Bài 3: Thầy mo 9X tâm huyết với văn hóa dân tộc
Những người gìn giữ mo Mường Hà Nội TTTĐ - Với sự hình thành và phát triển ngàn đời, mo Mường là di sản chứa đựng giá trị của nhiều loại hình văn ... |
Bài 2: Nghệ nhân già truyền nhân đời thứ 6 “đi mo” TTTĐ - Đồng chí Bùi Văn Sâm (Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) dẫn chúng tôi đến thôn Đồng Rằng ... |
Thầy mo 9X
Nhận được thông báo từ thân nhân của người xấu số, thầy mo Đinh Xuân Nam bỏ dở mẻ thuốc nam, thành kính tiến đến khu vực điện thờ riêng trong nhà, thắp hương trình báo tổ sư, các đấng tối cao, tổ tiên từ đời này qua đời khác truyền lại, triệu các cụ về và xin phép được đi hành nghề.
Đến nhà người quá cố, đầu tiên, thầy mo tiến hành làm lễ nhập quan. Sau đó là đến bài mo kẹ, mo lìa. Thầy mo sẽ giúp cắt đứt đoạn những vương vấn của người đã khuất với trần gian, trả hết nợ hết nần để vong về với cõi âm không còn vướng mắc gì với con cháu, gia đình và người trần, không khiến họ ốm đau, bệnh tật gì nữa.
Các vật dụng đi theo thầy mo 9X Đinh Xuân Nam gồm: Chuông làm bằng đồng, bên trong có quả lắc, phía trên có cán nhỏ đề ông mo cầm rung lắc khi diễn xướng. Chuông dùng để đánh thức vong, dùng để thỉnh hồn người chết khi làm lễ cúng. Chiếc quạt thể hiện sự uy nghiêm, khi cần thì để thánh sư giáng lời. Trong khi đó, con dao thể hiện cho quyền năng của ông mo thực thi thuật pháp. Còn đá khót, sừng nai, nanh lợn lời, nanh hổ thì ông mo dùng để thị uy. |
Tiếp sau đó là đến lễ đạp ma. Trong lễ này, vong hồn sẽ được hướng dẫn nghe theo lời thầy mo. Khi vong đã nghe theo rồi, thầy mo sẽ dẫn vong từ trong quan tài ra để mo cho người chết được ăn cơm uống nước, để người thân trong gia đình được đền ơn, báo hiếu, dâng rượu dâng thịt cho vong.
Từ khoảng 19 giờ trở đi là lúc thầy mo nhiều công việc nhất. Liên tục các roóng mo nối tiếp nhau như: Mo nhìn họ, mo cởi lìa, mo xin đất, xin nhà… Đây là những hoạt động mà thầy mo đóng vai dẫn đường, đưa vong hồn người quá cố đi khắp Mường Ma, một thế giới tách biệt hoàn toàn với thế giới người sống. Ở đó, người chết sẽ tìm họ hàng, người thân ở các nghĩa trang khác nhau, xin đất để làm nhà tại nơi ở mới, biết đường đi lối lại, có anh có em, tiếp tục cuộc đời bên những họ hàng đã khuất trước đây của mình.
Thầy mo 9X Đinh Xuân Nam đang thực hành mo Mường |
Tiếp sau đó, thầy mo còn gắn bó với gia đình người đã khuất cho đến khi chôn cất chu toàn xong, tiếp tục đến lễ 100 ngày và lễ giỗ đầu. Tất cả đều được thực hiện một cách thành kính, trang nghiêm với các nghi lễ đậm truyền thống và bản sắc văn hóa.
Ngày trước, như ông nội, như chú ruột của Đinh Xuân Nam thực hành thì phải 2 đêm mo mới hết được các nội dung. Giờ đây, thực hiện nếp sống mới, nghi lễ tang ma được giảm bớt, gói gọn chỉ trong một đêm. Điều này cũng phù hợp xu thế vì không có nhiều thầy mo để thay phiên nhau thực hành. Một mình Nam khó có thể đảm nhiệm được hết các róong mo một cách chu toàn được.
Sinh năm 1994, cho đến nay, Đinh Xuân Nam đã có 16 năm gắn bó với nghề này và gần 500 lễ mo được anh thực hiện cho các gia đình có người qua đời. Thuộc thế hệ 9X, trong khi bạn bè cùng trang lứa lựa chọn nhiều nghề nghiệp hiện đại thì Nam lại chọn nghề mo. “Bởi mo Mường đang bị mai một dần, tôi không thể để truyền thống đó của dân tộc biến mất được. Đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng tôi”, Đinh Xuân Nam cho biết.
