Bài 3: Lan tỏa “ngọn lửa” chống tham nhũng
Bài 2: Khi người chống tham nhũng…“nhúng chàm” Quyết liệt chống tham nhũng, củng cố niềm tin của Nhân dân |
Hướng đến mục tiêu giác ngộ cán bộ
Những vụ án lớn vừa qua được xử nghiêm đã phần nào giúp cho cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ cấp cao càng thấm sâu và tự xem lại để răn dạy bản thân mình. Dù vậy, những vụ án càng được làm sáng tỏ, càng thấy được một thực tế xót xa: Tham nhũng đã ngấm vào bộ máy từ rất lâu, ăn sâu vào tư tưởng của nhiều lớp cán bộ.
Mới đây nhất, dư luận vô cùng bức xúc khi trong những ngày cả nước tất bật chống dịch Covid-19, khi nhiều người dân sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo", nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, bác sĩ… hy sinh quyền lợi bản thân trên tuyến đầu chống dịch thì vẫn có những cán bộ tranh thủ trục lợi từ chính sức khỏe, tính mạng của người dân.
Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19 từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng để trục lợi |
Là đơn vị có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống Covid-19 với các nhiệm vụ sàng lọc, kiểm soát, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm bệnh… nhưng vì lòng tham, PGS. TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19 từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng để trục lợi, vun vén cho cá nhân mình.
Tất nhiên, ông Cảm không phải là một ngoại lệ của chuyện trục lợi mùa dịch. Thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện 15 vụ sản xuất thiết bị y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, 98 cơ sở kinh doanh tăng giá bán thiết bị y tế, 50 trường hợp đầu cơ, găm hàng và hơn 100 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép không hóa đơn, chứng từ các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.
Thực tế ấy cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng tuy đang được làm rất quyết liệt nhưng "còn phức tạp và lắm gian nan ". Lửa đã cháy ở trên ngọn nhưng dưới phần gốc, những “chiếc rễ tham lam” vẫn âm thầm vươn ra, ăn sâu vào tư tưởng của nhiều lớp cán bộ, để chỉ chờ có cơ hội là lòng tham lại được dịp bùng phát.
Hiện, Đảng ta đang tích cực chuẩn bị cho công tác nhân sự cho Đại hội Đảng khóa XIII. Nhân dân mong Đảng tìm được những người đủ đức, đủ tài, những người không mắc "căn bệnh" chủ nghĩa cá nhân để gánh vác công việc. Điều đó đòi hỏi, công tác phòng, chống tham nhũng không được chủ quan, thỏa mãn mà phải kiên trì tiếp tục làm với một quyết tâm cao hơn, đẩy mạnh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, phải chống tham nhũng để giáo dục tầng lớp cán bộ trẻ sau này. Bởi thực tế, tham nhũng có những người rất tham, thế nhưng cũng có những người do tai nạn, có những người do kinh nghiệm kém mà thành.
Đốt sạch mầm mống tham nhũng vặt
Tham nhũng luôn là chủ đề nóng được đưa ra tại các buổi tiếp xúc cử tri. Tại đó, những kiến nghị của cử tri đều cho thấy sự phấn khởi, tin tưởng trước sự quyết liệt của Đảng trong diệt trừ “giặc nội xâm”. Cũng ở đó cho thấy một sự kỳ vọng thổi bùng lên ngọn lửa để diệt tận gốc, quét sạch tham nhũng từ những hành động manh nha ban đầu, hay còn gọi là tham nhũng vặt.
Tham nhũng vặt là "lỗ nhỏ" dễ gây "đắm thuyền" |
Sự bức xúc, kỳ vọng của người dân đối với vấn đề này có thể dễ hiểu, bởi tham nhũng vặt biến tướng dưới nhiều hình thức ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ngay từ những đứa trẻ khi lọt lòng cho tới lúc trưởng thành đã trở thành nạn nhân của tham nhũng. Đó là câu chuyện những tờ tiền được dúi trong chiếc tã của trẻ sơ sinh ở một số bệnh viện phụ sản để các cô y tá tắm cho bé; là các khoản đóng được thu dưới danh nghĩa của hội phụ huynh các lớp học; Là những khoản "lót tay" của người dân và doanh nghiệp cho chính quyền để thủ tục hành chính được mau lẹ…
Ông Nguyễn Trọng Hiển, đảng viên phường Xuân La, quận Tây Hồ cho rằng nạn tham nhũng, lãng phí đang là một thách thức lớn, cản trở công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng được đưa ra xử lý nghiêm đã tạo niềm tin cho Nhân dân trong công tác đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, dựa trên những kết quả chống tham nhũng thời gian qua cho thấy đâu đó vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", cán bộ còn chưa nhận thức hết hành vi tham nhũng của mình. Vì thế, Đảng và Nhà nước cần đấu tranh mạnh hơn nữa, đặc biệt cần quyết liệt xử lý tham nhũng vặt, để tham nhũng không có cơ hội bén rễ mà phát triển.
"Chính những tiêu cực dù nhỏ nhất trong bộ máy Nhà nước sẽ là “mầm mống” tạo điều kiện cho những hành vi sai trái phát sinh, thậm chí diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, một trong những việc cần làm ngay là nhanh chóng rà soát, gỡ bỏ các rào cản trong các quy định thiếu rõ ràng, không minh bạch đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân", ông Hiển kỳ vọng.
Có thể công tác phòng, chống tham nhũng đôi lúc, đôi chỗ chưa đáp ứng được kỳ vọng của một số người dân nhưng sự tích cực và lan tỏa của công tác phòng, chống tham nhũng là cực kỳ cần thiết để ngọn lửa phòng, chống tham nhũng luôn rực cháy.
Muốn vậy, ngoài việc xây dựng các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, sớm phát hiện các hành vi tham nhũng... cần loại bỏ các đặc quyền, đặc lợi đối với cán bộ, ví dụ như hạn chế việc đi công tác nước ngoài không hiệu quả.
Quyết liệt chống tham nhũng để lấy lại niềm tin của Nhân dân với Đảng |
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia về công tác Đảng, cần phải có giải pháp kiểm soát được quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, vì đó là những người có khả năng tham nhũng nhiều nhất. Các giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, tương hỗ với nhau, có như vậy mới phát huy tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng.
Những dấu ấn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho thấy kết quả đạt được, trước hết là từ quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước; Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, phối hợp của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan báo chí và sự ủng hộ, tham gia của Nhân dân.
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “đã trở thành phong trào, xu thế”, làm tăng thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nâng tầm uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nhiệm vụ này cần tiếp tục được thực hiện như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chống tham nhũng là để làm tình hình tốt lên, làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ. Như vậy mới là thành công!