Bài 3: Hội chứng thụ động ở người trẻ hiện đại
Muôn chuyện nghề “đi ăn thử” của giới trẻ Trở thành freelancer - xu hướng nghề nghiệp mới của giới trẻ Giới trẻ “độ” xe, rủi ro rình rập |
Những đứa trẻ "ngại' lớn
Có thể thấy, nhiều bậc cha mẹ vì thương con nên đã làm thay mọi thứ từ những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày để rồi, học lớp 10 như cô bé Mai Huyền vẫn chưa biết gấp quần áo, chưa biết giúp công việc nhà. Huyền bảo: “Nhà em có người giúp việc. Vả lại, cha mẹ chỉ cần em học tập tốt là đủ rồi, đâu cần em làm mấy việc đó”.
Bên cạnh những bạn trẻ chăm chỉ, còn nhiều người không chịu làm việc nhà giúp bố mẹ (Ảnh minh họa) |
Những ngày người giúp việc bận về quê, tan làm chị Ngô Hoài Thu (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tất tả mua bán, về nhà lại lao vào bếp nấu nướng vì sợ con tan học sẽ đói, không có cơm ăn. Thờ ơ với việc nhà, mặc kệ mẹ túi bụi trong bếp, Huyền thản nhiên nằm vắt vẻo trên ghế lướt Facebook, tán ngẫu với bạn bè.
“Đi học về mệt, đợt này đang chuẩn bị thi học kỳ nên tôi để cho cháu nghỉ ngơi. Tôi làm loáng cái là xong ngay thôi”, chị Thu biện bạch cho con.
Vợ chồng chị Hoàng Thu Hồng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) có cô con gái tên Linh, sinh viên năm hai đại học. Ngoài việc học, Linh chỉ biết ăn và ngủ rồi dán mắt vào điện thoại. Vài ngày lại xin tiền mẹ đi mua sắm, đi chơi cùng nhóm bạn.
Chị Hồng, ngậm ngùi chia sẻ: “Ngày con còn bé, mọi việc trong nhà mình đều làm hết, chỉ mong con có thời gian chuyên tâm học hành, sau này lớn lên thì phụ đỡ bố mẹ. Ai ngờ, giờ con lớn rồi nhưng việc cắm hộ mẹ nồi cơm, rửa mâm bát, quét nhà cũng không làm được. Để con làm thì kiểu gì cơm cũng sống, bát đĩa không vỡ thì cũng sứt mẻ”.
Ngay cả việc lôi từng bộ quần áo, đôi tất ở trong phòng mang đi giặt cũng do chính tay chị làm. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi chị Hồng bị ốm nằm bẹp giường. Thay vì lo lắng cơm nước cho chị thì Linh lại ở lì trong phòng, dán mắt vào màn hình máy tính để chờ mẹ dậy nấu cơm.
Thụ động cả tương lai
Nhiều bạn trẻ yêu thích nấu nướng nhưng cũng không ít người lười biếng việc bếp núc |
Vợ chồng anh Nguyễn Tất Mạnh (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có cậu con trai tên Minh đã tốt nghiệp đại học được hơn một năm. Tận dụng các mối quan hệ sẵn có, anh xin cho con vào làm ở vài nơi nhưng Minh chê lương thấp, sếp khó tính, chỗ làm xa… rồi nghỉ. Nhiều khi, Minh nghỉ ngang, không báo công ty một lời làm anh phải rối rít xin lỗi bạn bè.
Được bao bọc từ bé giờ Minh thụ động hoàn toàn với cuộc sống. Mọi thứ Mình đều ỷ lại vào sự sắp xếp của gia đình. Ngay cả những việc sinh hoạt cá nhân, Minh cũng luôn chờ cha mẹ phục vụ, nhắc nhở...
Không riêng Minh, bạn trẻ Doãn Hải Hưng (21 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là trường hợp điển hình của sự thụ động. Các bạn cùng lớp tranh thủ kỳ thực tập để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế hay từ năm thứ 3, nhiều sinh viên đã xin đi kiến tập, chấp nhận không lương để có cơ hội thực hành những kiến thức được học trái lại, cả kỳ thực tập Hưng nằm dài ở nhà, “ngủ ngày cày đêm” với game online. Đến khi nhà trường yêu cầu xác nhận của đơn vị thực tập, Hưng nói với mẹ nhờ người quen xin giúp.