Còn một lí do nữa, trong suốt nhiều năm tháng thơ bé, những lần theo ông nội và chú đi mo, Nam được chứng kiến cảnh trước nghi lễ mo, người chết ủy thác vào ông mo mà dặn dò con cháu ở lại, chia tay cõi trần gian để về với cõi âm. Đó là khoảnh khắc thân thương nhất, trìu mến nhất, thể hiện sự nhân văn cao cả của các nghi lễ mo, cũng là sự gắn kết các thành viên gia đình. Điều này khiến anh vô cùng xúc động và mong muốn trở thành những “cầu nối” tâm linh đó.
Truyền nhân đời thứ 7
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nghệ nhân Đinh Xuân Nam cho biết theo gia phả còn ghi chép lại bằng chữ Quốc ngữ đến anh là đời thứ 7 trong gia đình được truyền dạy và thực hành mo Mường. Còn trước đó thì chính gia đình anh cũng không biết là tổ tiên của mình có bao đời gắn bó với nghề đi mo.
Cũng giống như nghệ nhân Nguyễn Thị Bí, Đinh Xuân Nam cũng tiết lộ rằng, công việc của anh làm liên quan đến tâm linh nên bản thân anh cũng phải là người có tâm huyết và đau đáu với việc lưu truyền vốn văn hóa ngàn đời này. "Phải có sự giao thoa tâm linh mới có thể thuộc làu được rất nhiều bài mo dài với nhiều nghi lễ và các nội dung khác nhau", thầy mo Đinh Xuân Nam cho biết.
Nam cũng giải thích thêm, bởi người Mường không có chữ viết nên sự tiếp nối chỉ có thể thông qua hình thức truyền miệng. Bên cạnh đó, bài mo còn vang lên trong đầu anh những lúc anh chìm vào giấc ngủ sâu. Từng lời thơ đi vào tâm thức thầy mo thế hệ sau như được ông bà, tổ tiên truyền gửi bằng kí ức. Những bài mo hàng ngàn câu cứ thế mà tuôn trào ra như suối, như có ai đưa vào trong đầu để anh đọc ra thành lời.
Những róong mo mà thầy Nam có thể thực hiện được có thể kể đến như mo nhập quan, mo mượn thầy, mo kẹ, mo cởi lìa, mo kể chuyện (Đẻ đất đẻ nước, Út Lót với chàng Hùy Nga, Nàng Nga 2 mối, mo đẻ trứng điếng), mo lên trời, mo tuông...
Trước đây, một thời gian mo Mường bị nhầm lẫn với mê tín dị đoan nhưng cùng với thời gian, giới chuyên môn và các nhà quản lý đã nhận ra vai trò to lớn của mo với văn hóa người Mường và mo Mường đã được nhìn nhận đúng với giá trị của nó. Đó là lí do tại sao trăm phần trăm người Mường đều mời thầy mo khi trong nhà có người qua đời.
Bên cạnh đó, thầy mo luôn là người đặt vấn đề làm phúc, giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc lên hàng đầu. Ở thời buổi kinh tế thị trường, mọi thứ đều được định giá bằng giá cả, riêng thầy mo vẫn tiến hành các nghi lễ với cái tâm của người gìn giữ sử thi của dân tộc.
Thầy Nam cho biết, sau mỗi đám tang, khi đưa thầy mo trở về nhà, gia chủ thường cảm ơn bằng cân thịt, chút hoa quả, chai rượu hay cân gạo nếp… đặt lên bàn thờ tổ tiên ông mo. Vì thế, thầy mo không phải là “nghề” mà có thể nói là “nghiệp” của những người nhận trách nhiệm gánh vác truyền thống của dân tộc.
Với thầy mo Đinh Xuân Nam, nghề chính của anh là bốc thuốc nam. Những bài thuốc gia truyền của người Mường để chữa các bệnh u tuyến giáp và bệnh gan cũng do các cụ để lại. Ai nghe danh thầy, đến bốc thuốc mang theo dăm ba đồng hay chỉ cân hoa quả thầy cũng đều bốc thuốc cho chứ thuốc không hề có giá cố định.
Sau khi uống xong, khỏi bệnh nếu người nào có lòng thành thì đến biếu thầy con gà, chai rượu, người bận việc, mải việc quên không cảm tạ cũng là chuyện thường tình. Vì thế, gia đình Nam vẫn duy trì cuộc sống bằng việc cày cấy, trồng cây ăn quả… Cứ hễ có người nhờ đi mo là thầy lại gác hết công việc lại, xin phép các cụ và lên đường.
Cây si mục Cành lòa xòa hóa ra chân tay mụ Dạ Dần Cành lù xù hóa ra đầu mụ Dạ Dần Cành thia lia hóa ra tai, ra mắt mụ Dạ Dần Cành sừng sững hóa ra lưng, ra ngực mụ Dạ Dần (Phần Đẻ người - sử thi "Đẻ đất đẻ nước") |
(Còn nữa)