụng các phương tiện khác nữa.
Ông Nguyễn Đình Thưởng (quê ở Nam Định) cho biết: “Tôi làm nghề này đến này cũng được 3, 4 năm rồi, mỗi ngày được tầm 2, 3 chuyến, chạy quanh Hồ Gươm và phố cổ. Chủ yếu khách hàng là người nước ngoài muốn tham gia trải nghiệm và khám phá”.
Dù vậy, vẫn có những trường hợp "cố thủ" với "nghiệp" đạp xích lô. Theo ngành chức năng, Hoàn Kiếm hiện chỉ có 78 phương tiện xích lô du lịch đủ điều kiện lưu hành trên địa bàn phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm tuy nhiên thực tế có khoảng 200 - 300 xe xích lô hoạt động.
Những người không được cấp phép đạp xích lô cũng với mục đích chở khách du lịch. Điều này dẫn đến khá nhiều hệ lụy. Đầu tiên là sẽ ảnh hưởng đến giao thông khi những người điều khiển phương tiện này không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, hoạt động không đúng tuyến, dừng, đỗ đón trả khách sai quy định tập trung chủ yếu trên các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Thứ hai, làm trong ngành du lịch Thủ đô nhưng không được tập huấn, đào tạo các kĩ năng và thông tin cơ bản, sẽ dẫn đến những hành động, lời nói có thể không chuẩn mực, ảnh hưởng đến hình ảnh Hà Nội.
Đặc biệt, tình trạng xích lô dù "chặt chém" du khách càng không thể chấp nhận được khi diễn ra tại Thủ đô. Vì thế, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng thì bản thân mỗi người hành nghề đạp xích lô chở khách du lịch cũng nên ý thức cao. Trong thời hiện đại này, càng làm việc tử tế, chuẩn mực thì cơ hội tồn tại với nghề càng cao, đem lại lợi ích kinh tế càng lớn. Còn nếu vẫn tư duy làm ăn chộp giật, bất chấp thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải mà thôi.