“Thực tập chỉ tốn thời gian, đến cũng chỉ pha trà rót nước. Cuối kỳ nhờ em gọi cho người quen xin cái dấu là xong. Thời gian đó ở nhà ngủ cho sướng”, Hưng nói một cách thản nhiên.
Khi được hỏi về chuyên ngành đang học, bản thân Hưng cũng không hiểu rõ sau sẽ làm những công việc gì. Hưng chẳng cần quan tâm vì mọi thứ cha mẹ đã sắp xếp sẵn, chỉ cần có cái bằng là được, ngành nào chẳng quan trọng.
“Miễn là có bằng đại học, còn ngành nào thì chẳng quan trọng. Đầy người học trái ngành, trái nghề vẫn đi làm đấy thôi. Đằng này bố mẹ có người quen thì “ấn” vào đâu chẳng được. Bố mẹ đã có tính toán cả rồi, chỉ cần mình tốt nghiệp đúng hạn, không nợ môn thôi, còn lại không phải nghĩ”, Hưng nói thêm.
Cho trẻ sức đề kháng để tự tin vào đời
Tham gia công tác Đoàn, Hội sẽ giúp các bạn trẻ tích lũy được nhiều kỹ năng sống |
Nhiều ý kiến cho rằng, hệ lụy cho sự yêu thương đặt sai chỗ là sản sinh ra một thế hệ những đứa trẻ thụ động, làm gì cũng sợ sai, làm gì cũng không dám. Mặt khác, khi trẻ được ủ lâu trong nhiều lớp khăn ấm sẽ mất dần đi “sức đề kháng” với cuộc sống xung quanh, yếu đuối và mong manh hơn. Điều này lại càng buộc bố mẹ bao bọc nhiều hơn. Cái vòng yêu thương luẩn quẩn ấy như sợi dây trói buộc cuộc đời những người trẻ.
TS Nguyễn Thị Phương Lan, khoa Tâm lý, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đừng nghĩ việc cha mẹ bao bọc con cái quá mức là tình yêu thương trọn vẹn. Đó chẳng khác nào việc tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và sự trưởng thành nói chung.
Đồng quan điểm, TS Đinh Khánh Nam, chuyên gia giáo dục học nhìn nhận: “Nuông chiều, bao bọc con cái một cách quá đà làm phát sinh nhiều hệ lụy mà cha mẹ không lường trước được. Điều đó khiến con ỷ lại, sống ích kỷ, không phát huy được tính tự lập. Không những vậy, bước ra khỏi “lồng kính” do cha mẹ tạo nên, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập với thế giới xung quanh.
Không ai có thể sống thay, sống hộ cuộc sống của các bạn trẻ, càng không thể lo mọi thứ để các em ỷ lại, mè nheo và mất đi tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trước cuộc sống. Chính các em mới là người biết mình muốn gì và cần gì. Điều đó sẽ giúp cho các em sống đúng với hạnh phúc của mình".
Bạn trẻ nên tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ người khác để trưởng thành hơn |
“Để tạo điều kiện cho con trưởng thành, khôn lớn, cha mẹ cần chủ động rèn luyện cho con tính tự giác và những kỹ năng sống cơ bản ngay từ khi còn nhỏ. Đồng thời, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, tổ chức Đoàn cho con tham gia các khóa học đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, tránh tác động xấu từ xã hội, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích... Có như vậy thì trẻ mới đủ sức đề kháng để tự tin bước vào đời và các bậc phụ huynh có thể yên tâm “buông” cho con mình tự trưởng thành.
Mặt khác, thay vì sắp đặt sẵn mọi thứ trong cuộc đời của các con thì cha mẹ hãy ngồi lại chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng những quyết định, sự lựa chọn của trẻ. Con cái cũng cần được tôn trọng. Sự tôn trọng này cũng là một cách để yêu thương", TS Nam nhấn mạnh.
Giới trẻ và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt |